(QNO) - Mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng”, có lẽ chỉ nghe tên gọi thôi cũng đủ để hình dung về một việc làm đầy ý nghĩa nhân văn.
Mô hình này đã và đang được thực hiện tại các Đồn Biên phòng của tỉnh Quảng Nam và được công nhận là một cách làm hay trong thực hiện công tác dân vận, gắn kết tình quân dân nơi tuyến biên cương xa xôi. Cũng từ mô hình này, giấc mơ đến trường theo học con chữ của nhiều trẻ em người đồng bào dân tộc thiểu số mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thắp lên.
5 giờ sáng, ở sân Đồn Biên phòng A Xan (Tây Giang), cán bộ, chiến sĩ bước vào bài tập thể dục vận động. Không chỉ lính biên phòng mà còn có hai cậu bé người Cơ Tu tập động tác theo đúng trình tự như các chú bộ đội… Đó là hoạt động bắt đầu ngày mới của hai cậu bé “Con nuôi Đồn Biên phòng” Cơlâu Ân (12 tuổi, học lớp 6 Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi) và Hốil Đức Hữu (9 tuổi, học lớp 3 Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học A Xan).
Hốil Đức Hữu được đón về đơn vị từ tháng 9.2019, còn Cơlâu Ân được đón về từ tháng 9.2020. Hoàn cảnh của hai cậu bé rất đáng thương. Cha, mẹ Ân mất khi em đang học lớp 1, Ân ở với bà nội già yếu đã hơn 70 tuổi.
Ân kể, những ngày ấy, trong nhà, mỗi bữa ăn của bà nội và em chỉ có cơm độn với rau hái ở trên rừng. Bà đã già yếu, không đi rẫy thường xuyên được nên thi thoảng lại đứt bữa. Trong thôn Abanh 2, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang, thương hoàn cảnh bà cháu Ân, thi thoảng có người đem gạo, rau đến cho.
Hoàn cảnh đáng thương vậy, nhưng cậu bé kiên cường lắm. Nhà cách trường 12 cây số, nên từ 5 giờ sáng ngày đầu tuần Ân đã phải dậy đi học. Hôm nào có xe để đi nhờ thì còn đỡ, nếu không em phải đi bộ mấy tiếng đồng hồ mới đến trường. Ân học bán trú, nên đến cuối tuần thầy cô mới cho về nhà. Những ngày nghỉ, Ân giúp những chuyện lặt vặt trong nhà, thỉnh thoảng đi rẫy phụ giúp bà.
Còn hoàn cảnh của Hốil Đức Hữu (ở thôn K’noonh, xã A Xan) cũng đáng thương không kém. Bố Hữu phải chạy thận nhiều năm nay. Cái ăn, cái mặc cho cả gia đình chỉ trông vào người mẹ cũng hay đau ốm nên kinh tế gia đình hết sức khó khăn.
Thấu hiểu và chia sẻ với các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn đó, sau khi khảo sát, Đảng ủy, Ban Chỉ huy Đồn Biên phòng A Xan làm việc với gia đình, địa phương để nhận hai Hữu và Ân làm "con nuôi". Quá trình nuôi dưỡng, chăm sóc, đơn vị luôn kết nối gia đình, nhà trường, địa phương để đảm bảo hai em được chăm lo tốt nhất.
Về sống cùng các chú bộ đội Đồn Biên phòng A Xan, Ân và Hữu được bố trí một phòng riêng, có góc học tập, cấp đầy đủ đồ dùng và phương tiện sinh hoạt cần thiết. Hai em đã bắt nhịp với cuộc sống ở “ngôi nhà mới” khi luôn được những “bố nuôi” mang quân hàm xanh yêu thương, chăm sóc từ bữa ăn, giấc ngủ. Không chỉ quản lý, kèm cặp, giáo dục, hướng dẫn học tập, các “bố nuôi” biên phòng còn trực tiếp đưa đón các em đến trường.
Cơlâu Ân kể: “Ở đồn biên phòng, "bố" nào cũng thương yêu em. Chúng em được ăn ngon, mặc đẹp và được học nhiều điều hay từ các bố”. Chỉ sau thời gian ngắn cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt tại đồn biên phòng, Ân và Hữu “thay da đổi thịt” thấy rõ, không còn mang vóc dáng gầy guộc, khẳng khiu. Các em còn biết tự chăm lo cho mình, tự giặt quần áo và có thể gấp chăn màn gọn gàng, vuông vức.
Thượng tá Dương Đệ Châu - Đồn trưởng Ðồn Biên phòng A Xan cho biết: "Thời gian đầu mới chuyển về đơn vị ở, các cháu vẫn còn mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp và chưa quen với nếp sinh hoạt mới nên cũng có đôi chút khó khăn hòa nhập. Bây giờ các cháu đã quen với chế độ sinh hoạt của quân đội, là những "chiến sĩ nhí" của đồn. Theo đánh giá của thầy cô giáo, từ khi về làm "con nuôi" của đồn, các cháu có tiến bộ nhiều về kết quả học tập, đặc biệt là thể chất và tinh thần. Ân và Hữu đã có kết quả học tập tiến bộ từ học sinh trung bình lên học sinh khá".
Cảm kích trước tấm lòng của những người lính biên phòng, bà Zơ Râm Thị Binh, bà nội của cháu Cơlâu Ân xúc động nói: “Thiếu thốn tình yêu thương của cha mẹ từ bé, nhưng thật may mắn khi cháu tôi được các chú bộ đội biên phòng (BĐBP) nhận nuôi dưỡng. Tôi rất yên tâm. Nhờ có bộ đội, mà cháu tôi không phải bỏ học, mong sao lớn lên cháu trở thành người có ích cho xã hội!”.
Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết, thực hiện mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” do Bộ Tư lệnh BĐBP phát động từ tháng 7.2019, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị rà soát trường hợp trong diện hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để hỗ trợ. Đến nay các đơn vị đã nhận nuôi 16 em.
Trước đó, từ năm 2014, BĐBP tỉnh đã triển khai Chương trình “Nâng bước em đến trường” và đến nay đã nhận đỡ đầu 60 học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó có 6 học sinh nước bạn Lào với mức hỗ trợ 500 nghìn đồng/em/tháng đến hết năm lớp 12. Ngoài ra, trong các dịp lễ tết, hay đầu năm học mới các đơn vị đến thăm, tặng quà, sách vở, dụng cụ học tập… động viên các em.
“Từ chương trình này, giữa BĐBP với cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là nhân dân trên 2 tuyến biên giới đất liền và biển đảo của tỉnh ngày càng gắn bó hơn, tình cảm hơn. Cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân cũng xác định rõ vai trò trách nhiệm đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới biển đảo của Tổ quốc. Từ đó địa phương, nhân dân tin tưởng, giúp đỡ BĐBP nhiều hơn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” - Đại tá Hoàng Văn Mẫn nói.
Ước mơ "con làm chiến sĩ biên phòng để bảo vệ biên cương của Tổ quốc", "con làm bác sĩ để chữa bệnh cho bà con buôn làng"…, những ước mơ đơn giản, nhỏ nhoi của bao cậu bé, cô bé Cơ Tu nơi vùng biên xa xôi đã và đang được các đồn biên phòng chắp cánh.