(QNO) - Đoàn kiểm tra liên ngành đã phát hiện nhiều sai phạm của mạng xã hội TikTok trong quá trình cung cấp dịch vụ tại Việt Nam.
TikTok Singapore phải chịu trách nhiệm về hoạt động của TikTok Việt Nam
Chiều 5/10, tại Hà Nội, Bộ TT&TT đã công bố kết luận của đoàn kiểm tra liên ngành về hoạt động của TikTok tại Việt Nam.
Nền tảng TikTok là dịch vụ xuyên biên giới được TikTok Pte. Ltd (còn gọi là Công ty TikTok Singapore) quản lý, vận hành, cung cấp vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok từ cuối năm 2017, trở nên phổ biến từ năm 2021. Thời gian qua, hoạt động của nền tảng TikTok có tác động không nhỏ tới đời sống xã hội trong nước, trong đó, có những hành vi vi phạm pháp luật, gây bức xúc dư luận.
Nhằm tăng cường quản lý, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh và xử lý các sai phạm của nền tảng, từ ngày 22/5/2023, Bộ TT&TT đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan thành lập đoàn kiểm tra liên ngành, thực hiện kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.
Đối tượng kiểm tra là 2 pháp nhân của TikTok tại Việt Nam gồm Văn phòng đại diện TikTok Pte. Ltd tại Thành phố Hồ Chí Minh (Văn phòng TikTok) và Công ty TNHH Công nghệ TikTok Việt Nam (Công ty TikTok Việt Nam).
Theo ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (PTTH&TTĐT, Bộ TT&TT), nội dung kiểm tra trọng tâm bao gồm việc chấp hành các quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội cho người sử dụng tại Việt Nam, việc chấp hành các quy định về quảng cáo, việc bảo vệ bản quyền tác giả và quyền liên quan. Bên cạnh đó, còn bao gồm việc tuân thủ các quy định liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử và việc thực hiện nghĩa vụ về thuế.
Sau khi kết thúc kiểm tra, xác minh trực tiếp tại trụ sở của Văn phòng TikTok và Công ty TikTok Việt Nam, đoàn kiểm tra tiếp tục thu thập, nghiên cứu các tài liệu liên quan, xác minh, tổ chức làm việc và yêu cầu các đối tượng kiểm tra bổ sung hồ sơ, tài liệu cần thiết để phục vụ cho công tác kiểm tra.
Ngày 29/9/2023, Bộ TT&TT đã ban hành Kết luận về việc kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam. Theo đó, kết quả kiểm tra cho thấy, Văn phòng TikTok và Công ty TikTok Việt Nam không trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok. Việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam do TikTok Pte.Ltd (TikTok Singapore) trực tiếp quản lý, vận hành.
Riêng đối với dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử, do Văn phòng TikTok thực hiện thủ tục đăng ký thiết lập “Sàn giao dịch thương mại” thông qua ứng dụng TikTok theo ủy quyền của TikTok Singapore, nên theo quy định về thương mại điện tử, Văn phòng TikTok phải liên đới chịu trách nhiệm đối với các hành vi vi phạm trong việc cung cấp dịch vụ này theo quy định của pháp luật Việt Nam.
TikTok Pte. Ltd (TikTok Singapore) tuy không phải là đối tượng kiểm tra nhưng lại là đơn vị trực tiếp quản lý, vận hành, cung cấp dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam thông qua trang web TikTok.com và ứng dụng TikTok. Vì vậy, TikTok Singapore là đơn vị chịu trách nhiệm về việc chấp hành các quy định của pháp luật Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam. Đoàn kiểm tra sau đó đã xác lập được một số hành vi vi phạm của TikTok Singapore trong việc cung cấp các dịch vụ xuyên biên giới vào Việt Nam.
Các sai phạm của TikTok tại Việt Nam
Theo Cục trưởng Lê Quang Tự Do, các sai phạm nổi bật tại Việt Nam của TikTok bao gồm các hoạt động cung cấp dịch vụ mạng xã hội, về bảo vệ trẻ em và về hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử.
Về cung cấp dịch vụ mạng xã hội, về bảo vệ trẻ em, TikTok Singapore lưu trữ thông tin vi phạm pháp luật Việt Nam tại các máy chủ CDN tại Việt Nam. Cụ thể, đó là thông tin giả mạo, xuyên tạc, kích động bạo lực, kích động tệ nạn xã hội; thông tin gây hại cho trẻ em…
Quy trình kiểm duyệt nội dung của TikTok chưa hiệu quả, để lọt nhiều nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam. Cách thức phân phối, đề xuất nội dung dựa trên sự tương tác, sở thích, sự quan tâm của người dùng dễ dẫn đến việc nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam được lan truyền với tốc độ nhanh chóng, nếu được nhiều người dùng tương tác, quan tâm.
TikTok không có biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em; không tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá phân loại theo mức độ an toàn cho trẻ em.
Hoạt động của TikTok vi phạm quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 72/2013/NĐ-CP ngày 15/7/2013 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng, và quy định tại khoản 1 Điều 36 Nghị định 130/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em. Nền tảng vẫn cho phép trẻ em dưới 13 tuổi mở tài khoản dù là nền tảng mạng xã hội chỉ dành cho người từ 13 tuổi trở lên.
TikTok cũng chưa áp dụng chính sách bảo vệ nội dung có bản quyền của người dùng; chưa thông báo đầu mối liên lạc về vấn đề quyền tác giả, quyền liên quan tới cơ quan chuyên môn quản lý Nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và công khai trên trang thông tin điện tử của nền tảng TikTok.
Về hoạt động cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, TikTok chưa công bố thông tin về chủ sở hữu ứng dụng trên trang chủ của ứng dụng TikTok Shop theo quy định, vi phạm quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 62 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP ngày 26/08/2020 (sửa đổi tại điểm b khoản 33 Điều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP ngày 31/01/2022).
Nền tảng này cũng chưa lưu trữ đầy đủ thông tin người bán theo quy định khi đăng ký sử dụng dịch vụ và chưa thực hiện đầy đủ việc kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc cung cấp thông tin về hàng hóa của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử theo quy định...