(QNO) - Sau gần 1 tháng xảy ra vụ tràn dầu fusel tại Nhà máy cồn Đại Tân (Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm), Sở Tài nguyên & môi trường vừa công bố kết quả phân tích mẫu nước thải, không khí tại khu vực nhà máy. Theo đó, có một số thông số vượt quy chuẩn cho phép.
Theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên & môi trường, kết quả quan trắc, phân tích đối với 2 mẫu nước thải (tại hồ sinh thái và vị trí xả thải ra môi trường), 2 mẫu không khí (tại khu vực cuối hướng gió của nhà máy và khu vực rò rỉ dầu fusel) từ Trung tâm Quan trắc và phân tích môi trường Quảng Nam cho thấy, có 3 thông số vượt quá quy chuẩn.
Cụ thể, qua phân tích mẫu nước tại hồ sinh thái nhà máy với 8 thông số gồm: pH, TSS, BOD5, COD, Tổng N, Tổng P, dầu mỡ khoáng, tổng phenol cho thấy, có 3/8 thông số vượt quá quy chuẩn. Đó là, chỉ số BOD5 (lượng ô xy cần thiết của 5 ngày đầu ở nhiệt độ 20 độ C trong buồng tối để tránh ảnh hưởng các quá trình quang hợp) vượt 4,2 lần; chỉ số COD (lượng ô xy cần thiết để ô xy hóa các hợp chất hóa học trong nước, bao gồm cả hữu cơ, vô cơ) vượt 19,3 lần; chỉ số về dầu mỡ khoáng vượt 1,6 lần.
Cũng theo bà Lê Thị Tuyết Hạnh, các chỉ số của mẫu nước thải lấy tại cống xả ra môi trường của nhà máy với 8 thông số nêu trên đều nằm trong quy chuẩn. Kết quả phân tích mẫu không khí lấy tại khu vực xung quanh rào phía tây nam nhà máy cồn gần nhà ông Tô Minh Hữu, với 8/8 thông số đo đạc, phân tích mẫu không khí đều nằm trong giới hạn cho phép của quy chuẩn.
Như Báo Quảng Nam đã thông tin, rạng sáng 19.9, vụ tràn dầu fusel diễn ra tại Nhà máy cồn Đại Tân khiến người dân sống lân cận phản ứng gay gắt. Suốt gần 1 tháng, hàng chục người dân luôn túc trực, bao vây nhà máy, ngăn cản mọi hoạt động; đồng thời yêu cầu phía nhà máy, công ty và ngành chức năng, chính quyền các cấp có phương án khắc phục hậu quả.
Đến ngày 10.10, người dân xã Đại Tân đã tháo dỡ lều trại tại khu vực cổng nhà máy. Tuy nhiên, tới thời điểm này, Nhà máy cồn Đại Tân vẫn chưa thể xử lý 9.000m3 dịch tồn. Được biết, Nhà máy cồn Đại Tân được Công ty CP Nhiên liệu sinh học Tùng Lâm mua lại toàn bộ vào tháng 3.2015. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, nhà máy đã 2 lần xảy ra sự cố lớn: cháy nổ, tràn dầu fusel ô nhiễm môi trường.