Công bằng giữa các đối tượng

LÊ DIỄM 05/09/2017 13:36

Từ ngày 1.8.2017, giá dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) trong các cơ sở khám chữa bệnh thuộc Nhà nước tăng theo Nghị quyết số 29/2017 của HĐND tỉnh. Như vậy, đến thời điểm này, giá dịch vụ khám chữa bệnh dành cho người có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT đã ngang bằng nhau.

Từ ngày 1.8.2017, người dân đi khám bệnh dù có hay không có thẻ bảo hiểm y tế đều thụ hưởng cùng một dịch vụ với mức giá như nhau. Ảnh: D.L
Từ ngày 1.8.2017, người dân đi khám bệnh dù có hay không có thẻ bảo hiểm y tế đều thụ hưởng cùng một dịch vụ với mức giá như nhau. Ảnh: D.L

Công bằng giữa các đối tượng

Từ ngày 1.7.2016, giá dịch vụ khám chữa bệnh BHYT trong toàn quốc đã tăng theo Thông tư số 37, nhưng nhóm đối tượng khám chữa bệnh không qua BHYT vẫn còn giữ nguyên giá cũ. Theo lộ trình về giá của Nghị định số 16 của Chính phủ về cơ chế tự chủ, và nhằm đảm bảo tính bình đẳng giá giữa các đối tượng có BHYT và không có BHYT, Bộ Y tế đã ra Thông tư số 02 đề nghị mức khung giá tối đa về dịch vụ khám chữa bệnh không thanh toán qua Quỹ BHYT. Quảng Nam là một trong những tỉnh nằm trong nhóm 1, được triển khai dịch vụ giá mới từ ngày 1.8.2017. Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án Quy định mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ BHYT trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của nhà nước thuộc Quảng Nam. Đề án này đã được HĐND tỉnh thông qua.

Theo ông Trần Văn Kiệm - Trưởng phòng Kế hoạch - tài chính (Sở Y tế) thì mức tối đa khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại Thông tư số 02 bằng mức giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh của Thông tư liên tịch số 37 mà hiện nay được áp dụng khám bệnh, chữa bệnh cho người có BHYT trên toàn quốc từ ngày 1.7.2016. “Như vậy, chính sách nêu trên nhằm bình đẳng về giá, không phân biệt giá khám bệnh, chữa bệnh giữa người có BHYT và người không BHYT trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Đồng thời căn cứ nguyên tắc định giá của Nhà nước đảm bảo bù đắp chi phí hợp lý, phù hợp với mặt bằng giá thị trường hiện nay, việc áp dụng mức giá cụ thể bằng mức tối đa khung giá theo Thông tư số 02 cũng bằng mức giá theo Thông tư số 37 là hoàn toàn hợp lý và phù hợp lộ trình về giá tại Nghị định 16 của Chính phủ. Điều này nhằm đảm bảo tính công bằng giữa các đối tượng cùng thụ hưởng một dịch vụ y tế như nhau” - ông Kiệm cho biết.

Giá tăng 30 - 50%

Hiện nay, toàn tỉnh còn hơn 198 nghìn người chưa tham gia BHYT, tập trung chủ yếu các hộ làm nông nghiệp, diêm nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình (được nhà nước hỗ trợ tối thiểu 30% mức đóng BHYT); và các doanh nghiệp ngoài quốc doanh chưa mua BHYT cho người lao động. Những người này nếu tham gia BHYT thì quỹ BHYT của tỉnh mỗi năm được bổ sung trên 100 tỷ đồng cho công tác khám chữa bệnh và là nguồn bổ sung hỗ trợ  phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của các cơ sở y tế. Qua đó góp phần hạn chế dần tỷ lệ chuyển tuyến trên và khắc phục từng bước tình trạng bội chi quỹ BHYT. Đồng thời khi triển khai mức tối đa khung giá của Thông tư số 02 có thể tỷ lệ người dân tham gia BHYT tăng cao, bởi họ hiểu được lợi ích cũng như san sẻ trách nhiệm với cộng đồng từ chủ trương BHYT toàn dân.

Theo quy định tại Nghị quyết số 29 của HĐND tỉnh, mức giá dịch vụ khám bệnh, kiểm tra sức khỏe dịch vụ ngày giường điều trị dịch vụ kỹ thuật, xét nghiệm tăng với mức bình quân 30 - 50%. Mức giá cụ thể được quy định cho từng hạng bệnh viện, tuyến bệnh viện cụ thể. Khi triển khai theo cơ chế giá mới, khung giá này áp dụng cho 1.933 dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình tính giá dịch vụ công quy định tại Nghị định số 16, gồm chi phí trực tiếp và tiền lương kể cả phụ cấp thường trực, phẫu thuật. Trong đó, các dịch vụ kỹ thuật cao đều tăng giá khá cao, đều này sẽ tác động mạnh đến chi phí dịch vụ khám chữa bệnh đối với những người không có thẻ BHYT. Mức giá cụ thể các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập phải được công khai để người dân được rõ, và thực hiện đúng giá các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đã được quy định, không được thu thêm bất kỳ loại phí nào chưa được quy định của Nhà nước. Qua đó cũng lồng ghép tuyên truyền để người dân hiểu về chính sách xóa bỏ bao cấp về giá dịch vụ khám chữa bệnh, vận động người dân tham gia BHYT.

Từ đây, cơ chế tự chủ của các cơ sở khám chữa bệnh công lập sẽ được bắt đầu, mỗi cơ sở chủ động sử dụng nguồn ngân sách thu được để cải tạo, mở rộng khoa khám bệnh; mua sắm, bổ sung dụng cụ khám chữa bệnh để phục vụ bệnh nhân. Đồng thời chất lượng khám chữa bệnh bắt buộc phải được nâng cao vì người dân có quyền chọn lựa cơ sở họ đến, tạo sự cạnh tranh lành mạnh, công bằng đối với cả cơ sở khám chữa bệnh và công bằng đối với người dân. Các cơ sở khám chữa bệnh phải có giải pháp giảm dần số bệnh nhân nằm giường ghép; đẩy mạnh việc đổi mới phong cách và thái độ phục vụ hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường hiện nay, cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 16 là xu hướng tất yếu của xã hội. Lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ là cơ sở tiên quyết để các đơn vị có điều kiện tự chủ mạnh mẽ hơn, chủ động hơn nhằm phát triển và nâng cao chất lượng dịch vụ y tế.

LÊ DIỄM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công bằng giữa các đối tượng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO