Mẹ tôi đã ngoài 90, chỉ có thể quanh quẩn trong nhà. Cây gậy không còn cho bước chân thêm vững trên nền gạch bông nên cụ vịn tường mỗi khi lần ra chiếc chõng tre ngoài hiên, ở đó có cái thau nhựa đựng lúa cho gà.
Thấy bóng mẹ, lũ gà vây lại, nhao nhao, có con còn mổ cả bàn tay gân guốc. Vừa cho chúng ăn, cụ vừa “điểm danh”, nhớ từng con và thuộc cả tính nết. Con gà trống tía rất hung, thường đấu đá ngất ngư nên phải cắt bớt móng; con gà nhỏ nhất đàn đui một mắt nên rù rờ, được cụ bảo hộ bằng cái roi mây chuyên đuổi những con khác nhào vô giành ăn; con gà mái cụt đuôi hay đi ăn về trễ nên phải chờ cổng… Cho gà ăn rồi mải miết ngắm đã thành thói quen và niềm vui mỗi ngày của mẹ, lắm lúc cụ còn lầm rầm chuyện trò với chúng.
Mẹ tôi “sắp đặt” từng chú gà cho việc lớn trong nhà, nhắc đi nhắc lại đinh ninh như viết lên lưng chúng vậy. Năm con to nhất để hiệp kỵ ông bà nội, hai cặp nhỏ hơn để giỗ bác Hai và cô Mười; đàn gà choai choai chắc kịp chạp mả cuối năm… Mẹ còn để phần gà cho cháu nội, cháu ngoại và cả con Út. Em út tôi ở miền Nam, nghỉ hè năm nào cũng về với cha mẹ hơn tháng.
Với tôi, nhớ nhất về em út không phải chuyện học hành vượt trội thời phổ thông rồi sau này là giáo viên dạy giỏi có tiếng mà là chuyện ăn uống. Khi Út đã vào trung học, nghe anh chị nhắc lại tính tham ăn ngày nhỏ, nó đưa tay che mặt, miệng rối rít van xin: “Đừng nói nữa, dị lắm, đừng nói nữa!”. Nhìn hai chân giãy nảy loi choi trên cát như giã gạo chày đôi lỗi nhịp, chị em chúng tôi cười nghiêng ngả.
Ngày ấy, khi cả nhà ngồi vào bàn ăn cơm, mấy con chó lại quẩn dưới chân Út, ngước mỏ nhìn cô chủ nhỏ. Lúc chúng gầm gừ tranh ăn, cha tôi lại lên tiếng: “Đứa nào vừa vứt sắn cho chó đấy?”. Là hỏi để răn đe mông lung thế thôi, còn thì ai chẳng biết đứa ném sắn giấu tay nên đều quay nhìn Út. Đã thế, mỗi lần xới cơm, mẹ tôi thường lựa cho Út phần cơm ít độn nhất.
Lại có bữa, Út vừa đưa chén cơm lên miệng đã nhăn mặt, cố nén nhưng nước mắt chảy dài. Ấy là hậu quả việc nó lén ăn những trái thơm mới hườm hườm trong vườn, lại gọt vỏ không sạch nên môi lưỡi phồng lên. Nhìn đứa em nhăn nhó, tôi hả hê trong bụng: “Chết mày chưa, đáng kiếp, ai bảo láo ăn!?”. Hai chị thì nhìn Út tủm tỉm cười. Mẹ nạt cho: “Thế mà cũng cười được!”. Rồi bà cũng có cách hóa giải tình huống kẻ cười người khóc: “Mắm muối rát miệng thì ăn cơm với đường”. Nói rồi mẹ đứng lên đi về phía cái chum đựng khoai chà ở góc nhà. Ở đó có những tán đường bát được xếp thành từng cặp, chống ẩm bằng mớ rơm khô quấn quanh. Với chị em tôi ngày nhỏ, chỉ được ăn cơm với đường khi giả đò tuyệt thực hoặc kiên trì làm nũng.
Lúc trở lại mâm cơm, mẹ đưa tán đường lên trước các con, nghiêm giọng: “Đứa nào?”. Cả nhà trố mắt nhìn tán đường bị gặm quanh, dấu răng nham nhở. Trong khi anh chị ngó nhau thì Út cúi gằm. Mẹ võ đoán bằng cách loại dần: “Con Hai và con Ba chắc không ăn vụng kiểu này; Út thì không nhấc nổi nắp chum…”. Mẹ ngó thẳng rồi nhìn nghiêng tôi và con Năm - đứa em áp út của tôi. Hình như không chịu được sức nóng từ ánh mắt dành cho nghi phạm, Năm lắp bắp khai: “Là Út đấy mẹ… nó nhờ con khiêng nắp chum…”. Cha mẹ ngớ người rồi ngó lơ, hình như cố nén tiếng cười. Lúc sau, cha tôi hài hước: “Vậy là nhà mình có con mèo đầu đen chuyên ăn vụng”.
Không chỉ “giàu con út khó con út” như quan niệm thường tình của bao bà mẹ, mẹ tôi thương con còn vì lẽ khác. Bà sinh Út khi đã ngoài bốn mươi; ngày chào đời, nó “đi” ngược, chỉ ra được một chân rồi mắc mãi. Đang đêm, cha tôi bồng xốc mẹ chạy ra bờ sông, bỏ lên ghe chèo xuống nhà thương Hội An. Sau này, mẹ hay kể về phút giây mẹ con cận kề cái chết rồi ôm Út vào lòng.
