"Con tàu nhiên liệu" và câu chuyện Núi Thành

VÕ VĂN TRƯỜNG 26/01/2023 07:10

(Xuân Quý Mão) - Trong một bài báo về đề tài chiến tranh cách mạng, tôi rất thích cách ví von của nhà văn Phạm Thông khi nói về ông Lê Tư Đặng, tên trước đây là Đặng Đình Ngoạt: “Nhìn lại đời mình, ông không có những chiến công vang dội như một chiến binh trực tiếp cầm súng xông pha trận mạc. Nhưng, ông lại như một con tàu chở đầy nhiên liệu ý chí, kiên quyết, kiên nhẫn dài lâu vượt qua đại dương bao la trùng trùng bão tố và đã về đích trọn vẹn”. Tôi có dịp trò chuyện cùng ông Lê Tư Đặng, người chiến sĩ cách mạng lão thành năm nay đã 89 tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng.

Ông Lê Tư Đặng (bên trái) và tác giả.
Ông Lê Tư Đặng (bên trái) và tác giả.

* Xuân mới cận kề, có câu chuyện rất mới và cũng rất thời sự, tới đây Núi Thành cùng Phú Ninh sẽ tái hợp Tam Kỳ để hướng đến một đô thị loại 1. Là người từng trải qua cuộc chiến ác liệt, rồi những năm tháng gian khổ khó khăn trên mảnh đất lừng danh Núi Thành này, xin ông chia sẻ suy nghĩ của mình?

Ông Lê Tư Đặng: Chừ chuyện ni đúng thời sự thiệt. Mà tui nghĩ với Núi Thành thì quả là một câu chuyện rất dài chứ chẳng chơi.

Nhẩm tính cũng có sự trùng hợp lạ kỳ. Cuối năm 1983, tỉnh có chủ trương chia tách huyện Tam Kỳ thành hai đơn vị hành chính là thị xã Tam Kỳ và huyện Núi Thành. Lúc đó, Tam Kỳ là huyện có địa bàn rộng nhất tỉnh với 23 đơn vị hành chính cấp xã.

Vì vậy chia tách huyện để mỗi địa phương phát huy tiềm năng, thế mạnh của mình là một chủ trương đúng đắn. Đầu năm 1984, tôi đang là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Tam Kỳ được phân công về Núi Thành nhận nhiệm vụ Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện. Nếu thực hiện dứt điểm việc ni vào 2024, tức là đúng 30 năm chẵn.

* Hồi tách huyện chắc là khó khăn lắm…

Tách hay nhập là chủ trương quy hoạch tầm chiến lược của tỉnh và Trung ương, song làm gì cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, lấy lợi ích đại cục nhưng cũng xuất phát từ lợi ích của người dân.

(Ông Lê Tư Đặng)

Ông Lê Tư Đặng: Thực tế khó khăn mới đòi hỏi đội ngũ những người lãnh đạo của huyện phải thật sự quyết tâm, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm với những quyết sách mới mẻ nhưng phải đúng đắn với chủ trương, đường lối của Đảng để đưa huyện nhà tiến lên.

Hai vấn đề lớn và vô cùng nan giải với huyện Núi Thành lúc bấy giờ là bài toán về giao thông và điện. Đây là những tiền đề đặc biệt quan trọng để huyện phát triển. Thế nhưng lên tỉnh xin chủ trương thì Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh không đồng tình. (Những người lãnh đạo cao nhất của huyện lúc đó có bà Hồ Thị Kim Thanh, ông Lương Văn Hận và ông Lê Tư Đặng - PV).

Ông Lê Tư Đặng cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (thời điểm chụp ảnh, ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng Chính phủ).
Ông Lê Tư Đặng cùng Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (thời điểm chụp ảnh, ông Nguyễn Xuân Phúc là Thủ tướng Chính phủ).

Cuối cùng Ban Thường vụ Huyện ủy quyết định cử bà Hồ Thị Kim Thanh và tôi ra gặp trực tiếp ông Đỗ Mười - Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Bộ trưởng (nay là Phó Thủ tướng Chính phủ) để báo cáo và xin ý kiến chỉ đạo về xây dựng hệ thống điện trước.

May mà lúc đó bà Thanh đang là đại biểu Quốc hội nên việc xin gặp ông Đỗ Mười không mấy khó khăn. Cuộc gặp gỡ mang lại kết quả khi ông Đỗ Mười chỉ đạo anh thư ký viết bức thư tay gửi lãnh đạo tỉnh để tôi mang về làm giấy thông hành, đại ý là Núi Thành quyết tâm cao như vậy thì cho làm đi.

Xong nút thắt lớn, về Núi Thành tôi với bà Thanh khăn gói ra Bộ Tư lệnh Quân khu 5 vận động xin trụ điện do quân Mỹ bỏ lại ở căn cứ quân sự Chu Lai, huy động nhân dân hiến đất, góp công để kéo dây đào trụ. Tháng 5/1984, công trình kéo điện về Núi Thành được khởi công. Đến Tết âm lịch năm 1985, dòng điện đầu tiên đã về đến Núi Thành, coi như ước mơ đã trở thành hiện thực.

* Một cán bộ dày dạn trong chiến tranh, từng cãi lệnh cấp trên vì thuộc cấp. Từ một cậu bé 12 tuổi nhổ chân chạy theo cha chú ra giành chính quyền ở phủ đường Tam Kỳ, rồi trở thành Chủ tịch UBND huyện Nam Tam Kỳ, Chủ tịch UBND huyện Núi Thành những ngày đầu chia tách cách đây 30 năm, nếu muốn nói về vùng đất này thì ông nói điều gì?

Ông Lê Tư Đặng: Ở giai đoạn nào Núi Thành cũng luôn đảm trách sứ mệnh đương đầu với thử thách. Trận đầu đánh Mỹ ở Núi Thành là một minh chứng, Khu kinh tế mở Chu Lai thêm một minh chứng...

Giờ đây khi chứng kiến những bước phát triển mạnh mẽ của Núi Thành, khi nhìn Khu kinh tế mở Chu Lai vươn mình lớn mạnh, những dòng xe nườm nượp từ Công ty Ô tô Trường Hải đổ về mọi miền đất nước, không nhiều người hiểu hết những gian truân, khổ cực của cả thế hệ từ chiến tranh đi ra và cả những năm tháng đầu tiên bắt tay vào xây dựng huyện mới cách đây 30 năm.

Ngày xưa, sau trận đầu Núi Thành thắng Mỹ, đồng chí Hoàng Minh Thắng - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng điện về Khu 5 báo cáo tình hình ngay. Đến khi về cơ quan Quân khu đóng ở Nước Trắng, Trà My, đồng chí Chu Huy Mân - Tư lệnh Quân khu 5 cho gọi mời uống trà khen ngợi, nhưng cho biết đã nhận được điện khen của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trước khi nhận được báo cáo của tỉnh.

Sau này mới biết, khi đánh Núi Thành có một phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam đi theo trận đánh đã điện vào Trung ương Cục bài tường thuật trận đánh. Khi đọc xong bài tường thuật vừa nhận, đồng chí Nguyễn Chí Thanh lập tức thảo điện khen Quân khu 5. Trong lúc đó, báo cáo của Tỉnh ủy về Quân khu bằng đài 15W còn chưa dịch xong mật mã.

Lan man vậy, để rút thêm điều muốn nói ở đây là, việc nhập 3 địa phương thành một thì báo chí cũng cần tiên phong thông tin để người dân nắm bắt, có hiểu biết để đồng thuận. Tách hay nhập là chủ trương quy hoạch tầm chiến lược của tỉnh và Trung ương, song làm gì cũng cần nghiên cứu kỹ lưỡng, lấy lợi ích đại cục nhưng cũng xuất phát từ lợi ích của người dân.

Tin tưởng đô thị mới này sẽ là vùng phát triển năng động, bởi những lợi thế và chúng ta cũng có quyền rút kinh nghiệm về những gì đã trải qua, trong đó có giai đoạn chậm phát triển so các địa phương trong tỉnh.

* Xuân mới chúc ông nhiều sức khỏe, chúc con tàu đầy nhiên liệu tiếp tục cuộc hành trình cùng những mùa xuân quê hương!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Con tàu nhiên liệu" và câu chuyện Núi Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO