Còn vang hào khí

THÀNH CÔNG - NGUYÊN ĐOAN 11/08/2018 03:37

Tháng năm qua đi, quê hương đã có quá nhiều đổi khác, nhưng những vàng son về một thuở anh hùng kể từ ngày những “hạt giống đỏ” đầu tiên được gieo xuống với tên gọi “Chi bộ Quang Ánh Minh” vẫn còn được nhắc nhớ đến hôm nay. Hào khí vẫn đang được tiếp nối trong lòng bao người trẻ…

Ông Phạm Minh Châu (giữa), cán bộ cách mạng lão thành duy nhất còn sống ở Tam Hải, kể về ký ức lịch sử của quê hương những năm đầu Chi bộ Quang Ánh Minh ra đời. Ảnh: T.C
Ông Phạm Minh Châu (giữa), cán bộ cách mạng lão thành duy nhất còn sống ở Tam Hải, kể về ký ức lịch sử của quê hương những năm đầu Chi bộ Quang Ánh Minh ra đời. Ảnh: T.C

Dưới bóng rừng dừa

Theo chân ông Phạm Minh Châu (còn gọi là Phạm Thế Vinh, 95 tuổi, xã Tam Hải, Núi Thành) chúng tôi đi qua con đường dẫn vào cánh rừng, nơi 85 năm trước, chi bộ Đảng đầu tiên ra đời với tên gọi Chi bộ Quang Ánh Minh. Bóng dừa vẫn xanh, từ thuở ông Châu lần đầu tiên biết đến nơi này. Tuổi tác đã làm bước chân không còn nhanh nhẹn, ký ức ít nhiều phôi phai, nhưng những năm tháng đầu tiên trong cuộc đời cách mạng của ông vẫn in đậm. Ông kể, dưới rừng dừa này, trong bạt ngàn màu xanh nơi cửa biển An Hòa, hơn 80 năm trước, đã từng là chốn đi về của các cán bộ như ông. “Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Núi Thành ra đời, cũng là hạt giống đỏ đầu tiên được gieo xuống trên quê hương này. Và từ ngọn lửa cách mạng lan tỏa âm thầm nhưng bền bỉ khắp các làng quê, tôi giác ngộ và đi theo cách mạng khi mình vừa tròn 16 tuổi. Những ngày đầu tiên ấy, tôi đã được nghe kể về các bậc tiền bối là Võ Minh, Trần Học Giới, ông Ngạt (tức Lương Hợp Phố), nghe về cánh rừng này, cái nôi của Đảng trong buổi đầu cách mạng” - ông Châu nhớ lại.

Có lẽ, chính nhiệt huyết của những năm tháng chiến đấu gian khổ mà anh hùng, và ngọn lửa niềm tin trong trái tim người chiến sĩ cách mạng đã giúp ông có thể kể vanh vách về hành trình trên vùng đất lửa. Những ngày đầu, từ sự ra đời và lãnh đạo của Đảng, số lượng hội viên Cứu tế đỏ - vỏ bọc của cách mạng ngày càng đông, đã lãnh đạo và tổ chức nhiều cuộc đấu tranh với bọn lý hương, chức sắc, đòi bãi bỏ tệ cúng tế, biếu xén, chống thái độ cường hào, ức hiếp nhân dân. Nơi này, do cách sông trở đò, nên như một an toàn khu cho cách mạng, dễ dàng họp hội, từ đó lãnh đạo nhiều hoạt động quan trọng. Phong trào cách mạng ở An Hòa ngày ấy đã lan rộng ra nhiều địa phương trong vùng, tổ chức được nhiều cuộc đấu tranh quy mô lớn, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, tinh thần giác ngộ của nhiều thế hệ, nhiều tầng lớp. Và cũng từ nơi này, năm 1940, ông Châu được kết nạp vào chi bộ Ấp 6 (chi bộ Cồn Si). Ngược xuôi khắp các vùng theo phân công của cách mạng, năm 1982, ngày về hưu, ông vẫn chọn Tam Hải, nơi mình đã giác ngộ, để an dưỡng tuổi già. Thi thoảng, trong nhiều sự kiện quan trọng của địa phương tại cánh rừng gần bãi Bấc, nơi bây giờ là di tích ghi dấu sự ra đời của Chi bộ Quang Ánh Minh, lại thấy dáng ông chầm chậm đi dưới rừng dừa, kể về những ngày tháng cũ…

