Công bố chỉ số thống kê kinh tế - xã hội: Những con số biết nói

TRỊNH DŨNG 02/01/2020 13:29

Tăng trưởng, sự dịch chuyển cơ cấu kinh tế, kinh doanh của doanh nghiệp có xu hướng chậm, nhưng an sinh xã hội vẫn được đảm bảo... là những điều dễ dàng nhìn thấy từ những con số thống kê kinh tế - xã hội được công bố hôm 31.12.2019.

Kinh tế có xu hướng khó khăn nhưng ngân sách, an sinh xã hội vẫn được đảm bảo là những điều dễ dàng nhận diện qua các con số thống kê 2019. Ảnh: T.D
Kinh tế có xu hướng khó khăn nhưng ngân sách, an sinh xã hội vẫn được đảm bảo là những điều dễ dàng nhận diện qua các con số thống kê 2019. Ảnh: T.D

Sản xuất tăng nhẹ

Quy mô nền kinh tế Quảng Nam đến cuối năm 2019 ước đạt hơn 99,3 nghìn tỷ đồng. GRDP bình quân đầu người đạt 66,3 triệu đồng, tăng 3,8 triệu đồng so với năm 2018. Tuy nhiên, cơ cấu kinh tế chuyển dịch chậm so với năm 2018 khi tỷ trọng khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm 12,6%, công nghiệp - xây dựng gần 34%, dịch vụ 34,6%, thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 18,9% (năm 2018 tương ứng 12,8%, 34,1%, 34,2% và 18,9%).

Không thể lạc quan khi khu vực nông - lâm - thủy sản tăng trưởng 1,69%, nhưng là mức tăng thấp nhất từ 2014 đến nay, chỉ đóng góp 0,21 điểm %; công nghiệp và xây dựng tăng 3,62% nhưng thấp hơn mức tăng 13,8% của năm trước, đóng góp 1,26 điểm %; dịch vụ tăng 5,09%, đóng góp 1,69 điểm % và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 3,32%, góp 0,66 điểm%.

Nông nghiệp có sự xáo trộn đáng kể. Tổng diện tích gieo trồng chỉ bằng 98% so năm trước (100,2 nghìn héc ta). Lúa suy giảm cả diện tích, sản lượng và năng suất tương ứng chỉ bằng 98,5%, giảm 10,7 nghìn tấn và giảm 0,5 tạ/ha. Cây lâu năm cũng giảm 0,4% diện tích. Điểm sáng nhất của ngành nông nghiệp thuộc về ngành chăn nuôi (trừ heo bị dịch bệnh) nhờ giá cả, thị trường tiêu thụ gia tăng. Sản lượng thịt bò tăng 2,2%, gia cầm tăng 7,2% và trứng gia cầm tăng 5,1%.

Trên lĩnh vực lâm nghiệp, diện tích rừng trồng mới tăng 3,8% (19,6 nghìn héc ta), sản lượng gỗ khai thác tăng 14,1% (1.320 nghìn mét khối). Tỷ lệ che phủ rừng vượt kế hoạch 59/57,7%. Trong khi đó, sản lượng thủy sản dự tính đạt 119.500 tấn, tăng 4,4% (tăng khoảng 5.000 tấn…

Sản xuất công nghiệp tăng nhẹ khi chỉ số sản xuất chỉ tăng 4,5% (thấp hơn năm ngoái 0,2%). Một số ngành có chỉ số sản xuất tăng mạnh như khai khoáng khác (37,9%); sản xuất đồ uống (16,5%); dệt (30,3%); sản xuất trang phục (17,9%); chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ (16,8%); sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu (13,3%); sản xuất giường, tủ, bàn ghế (11,4%). Thống kê được nhận diện rõ nhất khi chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chỉ tăng 2,8%; chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã giảm 55,1%; chỉ số sử dụng lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 2,9%.

Bức tranh thương mại, dịch vụ có vẻ sáng sủa hơn. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt hơn 53.870 tỷ đồng (tăng 12,6%/9,6% năm 2018). Doanh thu vận tải, kho bãi và dịch vụ hỗ trợ ước đạt hơn 4.200 tỷ đồng, tăng 11,5%. Khối lượng hàng hóa vận chuyển ước đạt 18,2 triệu tấn (tăng 6,5%). Lượng khách lưu trú đạt gần 3,6 triệu lượt, tăng 2,1% và tổng lượt khách tham quan do các đơn vị lữ hành phục vụ đạt gần 3,4 triệu lượt, tăng 11,6%...

An sinh xã hội bảo đảm

Thống kê cũng đưa ra con số “đặc biệt” khi việc thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp gia tăng nhưng con số rời bỏ thị trường cũng tương ứng (1.447 gia nhập thị trường, nhưng có đến 1.242 doanh nghiệp giải thể, thu hồi giấy phép hoặc tạm ngừng hoạt động). Xu hướng kinh doanh các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo gặp khó khăn hơn (gần 26% doanh nghiệp quý IV cho là khó khăn hơn khi quý III chỉ 17,7%).

Bất chấp sự sụt giảm các ngành kinh doanh, tổng thu nội địa vẫn tăng 10,7%, xuất nhập khẩu tăng 6,4%, chi ngân sách địa phương tăng 15% và tín dụng tăng 24% so với dự toán. Một điều dễ thấy là vốn đầu tư thuộc nguồn quản lý nhà nước giảm 4,6%, nhưng vốn huy động từ khu vực ngoài nhà nước, đầu tư nước ngoài tăng mạnh (14,2% và 47%) đã đưa tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm đến 32,6% GRDP, vượt 2,6% chỉ tiêu HĐND tỉnh ấn định.

Một thống kê khác không mấy “vui vẻ” khi chỉ số giá tiêu dùng có dấu hiệu gia tăng khi tháng 12.2019 tăng 1,68 so với tháng trước và tăng đến 5,9% so tháng 12 năm 2018. Nhưng bù lại, 903 nghìn/924 nghìn người từ 15 tuổi trở lên đã tìm thấy việc làm và tỷ lệ thất nghiệp chỉ còn 2,3% (thành thị hơn 2,7% và nông thôn 2,2%). Số lao động tăng thêm khoảng 19,2 nghìn người có được việc làm (vượt 28% kế hoạch).

Sự tăng trưởng kinh tế, sự gia tăng hay sụt giảm sản xuất, kinh doanh đã được chứng minh cụ thể bằng chất lượng sống người dân. Cụ thể, ước tính thu nhập bình quân đầu người hằng tháng đã tăng đến 14,7% so năm 2018, kéo theo chỉ tiêu giảm 5.000 hộ nghèo trong năm đã tăng đến 5.887 hộ. Ngân sách có đủ điều kiện để tạo an sinh xã hội. Những thẻ bảo hiểm y tế miễn phí được hỗ trợ, cung cấp cho người dân đã nâng tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế năm 2019 lên 94%...

Các cuộc vận động Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Bảo trợ trẻ em”, hỗ trợ hộ nghèo, gia đình chính sách, người có công, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây nhà ở... đều tăng vượt mức kế hoạch. Không chỉ vậy, 100% dân đã được xóa mù chữ. Tỷ lệ phụ nữ có thai sinh đẻ tại cơ sở y tế đạt 96,7%. Tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân giảm còn 11% (đạt kế hoạch)...

Ông Lê Quý Đạt - Cục trưởng Cục Thống kê cho hay đây là “những con số biết nói”, thể hiện kinh tế phát triển tương đối ổn định, an sinh xã hội được đảm bảo. Song tăng trưởng kinh tế có xu hướng chậm lại. Nguyên nhân được tính đến do sản xuất nông nghiệp giảm sản lượng lương thực, chăn nuôi heo bị ảnh hưởng dịch bệnh, sản xuất, lắp ráp ô tô tăng trưởng thấp, doanh thu bán buôn ô tô giảm mạnh, sản xuất và phân phối điện giảm sâu, ngành xây dựng giảm khối lượng công trình xây dựng, tiến độ giải ngân vốn đầu tư thấp và tình trạng nợ đọng thuế vẫn còn xảy ra.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công bố chỉ số thống kê kinh tế - xã hội: Những con số biết nói
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO