Công bằng...

LÊ VĂN 20/07/2020 04:19

1. “Đứng đầu cơ quan chuyên môn giúp tỉnh về quản lý tài chính, dĩ nhiên tôi rất xót và luôn tự nhận có phần trách nhiệm mỗi khi đồng vốn ngân sách không được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả. Nhưng vụ này, tôi hoàn toàn tự tin khẳng định, anh em đã làm việc hết mình, làm với cái tâm trong sáng và theo đúng quy trình, thủ tục. Nếu có tư túi một đồng, hay thiếu trách nhiệm mà làm sai, chúng tôi sẵn sàng chịu mọi hình thức kỷ luật và búa rìu dư luận… Hơn 40 năm tuổi Đảng, đến lúc sắp nghỉ hưu, vậy mà.... trên truyền thông, hình ảnh của tôi như tội phạm. Oan và đau lắm!” - ông  Phan Văn Chín, Giám đốc Sở Tài chính trải lòng sau những “ồn ào” xung quanh vụ mua máy xét nghiệm Covid-19  vừa qua.

Nhớ những ngày thực hiện giãn cách xã hội, nhất là khi xuất hiện ca dương tính đầu tiên ở Hội An, cả tỉnh căng như dây đàn. Dù rất chủ động, nhưng không ít tình huống phát sinh ngoài kịch bản, gây khó khăn, lúng túng ở các cấp điều hành. Nhịp sống thường nhật bị đảo lộn, có nơi, có lúc rơi vào tình huống rối loạn. Chỉ một tin đồn bất lợi trên mạng xã hội cũng khiến cả xã hội nháo nhào; giá cả nhiều mặt hàng lương thực thiết yếu, vật tư y tế leo thang đột biến… Mất mấy ngày báo chí và dư luận nóng lòng chờ đợi kết quả xét nghiệm đối với một cô gái ở Thăng Bình làm việc tại Hội An tiếp xúc gần với vị du khách người Anh bị nhiễm nCoV. Sau này, một cán bộ trong ngành y tế tính toán, nếu Quảng Nam không mua kịp thời máy xét nghiệm, thì tổng chi phí để xét nghiệm cho các trường hợp thuộc đối tượng bắt buộc, đến lúc này đã lớn hơn nhiều so với số tiền mua máy. Chưa nói đến thời gian, công sức di chuyển.

Kết quả thanh tra mua máy xét nghiệm đã được công bố. Đúng sai thế nào thì cơ quan chức năng đã phán xét. Tuy nhiên, đọc lại chi tiết toàn bộ hồ sơ vụ này và đặt trong hoàn cảnh gấp gáp, thúc ép về nhu cầu, cùng những thông tin vốn khá tù mù về thị trường nhiều loại máy móc, thiết bị y tế, cả trước khi có dịch, có thể hiểu thêm nhiều điều. Chỉ mấy ngày, những người có trách nhiệm thẩm định hồ sơ đã phải thu thập hàng loạt thông tin từ nhiều địa chỉ liên quan để cân đong, đo đếm. Đó là sự cố gắng không thể phủ nhận.

Thể chế, chính sách, pháp luật, quy trình, thủ tục ở nhiều lĩnh vực chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ và trong nhiều trường hợp chưa thống nhất cách hiểu, cách áp dụng; cùng với đó là lò lửa chống tham nhũng, tiêu cực đang nóng, trong chừng mực nào đó, đã và đang làm cho nhiều cán bộ, công chức, viên chức co cụm, nhụt chí trong hành động. Điều này đã được nhiều cấp, ngành, địa phương cảnh báo. Lỗ hổng về thể chế, chính sách một mặt là cơ hội cho những nhóm lợi ích vun vén lợi ích cá nhân; nhưng mặt khác, cũng làm chùn tay nhiều người thực thi công vụ. Ám ảnh, lo sợ về những sợi dây vô hình, dẫn đến tình trạng, nhiều người không muốn làm, không dám làm... đang là thực tế. Nhiều việc bị ngưng đọng, đình trệ.

2. Gần đến mỗi kỳ đại hội Đảng, công tác cán bộ luôn là mối quan tâm lớn của toàn xã hội, là đề tài luôn nóng trên truyền thông. Có những chuyện rất bình thường, nhưng qua “lăng kính” của nhiều người, lại trở thành... bất bình thường, thậm chí khiến dư luận đặt ra nhiều dấu hỏi. Tỷ như, hiện tượng cán bộ xin nghỉ hưu trước tuổi đang rộn lên gần đây.

Trước hết, như là quy luật, mỗi kỳ đại hội Đảng là dịp để tổng rà soát, sắp xếp, đổi mới công tác cán bộ của hệ thống chính trị. Những trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi tái cử dĩ nhiên phải nghỉ. Sớm muộn vài tháng, vài năm thì cũng phải nghỉ, đó là tất yếu. Đây là điều rất bình thường. Ở Quảng Nam, trong những kỳ đại hội vừa qua, đã có hàng chục cán bộ đầu ngành cấp sở, huyện, kể cả lãnh đạo chủ chốt của tỉnh xin nghỉ hưu trước, hoặc sau đại hội. Không ít người tự nguyện rút rất sớm để tạo điều kiện cho tổ chức củng cố bộ máy và nhân sự trước khi tiến hành đại hội. Năm nay cũng không ngoại lệ. Đã không ít Ủy viên Ban Thường vụ, Tỉnh ủy viên, người đứng đầu cấp sở, ngành, địa phương nộp đơn xin nghỉ; trong đó có những người dù đủ tuổi tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa, nhưng tự xét thấy không đảm bảo điều kiện, sức khỏe để tiếp tục đảm đương nhiệm vụ.

Lạ ở chỗ, trong cái sự... rất bình thường ấy, có những người được dư luận, truyền thông hồ hởi, ca ngợi, tôn vinh như người hùng. Dĩ nhiên, tổ chức và xã hội luôn ghi nhận, trân trọng những người tự nguyện, kể cả sự dừng lại trong tình thế không thể có lựa chọn nào khác được. Ngược lại, cũng có những trường hợp bị xướng tên gắn với những gợi ý cho dư luận về sự hoài nghi, liên tưởng điều không hay, dù lý do xin nghỉ đã rất rạch ròi, cụ thể là... theo quy định.

Bất cứ sự tôn vinh hay phê phán với những gán ghép vô cớ đều khiến cho sự thật không còn là sự thật. Những người trong cuộc, nếu có lòng tự trọng trong trường hợp này chắc hẳn không hề cảm thấy nhẹ nhàng. Cái họ cần (và xã hội cũng cần) chính là sự công bằng, đúng mức trong đánh giá cả công và tội (nếu có). Nhưng xem ra, điều này quả là quá khó!

“Thấu hiểu là yêu thương” - thiền sư Thích Nhất Hạnh từng khuyên vậy, rất cần tâm thế ấy với câu chuyện này.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công bằng...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO