Cơn sốt “nghệ thuật kỹ thuật số” dựa trên NFT

An Trương 20/03/2021 10:11

(QNO) - NFT hiện là chủ đề nóng đối với giới truyền thông và các nhà đầu tư trên toàn cầu, từ Mỹ đến Trung Quốc.

Bài đăng của người sáng lập Twitter Jack Dorsey trên nền tảng này kèm đoạn mã NFT đang được rao bán  với giá 3,2 triệu USD. Ảnh: ED Times
Bài đăng của người sáng lập Twitter Jack Dorsey trên nền tảng này kèm đoạn mã NFT đang được rao bán với giá 3,2 triệu USD. Ảnh: ED Times

NFT là viết tắt của “Non-Fungible Token” - nghĩa là một “token” không thể thay thế”, được tạo nên từ blockchain Ethereum. Các tính chất đặc trưng của NFT cũng tương tự tiền điện tử như không thể phá huỷ, có thể truy xuất nguồn gốc dựa vào blockchain, và không thể sao chép. Vì tính chất này mà NFT được xem như chứng chỉ xác thực quyền sở hữu của tác giả đối với một sản phẩm nào đó. Những chứng nhận này, có thể được áp lên tranh ảnh, video, nhạc, và các tập tin số khác, như một con dấu chứng minh đó là tác phẩm gốc. Tuy nhiên, NFT không có giá trị hữu hình, bởi bản chất của nó chỉ là các đoạn mã.

Đại diện nhà đấu giá Christie, nơi bán các tác phẩm chứng thực bằng NFT có giá hàng chục triệu USD cho biết: “Người mua những tác phẩm này sẽ nhận được một mã, là chuỗi dài các con số và chữ cái, kèm theo một file JPG độ phân giải cao của tác phẩm”. Mã này sẽ được lưu lại trên blockchain của Ethereum, đồng thời được chuyển vào ví tiền điện tử của chủ sở hữu.

Công nghệ sử dụng nền tảng blockchain này đang mang lại cho các nghệ sĩ giải pháp để khẳng định quyền sở hữu và kiếm tiền từ những tác phẩm kỹ thuật số của mình. Thay vì Bitcoin, nhiều nhà đầu tư mạo hiểm đang sẵn sàng bỏ ra hàng triệu USD để mua các vật phẩm được bảo mật bằng chuỗi mã NFT. Những tín đồ NFT ở Trung Quốc đang tranh thủ cơ hội này để lan tỏa sức hút của NFT trên thị trường nghệ thuật ở quốc gia đông dân nhất thế giới.

Trung tâm Nghệ thuật Đương đại UCCA ở Bắc Kinh thông báo sắp tổ chức triển lãm đầu tiên cho nghệ thuật mã hóa (crypto art) dưới dạng NFT. Là một trong những người đứng sau triển lãm, Sun Bohan - CEO của BlockCreateArt (BCA) cho biết nghệ thuật mã hóa là xu hướng mới nổi được hình thành từ sự “kết nối giữa văn hóa và công nghệ, giữa nghệ thuật và các nền tảng dựa trên blockchain”.

Trước đó, một clip của siêu sao bóng rổ Lebron James được bán với giá 100.000 USD trên trang Top Shot, chợ kỹ thuật số chuyên về những video của giải bóng rổ nhà nghề Mỹ (NBA). Trong lĩnh vực âm nhạc, Kings of Leon đã trở thành ban nhạc đầu tiên công bố ra mắt một album NFT, với 3 loại token bao gồm những tranh ảnh đặc biệt và đặc quyền dành riêng cho người mua. Ngôi sao nhạc pop Shawn Mendez tháng trước cũng công bố một loạt các sản phẩm số dưới dạng NFT. CEO Twitter, Jack Dorsey, thậm chí đang bán đoạn tweet đầu tiên của mình trên nền tảng này như một NFT với giá cao kỷ lục.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng NFT sẽ mở ra một cuộc cách mạng trong cách các nhà sáng tạo thuộc mọi cấp độ khác nhau có thể bán và phân phối tác phẩm của mình. Mặt khác, NFT có tiềm năng thay đổi cách con người tương tác và tiêu thụ nghệ thuật trong thời đại số. Tuy nhiên, các vật phẩm NFT cũng gây lo ngại vì có mô hình phát triển nóng giống “bong bóng” Bitcoin năm 2017. Thời điểm đó, giá trị của đồng tiền điện tử này được đẩy lên cao bất thường sau đó nhanh chóng lao dốc và mất đến 70% giá trị trong ít ngày.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cơn sốt “nghệ thuật kỹ thuật số” dựa trên NFT
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO