Với việc được cấp chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý cho 3 sản phẩm, yến sào Cù Lao Chàm - Hội An đang đứng trước cơ hội chuyển mình để trở thành sản vật cao cấp đặc trưng, lan tỏa thương hiệu mạnh mẽ hơn trên thị trường.
“Thẻ bài” chỉ dẫn địa lý
Yến sào ở Cù Lao Chàm từ lâu đã được biết đến là sản phẩm chất lượng với tổ yến to, dày, khi nấu không bị nát. Trong quá khứ, yến sào Cù Lao Chàm là mặt hàng xuất khẩu quan trọng, là sản vật ưa thích của các thuyền buôn hải ngoại khi cập thương cảng Hội An. Hiện nay, yến sào vẫn là sản phẩm xuất khẩu chủ lực của thành phố.
TS. Lương Đức Toàn (công tác tại Viện Thổ nhưỡng nông hóa) - chủ nhiệm dự án “Xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm yến sào Cù Lao Chàm - Hội An, tỉnh Quảng Nam” cho biết: “Yến sào Cù Lao Chàm - Hội An có dạng hình cánh sen, mùi tanh đặc trưng, không có mùi lạ, vị hơi mặn, béo ngậy. Điều kiện độ ẩm và nhiệt độ Cù Lao Chàm ôn hòa rất thuận lợi cho chim yến sinh sống, làm tổ.
Ở đây không có mùa đông quá lạnh là điều kiện lý tưởng để chim yến không di cư. Bên cạnh đó, kỹ thuật khai thác, sơ chế yến sào kết hợp từ kinh nghiệm truyền thống và khoa học hiện đại cũng là yếu tố quan trọng làm nên chất lượng của yến sào Cù Lao Chàm - Hội An”.
Chỉ dẫn địa lý do Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và công nghệ) cấp cho yến sào Cù Lao Chàm - Hội An gồm 3 loại: yến quang, yến thiên và yến bài. Trong đó, loại đắt nhất là yến quang có giá lên đến gần 180 triệu đồng/kg, loại rẻ nhất là yến bài cũng có giá gần 100 triệu đồng/kg.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, do giá trị về mặt kinh tế quá cao, mặt khác trước đây sản phẩm chưa được bảo hộ với bất kỳ hình thức nào nên yến sào Cù Lao Chàm - Hội An trên thị trường hay bị làm giả. Điều này gây khó khăn trong việc nhận diện sản phẩm đối với người tiêu dùng.
Hiệu quả kép
Chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý yến sào Cù Lao Chàm - Hội An được Cục Sở hữu trí tuệ cấp ngày 23.11.2020. Lễ trao chứng nhận được tổ chức ngày 21.4 vừa qua (nhằm ngày mùng Mười tháng Ba) tại Bãi Hương (Cù Lao Chàm) nhân ngày Giỗ tổ nghề yến. Theo đó, yến sào Cù Lao Chàm - Hội An được bảo hộ vô thời hạn trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý là UBND TP.Hội An.
Sau khoảng 4 năm tích cực tiếp cận và hành động (từ năm 2017), đến nay UBND TP.Hội An và các đơn vị liên quan đã hoàn tất thủ tục “định danh” cho yến sào.
Ông Nguyễn Văn Bảy - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho rằng, chỉ dẫn địa lý là hình thức bảo hộ sản phẩm cao nhất của nước ta hiện nay. Vì vậy, xác lập chỉ dẫn địa lý cho yến sào Cù Lao Chàm - Hội An là cơ hội để địa phương vừa nâng cao giá trị kinh tế cho nghề khai thác yến sào vừa giúp lan tỏa mạnh mẽ hơn giá trị thương hiệu của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm - Hội An.
TS. Lương Đức Toàn chia sẻ, sản phẩm yến sào Cù Lao Chàm - Hội An có giá trị cao hơn yến sào ở nhiều vùng khác. Tuy nhiên, trong khuôn khổ dự án mới chỉ có 3 sản phẩm yến sào thô được bảo hộ. Để nâng cao giá trị sản phẩm và thống nhất hệ thống quản lý, UBND TP.Hội An cần đầu tư mở rộng phạm vi bảo hộ các sản phẩm yến sào khác như yến mảnh, yến tinh và một số sản phẩm chế biến từ yến sào Cù Lao Chàm. Hội An cũng cần có cơ chế, chính sách đầu tư, thực hiện các nghiên cứu bảo vệ, phát triển đàn yến trong tương lai để sản phẩm này xứng danh là sản vật “triệu đô”.
Theo ông Nguyễn Thế Hùng, việc được cấp chỉ dẫn địa lý là bước đệm để lan tỏa thương hiệu sản phẩm yến sào Cù Lao Chàm - Hội An. Để phát huy hiệu quả hình thức bảo hộ này, các cơ quan chức năng liên quan sẽ tiếp tục thực hiện tốt việc quản lý, sử dụng chỉ dẫn địa lý để đảm bảo yến sào Cù Lao Chàm - Hội An đáp ứng các quy định về chất lượng, xuất xứ, giữ uy tín cho sản phẩm.