Tình thương mẹ dành cho con út rõ ràng ngay từ bữa cơm. Ngồi vào mâm, phần Út luôn có cái đĩa riêng để cạnh, với khúc cá đối tháng ba kho dưa béo ngậy hay con cá rô tháng mười nướng thơm phức; chí ít cũng có vài con cá mại hay mấy con tôm mẹ bắt trên đồng; nhà thịt con gà hay con vịt, nó hiển nhiên được cái đùi như phần dành cho bà nội. Nếu Út khóc khi chơi với anh chị, liền được mẹ bênh, dù chưa biết lý do: “Bay chọc em phải không?”. Mẹ cảm tính theo kiểu thấy hai xe đụng nhau, chưa cần biết đúng sai đã vội đứng về xe nhỏ, khiến chị em tôi lắm lần bị mắng oan khi liên quan đến Út.
Cha nói với mẹ, đừng cưng Út thái quá, đừng vuốt ve chắp cánh cho thói ích kỷ của con, coi chừng nó hư. Mẹ cãi: “Con được yêu thương, sao lại hư?”. Cha dựa vào người xưa để bảo vệ ý mình: “Các cụ từng cảnh báo con hư tại mẹ”. Mẹ chẳng chịu, tiện thể cãi luôn với “các cụ”: “Người xưa đâu phải cái gì cũng đúng, có khi còn mâu thuẫn với chính mình. Đấy, lúc thì nói “mía sâu có đốt nhà dột có nơi”, khi lại bảo “bứt dây động rừng”.
Tốt nghiệp đại học ở thành phố to nhất nước, Út khấp khởi dẫn bạn trai cùng lớp, đẹp như hoàng tử trong chuyện đời xưa về giới thiệu gia đình. Cha và anh chị đón khách niềm nở, ngầm ủng hộ quyền tự quyết của đôi trẻ nhưng mẹ thì buồn: “Ráng có chút con út để nhờ; giờ nó có chồng xa, bằng như mất con”. Út nghe được, buồn thiu. Sau những vật vã đến xọp người, nó quyết xin việc ở quê để gần mẹ cha và xa luôn người yêu trong Nam. Tình mặn nồng, đã sắp kết trái, đâu dễ chia lìa. Nhìn con vật vờ, đau khổ, mẹ tôi động lòng, chiều theo nhưng con vẫn không muốn xa cha mẹ. Chỉ đến khi cả nhà vun vào, Út mới quay vô Nam rồi thành hôn và lập nghiệp trong đó.
Tuổi già, cha mẹ tôi trông cậy vào sự chu cấp của các con. Thấy anh chị ở quê nghèo nên Út hầu như cáng đáng việc mua sắm cho hai cụ, từ những thứ li ti đến vật dụng đắt tiền. Sợ anh chị chạnh lòng tủi phận, cô động viên: “Công còn quý hơn của. Anh chị chăm sóc cha mẹ thay cho cả em là nhất rồi”.
Cứ vài ngày, Út lại điện hỏi thăm cha mẹ; cô nhớ cả ngày sinh, ngày cưới của hai cụ, trong khi chủ nhân những ngày đáng nhớ ấy đã quên tự bao giờ. Những dịp đó, Út gửi quà biếu bậc sinh thành rồi chia sẻ trên Facebook những câu thơ ngổn ngang bằng trắc nhưng rất thật:
“Cha cười bảo: Tui chỉ còn mấy phút bù giờ
Thanh thản chờ thần chết thổi còi bế mạc
Nhưng rất sợ tuổi già phiền người khác…
Có chúng con đây, xin cha mẹ yên lòng”.
Năm nay, cha mẹ tôi đã yếu nhiều nên Út dành cả dịp hè ở bên hai cụ. Mẹ xuýt xoa bởi con về khi mùa thơm và xoài đã hết, mít thì chẳng có trái do trận bão năm rồi tàn phá. Bù lại, cụ vui khi những chú gà dành cho con mập ú như hũ nước. Mỗi sáng cho gà ăn, mẹ lại kêu Út chỉ những con chuẩn bị hóa kiếp, lên mâm. Cô bàn lùi: “Để nuôi thêm thời gian nữa, mẹ”. Đáp lại là lời thúc giục: “To hết lớn rồi, nuôi làm chi cho tốn lúa”. Cô vẫn nài nỉ: “Cứ nuôi đi mẹ”. Mẹ bất ngờ giận khi con cố ý trái lời bằng cách đi chợ mua gà làm sẵn, thay vì ăn gà nhà. Út bối rối trước chất vấn lẫn bất bình của mẹ, tìm cách xoa dịu: “Dạo này, con sợ sát sinh lắm”. Mẹ lặng một lúc rồi tự trách mình bằng giọng buồn buồn: “Yếu gì mà đến làm gà cho con ăn cũng chẳng được”.
Thấy tôi về, mẹ mừng, liền sai làm thịt gà. Tôi đang lúi húi mài dao thì Út lại gần, giữ lấy tay: “Đừng, anh”. Tôi tròn mắt: “Sao thế?”. Út tươi cười, nói nhỏ: “Anh không thấy mắt mẹ vui rạng ngời khi nhìn đàn gà sao? Sợ niềm vui của mẹ vơi đi nên em không nỡ làm thịt, đành nói dối đấy”. Tôi bất ngờ, thầm thốt lên: “Ôi, em út…”.