Ngày 21.2, toàn văn Hiệp định đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức được công bố.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh (trái) và Bộ trưởng Tái thiết kinh tế Nhật Bản Toshimitsu Motegi. Ảnh: AFP |
Theo hãng tin Reuters, toàn văn CPTPP bao gồm hơn 20 điều khoản đã bị tạm hoãn hoặc thay đổi so với thỏa thuận ban đầu trước khi được đổi tên CPTPP là TPP (Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương). Các điều khoản đó chủ yếu liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ do Washington đưa ra. TPP nguyên thủy có 12 thành viên và ngay sau khi Mỹ quyết định rút khỏi hiệp định này vào đầu năm 2017, 11 nước còn lại do Nhật Bản dẫn dắt đã hoàn tất giai đoạn đàm phán CPTPP để tiến tới ký kết thỏa thuận này vào tháng 3 năm nay tại Chile.
CPTPP hay TPP-11 là hiệp định thương mại nhằm thắt chặt các mối quan hệ kinh tế giữa các quốc gia thành viên qua việc cắt giảm thuế quan và tăng cường thương mại, thúc đẩy tăng trưởng, hướng tới tạo một thị trường chung mới. Cụ thể, CPTPP sẽ cắt giảm thuế quan ở các nền kinh tế chiếm hơn 13% GDP toàn cầu (khoảng 10.000 tỷ USD) so với con số 40% nếu có Mỹ.
Các quan chức Nhật Bản và các nước thành viên tham gia đàm phán cho biết thành công của thỏa thuận đồng thời là một biện pháp chống lại chủ nghĩa bảo hộ đang tăng ở một số quốc gia, khu vực trên thế giới. Chính phủ các nước tham gia hiệp định hoan nghênh toàn văn CPTPP được công bố và nhanh chóng quảng bá lợi ích kinh tế của hiệp định. Bộ trưởng Thương mại Australia, Steven Ciobo, nói: “TPP-11 sẽ giúp tạo ra nhiều việc làm mới cho Australia trên tất cả lĩnh vực: nông nghiệp, sản xuất, khai thác mỏ, dịch vụ, cùng lúc tạo ra những cơ hội mới trong khu vực mậu dịch tự do trải dài khắp châu Mỹ và châu Á”. Chính phủ New Zealand dự kiến CPTPP sẽ thúc đẩy nền kinh tế của quốc đảo này lên khoảng 1,2 tỷ đô New Zealand (khoảng 881,40 triệu USD) đến 4 tỷ đô New Zealand mỗi năm. Trong đó, các nhà xuất khẩu trái kiwi và thịt bò nằm trong số những người hưởng lợi hàng đầu.
Giáo sư khoa Luật tại Đại học Sydney, Australia Kimberlee Weatherall nói với Reuters: “Thay đổi lớn của TPP-11 là rất nhiều điều khoản trong thỏa thuận ban đầu vốn gây nhiều tranh cãi giữa các nước tham gia đàm phán hiệp định đã được hoãn lại hoặc bị loại bỏ, đặc biệt là các điều khoản về dược phẩm”. Còn Bộ trưởng Thương mại New Zealand - David Parker nhận định: “CPTPP trở nên quan trọng hơn vì những mối đe dọa đối với hoạt động hiệu quả từ luật lệ của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO)”. Ông David Parker cho biết thêm, thỏa thuận sẽ có hiệu lực vào cuối năm 2018 hoặc nửa đầu năm 2019 và triển vọng về việc Tổng thống Donald Trump đưa Mỹ trở lại với thỏa thuận mậu dịch này trong hai năm tới là “khó có thể xảy ra”. Nhưng dù cho Washington bày tỏ mong muốn gia nhập CPTPP, không có gì bảo đảm là các thành viên của hiệp định sẽ hủy bỏ mọi thay đổi vừa đưa ra. Bộ trưởng Thương mại Canada - François-Philippe Champagne, cho biết CPTPP sẽ tăng cường hỗ trợ tầng lớp trung lưu bằng cách thu hút các khoản đầu tư tạo việc làm mới và mở rộng cơ hội xuất khẩu cho các doanh nghiệp Canada tới những thị trường quy mô lớn đang phát triển nhanh. Thông qua CPTPP, Canada sẽ có quyền tiếp cận ưu đãi với gần nửa tỷ người tiêu dùng ở một trong những thị trường phát triển năng động nhất trên thế giới, với hơn 500 triệu dân.
NAM VIỆT