(Xuân Tân Sửu) - Con trâu gắn bó, gần gũi với cuộc sống ruộng đồng của người nông dân từ xa xưa đến nay nhưng điều khá ngạc nhiên là trong số hàng trăm nghìn cổ vật được khai quật, trục vớt từ con tàu đắm cổ thế kỷ thứ 15 tại vùng biển Cù Lao Chàm vào các năm 1997 - 1999, 2004 - 2007, chỉ tìm thấy không quá 10 cổ vật có trang trí hình ảnh con trâu. Đó là hình ảnh con trâu được vẽ trong lòng những chiếc đĩa lớn, đĩa trung, đĩa nhỏ và một số nắp hộp nhỏ.
Những chiếc đĩa lớn men lam, men tam thái, men ngũ thái có chiều cao từ 8cm - 8,5cm; đường kính vành miệng dao động từ 34cm - 35cm và đường kính đáy từ 24cm - 25cm là những phẩm vật mà người thợ làm gốm Chu Đậu cách đây hơn 500 năm thể hiện được tay nghề tinh xảo của mình với những bức họa tiết thuần Việt.
Các bức họa thể hiện một đất nước Đại Việt tươi đẹp, thanh bình với cảnh núi non trùng điệp, đa dạng muông thú, chim chóc... Tuy nhiên, trên loại hình đĩa lớn này, chỉ tìm thấy ba cổ vật trang trí hình ảnh con trâu với những sắc thái biểu cảm, tư thế rất sinh động. Đó là hai chiếc đĩa vẽ men ngũ thái thể hiện hình ảnh hai con trâu con (nghé) đang nô đùa trên đồng cỏ và trên những đám mây cuộn cách điệu.
Tuy ở hai khung cảnh khác nhau nhưng tư thế và động tác của hai con nghé trên hai chiếc đĩa này được thể hiện tương đối giống nhau với thân mình uyển chuyển như đang chạy nhảy, mắt mở to, đầu ngước lên trên, hai chân trước chồm về phía trước, đuôi ngược ra phía sau.
Ấn tượng nhất là các chi tiết nhỏ được vẽ rất rõ nét như lỗ tai, bộ móng guốc dưới chân và đặc biệt hàng lông mi cong dài thể hiện được sự hồn nhiên, ngây thơ của trâu con... Cổ vật thứ ba trong loại hình đĩa lớn này là một chiếc đĩa vẽ men lam (đơn sắc với màu oxit coban dưới men) thể hiện hình ảnh một con trâu béo tốt thong dong gặm cỏ giữa khung cảnh rất đẹp với tán cây, bờ đá, khóm trúc, hoa lá, núi đồi... xung quanh.
Trên một chiếc đĩa trung vẽ men lam, đường kính 22,3cm thể hiện hình ảnh con trâu khác với dáng vẻ và tư thế thường thấy. Con trâu trên chiếc đĩa này dường như đang bay bổng trong không trung, hai chân trước đưa về phía trước, hai chân sau duỗi thẳng ra sau, đuôi dựng ngược và đầu ngước lên trời.
Hình tượng con trâu cũng được tìm thấy trên một chiếc đĩa nhỏ men tam thái (đỏ, lục, vàng) còn bám hàu có đường kính 16,5cm. Chỉ bằng vài ba nét phát họa đơn giản có thể nhận thấy trong lòng đĩa hình ảnh con trâu chạy nhảy trên đồng cỏ, hai chân trước đưa về phía trước, đầu ngoảnh lại phía sau, đuôi như đang phe phẩy, cặp sừng trâu cong và nhọn được thể hiện rõ nét. Bao quanh vành đĩa là những cánh hoa sen màu lam cách điệu rất hút mắt.
Bên cạnh hình tượng con trâu được trang trí trên những chiếc đĩa như kể trên thì trong số cổ vật trục vớt tại vùng biển Cù Lao Chàm còn tìm thấy ba chiếc nắp hộp nhỏ đường kính từ 4,5cm - 4,8cm có trang trí hình ảnh con trâu. Trong đó có một chiếc nắp hộp tuy bề mặt rất nhỏ nhưng bằng nét vẽ tài hoa, người thợ gốm xưa đã thể hiện hình ảnh dân dã, quen thuộc hay bắt gặp trên những làng quê nước ta và đã đi vào văn hóa dân gian của người Việt: đó là họa tiết mục đồng ngồi thổi sáo trên lưng trâu...
Qua những họa tiết trang trí chân thực, sinh động hình tượng con trâu trên gốm sứ Chu Đậu cách đây hàng mấy trăm năm, ta có thể thấy được bất cứ thời nào con trâu luôn gắn bó mật thiết với người nông dân một nắng hai sương. Và, có thể cảm nhận được phần nào ước mơ của những người thợ gốm Chu Đậu xưa nói riêng, của những người dân Đại Việt thời đại Lê sơ thế kỷ 15 nói chung: muốn được sống ung dung, tự tại ở những nơi tươi đẹp, thanh bình, thoát khỏi những bon chen, trần tục ở đời.