Niềm tự hào còn mãi

Nằm không xa vịnh Dung Quất, giáp ranh với huyện Bình Sơn, rừng Định Phước (thuộc xã Tam Nghĩa huyện Núi Thành) là nơi diễn ra hai sự kiện lịch sử quan trọng: Tỉnh ủy lâm thời Quảng Nam được thành lập và tiếp sau đó là sự ra đời của Phủ ủy lâm thời Tam Kỳ vào ngày 15.8.1933. Cánh rừng xưa, qua bao biến thiên của thời gian đã không còn nữa, chỉ có mỗi khoảng sân rộng với bia di tích ghi lại sự kiện lịch sử của vùng đất này. Nhưng có một “không gian” khác để rừng dừa này sống lại. Đó là những buổi sinh hoạt về nguồn của hội cựu chiến binh, các tổ chức, đoàn thể từ nhiều địa phương trong và ngoài xã Tam Nghĩa, vẫn thường xuyên diễn ra ở tại địa điểm này.

Bà Đặng Thị Yến Tuyết - Phó Chủ tịch xã Tam Nghĩa chia sẻ, nơi này, từ lâu đã như một địa chỉ giáo dục truyền thống, giới thiệu về lịch sử của Đảng bộ Núi Thành, với ký ức về sự ra đời của Phủ ủy Tam Kỳ 85 năm về trước. “Không chỉ là nơi ra đời của Phủ ủy, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, rừng Định Phước - Dốc Sỏi là nơi tập kết chuyển quân thực hiện Hiệp định Giơ-ne-vơ, là chỗ dựa, trụ bám của các đồng chí lãnh đạo huyện Tam Kỳ, Bình Sơn (Quảng Ngãi). Các đơn vị chủ lực, du kích 2 huyện từng có giai đoạn ém quân, tập kích vào các đồn bốt, chặn đánh các đoàn xe của địch qua đoạn quốc lộ nằm về phía tây của rừng Định Phước. Đến khi bị san phẳng, phát quang xây dựng sân bay Chu Lai, nơi này vẫn còn một đồi gò cao với rừng dương vẫn xanh, bằng chứng của sức sống mãnh liệt vùng đất lửa” - bà Tuyết chia sẻ.

Những vàng son không chỉ sống trong ký ức của người từng tham gia cuộc chiến. Để thế hệ trẻ biết đến nhiều hơn về những di tích lịch sử, về truyền thống cách mạng của quê hương, Đoàn thanh niên xã Tam Hải, Tam Nghĩa đã chọn di tích nơi ra đời Chi bộ Quang Ánh Minh và rừng dừa Định Phước làm lễ kết nạp Đoàn cho thanh niên ở địa phương. Lớp trẻ, cũng đảm nhiệm công việc chăm sóc cho hai di tích lịch sử này. Chị Nguyễn Phạm Cẩm Thơ - Bí thư Đoàn xã Tam Hải chia sẻ, lớp trẻ hôm nay càng phải biết đến nhiều hơn về truyền thống cách mạng của quê mình, tự hào và tri ân đối với cống hiến của thế hệ cha ông qua hai cuộc chiến. “Những việc làm giản dị, nhưng nhắc nhớ lớp người trẻ hôm nay về giá trị của lịch sử, về niềm tự hào truyền thống cách mạng quê hương Núi Thành, là hành trang để quê hương hôm nay ngày càng đổi mới” - chị Thơ nói.

Tám mươi lăm năm đi qua, thêm một lần nữa, dấu mốc lịch sử về sự ra đời của Phủ ủy Tam Kỳ được nhắc nhớ trên mảnh đất Núi Thành bằng một lễ kỷ niệm đầy trang trọng. Nhưng có một miền nhớ khác, trong tâm tưởng, trong niềm tự hào của lớp người đi trước và cả thế hệ hôm nay, lấp lánh hào khí miền quê cách mạng…

THÀNH CÔNG - NGUYÊN ĐOAN

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Còn vang hào khí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO