(QNO) - Mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” là chủ trương của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng nhằm giúp đỡ học sinh hiếu học có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn biên giới. Thực hiện chủ trương này, các đơn vị của Bộ đội Biên phòng tỉnh đã nhận nuôi nhiều học sinh để các em có điều kiện được ăn ở, học tập đầy đủ.
Tiếp sức
Em Alăng Chi (SN 2010, thôn Đắc Pênh, xã La Dêê, Nam Giang) là người dân tộc Tà Riềng, hiện học lớp 4 Trường Tiểu học liên xã La Dêê - Đắc Tôi. Chi có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn, cha mất sớm, em ở với mẹ bệnh tật và bà nội già yếu. Thấu hiểu hoàn cảnh, Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang vừa tổ chức nhận Chi là “Con nuôi đồn biên phòng”.
Theo đó, Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang bố trí một phòng riêng có đầy đủ các vật dụng cần thiết để em ăn ở, sinh hoạt, học tập. Ngoài ra tặng em 1 xe đạp để hằng ngày đi học. Đồn phân công, giao nhiệm vụ cho Đội vận động quần chúng chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý, kèm cặp, giáo dục Chi.
Còn em Un Lộc (SN 2006, cụm dân cư Pêtapoóc, xã Đắc Pring, Nam Giang) hiện học lớp 6 Trường THCS liên xã Đắc Pring - Đắc Pre được cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Đắc Pring nhận nuôi. “Bao nhiêu lần, gia đình định cho con nghỉ học để phụ giúp lao động kiếm sống. Nhưng nhờ sự giúp đỡ của cán bộ chiến sĩ biên phòng ở đây, gia đình yên tâm cho cháu đến trường” - ông Un Thiêng (ba Lộc) tâm sự.
Tương tự, Đồn Biên phòng A Nông (đóng chân tại huyện Tây Giang) cũng nhận nuôi một trường hợp học sinh khó khăn ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi. Tất cả các em trong chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” sẽ được các đồn nhận nuôi đến hết năm 15 tuổi. Khi học xong lớp 9, các đơn vị sẽ tiếp tục nhận đỡ đầu theo chương trình “Nâng bước em tới trường”, hỗ trợ 500 nghìn đồng/tháng/học sinh cho đến năm hết lớp 12. Kinh phí thực hiện do cán bộ chiến sĩ các đơn vị tự nguyện đóng góp.
Ý nghĩa nhân văn
Ở 2 huyện biên giới Nam Giang, Tây Giang, đồng bào chủ yếu là người Cơ Tu, Ve, Tà Riềng…, đời sống của bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Được cắp sách đến trường là mơ ước của nhiều em nhỏ. Chính vì vậy, chương trình “Con nuôi đồn biên phòng” mang một ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhận được sự ủng hộ của các thầy cô giáo, chính quyền địa phương. Qua đó còn góp phần hạn chế tình trạng học sinh vùng cao bỏ học giữa chừng.
Bà Lê Kim Vân - Trưởng phòng GD-ĐT huyện Tây Giang cho biết: “Nhờ chương trình này mà việc học tập của học sinh được đảm bảo tốt hơn, nhận thức của các em cũng ngày một tốt hơn. Tôi mong muốn rằng, trong thời gian tới mô hình “Con nuôi đồn biên phòng” trên địa bàn Tây Giang cũng như mọi miền Tổ quốc được nhân rộng hơn để giúp đỡ được nhiều học sinh, giúp các em phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội”.
Thượng tá Nguyễn Trung Kiên - Phó Chính ủy Bộ đội Biên phòng tỉnh cho biết, cũng như “Nâng bước em đến trường” mà lực lượng bộ đội biên phòng thực hiện trong nhiều năm qua, “Con nuôi đồn biên phòng” sẽ là mô hình tiếp sức, nuôi dưỡng những ước mơ cho các học trò nghèo vùng biên giới xa xôi. Mỗi đồn sẽ nhận nuôi 2 - 3 em trong độ tuổi 6 - 15.
“Mô hình còn góp phần tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa cán bộ chiến sĩ biên phòng với quần chúng nhân dân trên địa bàn biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững chắc” - Thượng tá Nguyễn Trung Kiên nói.