Anh bạn tôi có thằng con trai đang học lớp 7. Một hôm đi học về nó hỏi: “Ba ơi! Cái thành ngữ “con voi chui lọt lỗ kim” là ám chỉ chuyện gì hả ba?”- “Thì… là… chuyện con voi to đùng mà chui qua được lỗ kim nhỏ xíu chớ có gì đâu?” – “Nhưng mà sao nó chui được?” – “ Ờ… thì… như thế mới lạ, mới thành cái thành ngữ này!” – “Vậy chuyện đó là tốt hay xấu hở ba?”. Ông bố gãi đầu, trả lời ngắc ngứ nước đôi: “Thì… thì… cũng còn tùy…”. Thằng con có vẻ chưa hài lòng, còn ông bố thì hình như nói đại như thế cho qua… thế bí. Anh đem chuyện này hỏi tôi. Tôi bảo: “Anh trả lời đúng rồi đó, chỉ có điều còn thiếu” – “Thiếu thế nào?” – “Anh phải giải thích rạch ròi thêm cho cháu hiểu: Con voi này có phép Hồ Thiên như Tôn Ngộ Không, nghĩa là có thể tự thu nhỏ cơ thể mình lại hoặc thổi cái lỗ kim rộng ra”. Anh bạn tôi cười hì hì: “Hay! Nhưng phép Hồ Thiên của Tôn Ngộ Không giỏi lắm cũng chỉ thu nhỏ mình lại bằng con bồ hong để chui vào bụng bà La Sát là cùng. Vậy nên tôi xin bổ sung thêm một giả định nữa, có lẽ người cầm kim cũng có phép thuật này và cả hai cùng “phối hợp” nhịp nhàng với nhau…”.
Nạn lâm tặc chặt phá các loại gỗ quý theo kiểu tận diệt. (Ảnh tư liệu) |
Quả như lời anh nói: phải có sự phối hợp giữa hai “đối tác” thì con voi mới chui lọt được lỗ kim. Những năm gần đây, rất nhiều “hiện tượng” như vậy đã và đang diễn ra ở khắp nơi và trên khắp các lĩnh vực. Trong thương mại, thỉnh thoảng lại phát hiện một công ty kinh doanh đa cấp lừa bịp mà điển hình là “con voi” Liên kết Việt” của Lê Xuân Giang (đã bị bắt) cùng đồng bọn. “Con voi” này đã “chui lọt lỗ kim” từ tháng 3.2014 đến tháng 11.2015 mới bị nhận diện với những “thành tích khủng” như: giám đốc giả danh đại tá quân đội, làm bằng khen giả của Thủ tướng, phát triển mạng lưới rộng khắp cả nước gồm 34 chi nhánh trên 27 tỉnh thành, lừa được gần 67 ngàn người để chiếm dụng vốn trên 2.000 tỷ đồng… Trong lĩnh vực nhà đất, nhiều “con voi” công trình xây dựng trái phép như “biệt phủ” của đại gia vàng trên núi Hải Vân, 56 ngôi biệt thự của khu “Điền viên thôn” trong vườn quốc gia Ba Vì, tòa nhà 8B Lê Trực ở Ba Đình, Hà Nội… cho đến nay vẫn chưa xử lý xong. Rồi trong công nghiệp, có 12 “con voi” thuộc loại… vô tích sự nhất như Xơ sợi Đình Vũ, Đạm Ninh Bình, Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2… đã từng bị công luận điểm mặt chỉ tên trong nhiều năm nhưng cho đến nay mới bị Quốc hội đề nghị Chính phủ xử lý nghiêm, trong đó có những nhà máy trị giá hàng nghìn tỷ đồng nhưng đến lúc này chỉ còn cách đem ra… rao bán sắt vụn. Hãy thử tưởng tượng, cái lỗ kim gì mà có tới một đàn voi to khủng như thế nối đuôi nhau chui qua được?
