“Nếu bạn không đối mặt, có thể sẽ không gặp phải điều đáng sợ, nhưng chắc chắn bạn cũng sẽ không gặp được những điều tuyệt vời”. Đó là thông điệp Nguyễn Mai Thảo Trâm - cô học trò lớp 12 chuyên Tin, Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Tam Kỳ) nhắn nhủ với các bạn trẻ, từ những trải nghiệm của bản thân.
Nguyễn Mai Thảo Trâm. Ảnh: NVCC |
Chính sự “dám đối mặt” và từng “trải qua nỗi đau” này đã đem đến ngôi vị quán quân cuộc thi tìm kiếm và phát hiện tài năng về thuyết trình/hùng biện (BAY Competition) do Trung tâm Hỗ trợ và phát triển sinh viên Cần Thơ tổ chức năm 2018. Trước đó, khi còn học lớp 11, cô gái “truyền cảm hứng” này cũng đoạt giải nhì cuộc thi “Thực hiện ước mơ” do Sở GD-ĐT, Thành đoàn TP. Hồ Chí Minh, Trung tâm Hỗ trợ học sinh sinh viên và Viện Đào tạo quốc tế - Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức.
“No pain no gain” (không đau không đạt)
Ít ai biết rằng, khó khăn lớn nhất của Thảo Trâm trong đêm chung kết cuộc thi BAY Competition là chân bị đau đến mức không đi được. Nhưng Thảo Trâm đã vượt qua cơn đau, đúng hơn là biến khó khăn thành cơ hội, nghị lực trong vai trò của người truyền cảm hứng.
Thật bất ngờ, khi Thảo Trâm chia sẻ bài thuyết trình về chính đôi chân đang bị đau của mình để minh chứng “hãy để cho thất bại của bạn trở nên có giá trị”, ngay lập tức đã nhận được rất nhiều lời cảm ơn, rằng đã lan tỏa cảm hứng đến với nhiều người khi biết vượt qua nỗi đau và sự thất bại. Lúc đó, Thảo Trâm chỉ nghĩ đơn giản, “sứ mệnh” của mình khi bước lên sân khấu, đó là lan tỏa cảm hứng đến mọi người và khơi dậy nguồn cảm hứng lớn hơn từ chính khán giả dành cho mình.
Trâm nhớ lại nỗi lo lắng trước đêm thi chung kết, do hoạt động quá nhiều khiến chân bị đau đến mức không mang giày dép được, thậm chí không đứng thẳng được. “Tôi gần như gục ngã, vì nghĩ, một diễn giả không bước nổi lên sân khấu sẽ khó mà truyền lửa”. Nhưng rồi Trâm vượt qua cơn đau. “Thật sự lúc này đây, chân tôi đang rất đau vì chấn thương. Nhưng tôi quan niệm, ngày hôm qua bạn gặp rủi ro như thế nào, đau đớn ra sao không quan trọng. Quan trọng là cách bạn cố gắng và nỗ lực vượt qua nỗi đau đó. Khi mọi người bước lên sân khấu với những đôi giày xinh đẹp, tôi chấp nhận đứng đây với đôi chân trần. Vì tôi biết, chỉ khi vượt qua khó khăn tôi mới đạt được điều mà tôi mong muốn là truyền lửa một cách trọn vẹn đến với mọi người. Và vì tôi hiểu rằng: không trải qua nỗi đau - không thể trưởng thành; không có nỗ lực - không có thành công!”.
Còn trẻ, hãy cứ làm đi!
Thảo Trâm cho rằng, những người trẻ, ai cũng có ước mơ, hoài bão, cũng mong muốn mình sau này thành công. Nhưng đi cùng với đó là nỗi sợ - những nỗi sợ vô hình: muốn du lịch nhưng sợ đến nơi xa lạ, muốn kinh doanh nhưng sợ thất bại. Rốt cuộc, nhiều người trẻ dám nghĩ nhưng không dám làm.
Để truyền cảm hứng, Trâm kể câu chuyện về sự thất bại của chính mình: yếu kỹ năng, thiếu kinh nghiệm nên mất sạch vốn liếng trong lần đầu khởi nghiệp. Làm lại từ đầu bằng con số 0, Thảo Trâm nghĩ, ngay khi đam mê còn cháy bỏng, hãy làm điều mà bản thân mình hằng mong mỏi, ước ao, theo đuổi đam mê, đi đến nơi mình muốn, thực hiện ước mơ, ý tưởng dù đôi khi dự đoán thành công là rất nhỏ. Là vì Trâm quan niệm: “Chúng mình còn trẻ, nếu có sai, sẽ vẫn còn đủ thời gian để làm lại. Và muốn làm một điều gì đó lớn lao, trước tiên phải bản lĩnh đối mặt với thử thách”.
“Thật sự để có được ngày hôm nay, tôi đã có những trải nghiệm rất sâu sắc. Và tôi cũng chỉ là một người bình thường. Nhưng sau đó tôi trở nên đặc biệt, bởi tôi dám nghĩ dám làm và dám theo đuổi đam mê. Tôi biết đôi khi bạn cảm thấy mệt mỏi đến ngã khụy. Tôi biết có lúc cuộc đời như dồn bạn tới bước đường cùng. Tôi cũng biết có lúc bạn chỉ muốn buông xuôi tất cả và trốn chạy thật xa. Nhưng có lẽ bạn nên nhớ rằng, sự kiên nhẫn của bạn ngày hôm nay, sẽ biến thất bại của bạn ngày hôm qua thành thành công của ngày mai. Chỉ cần bạn biết đứng dậy, mọi chông gai sẽ dần nhường bước. Còn trẻ, hãy cứ làm đi!” - Trâm nhắn nhủ.
Sau thành công từ 2 cuộc thi với tổng giá trị giải thưởng lên đến 350 triệu đồng, Trâm tiếp tục công việc học tập, tiếp tục đeo đuổi niềm đam mê kinh doanh của mình - mà ở “thì hiện tại” vẫn là cửa hàng bán sen đá - xương rồng mang tên “Châm Garden” được mở khi Trâm mới học lớp 10 và từng mất sạch vốn liếng. Với vốn tiếng Anh “nhặt” được từ học bổng toàn phần của các cuộc thi, dù bận bịu việc học nhưng muốn được cọ xát, trải nghiệm với môi trường làm việc sớm, nên hiện nay, mỗi tối, Trâm làm trợ giảng tại một trung tâm tiếng Anh ở Tam Kỳ. Sắp tới, Thảo Trâm được suất trải nghiệm tiếng Anh tại Melbourne (Úc) một lần nữa…
CHÂU NỮ