Nhưng trong những vụ “cát tặc”, “lâm tặc”… lộng hành gần đây thì sao? Một khúc sông mà mỗi ngày có đến 40 - 60 chiếc tàu ngang nhiên nổ máy phành phạch hút cát suốt ba bốn tiếng đồng hồ liền như ở Bắc Ninh, Hải Dương, dân quanh vùng ai cũng nghe cũng thấy, mà sao một số người có trách nhiệm lại không thấy không nghe? Thậm chí, cảnh sát đường thủy đóng đồn gần đó cũng bảo là không hề hay biết chuyện này. Tương tự như thế trong những vụ “lâm tặc” phá rừng. Tiếng cưa máy, tiếng cây ngã, tiếng gỗ lăn, tiếng xe tải ầm ì vào ra công khai hàng ngày nhưng chỉ có dân nghe, “lâm tặc” nghe, còn cán bộ kiểm lâm thì không hay không biết, dường như họ “vẫn mãi là người đến sau” với công việc là… đếm số gốc cây đã bị cưa rồi lập báo cáo. Các loại gỗ quý ngày càng bị khai thác theo kiểu tận diệt. Trong rừng quốc gia Ba Bể, cứ 30 - 40 phút lại có một thân gỗ nghiến đường kính từ 1,5m - 2m bị đốn hạ. Những cây trắc, hương, huỳnh đàn… còn sót lại ở Gia Lai cũng đang bị săn lùng và đào sạch cả gốc lẫn rễ đem về chế tác thành các sản phẩm mỹ nghệ phục vụ cho thú chơi “hàng độc”. Do vậy mà ở vùng này mỗi ngày luôn có hàng trăm người dân vào rừng tìm vận may. Trong trường hợp này, có lẽ muông thú lớn bé đang nghĩ rằng “voi” chui được lỗ kim thì tội gì mình không bắt chước chui qua.
“Voi nội” đã thế, “voi ngoại” cũng không bỏ lỡ cơ hội. Gần đây một số sản phẩm của các công ty toàn cầu chuyên doanh nước giải khát như Coca Cola, URC đã bị phát hiện có hàm lượng chì vượt quá ngưỡng cho phép. Tiền xử phạt các công ty này đã lên tới hơn 6 tỷ đồng nhưng làm sao bù được những thương tổn về sức khỏe của người dân. Câu hỏi đặt ra là bằng cách nào những thứ độc hại đó lại có thể lưu hành trên thị trường suốt một thời gian dài như thế trước mạng lưới kiểm tra, kiểm nghiệm nhiều tầng bậc của các cơ quan chức năng? Cũng có thể hỏi một câu gần giống như vậy đối với mấy vụ “voi người” chui lọt liên tiếp qua nhiều “lỗ kim” rồi trốn kỹ ở nước ngoài, như Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đình Duy... Những “con voi” này khi đã chui được rồi thì việc đi bắt lại chắc chắn sẽ rất gian nan. Riêng việc truy lùng qua nhiều nước rồi “xích cẳng” được “con voi” Giang Kim Đạt tại Singapore, các lực lượng an ninh đã mất rất nhiều thời gian rong ruổi vất vả khắp nơi. Giá mà trước đó sớm “trám” được mấy cái “lỗ kim” thì đâu đến nỗi(!).
Mới đây, lại có vài “con voi” đất đai thuộc Nhà nước quản lý đang định “chui qua lỗ kim”. May thay, Chính phủ đã kịp thời ngăn chặn và đã được công luận đồng tình ủng hộ.
Chuyện “voi chui lọt lỗ kim” có lẽ sẽ chẳng bao giờ có hồi kết. Chỉ có thể ngăn ngừa nhằm kìm hãm hiện tượng này bằng cách chọn… nài cho tốt, đúc kim cho chắc, và giám sát cả những người… cầm kim!
PHAN VĂN MINH