Cõng chữ

VŨ THỊ HUYỀN TRANG 18/11/2018 01:01

Thuần nằm vật ra giữa bãi bùn lầy, bên cạnh chiếc xe Win cũng đã được nhuộm đỏ bùn y như chủ. Thuần nhìn lên bầu trời cười ha hả, cảm giác này Thuần chỉ có được khi đến nơi đây. Đồng nghiệp cũng đang ì ạch phía sau, nhích từng bước trên con đường nhầy nhụa, bùn đất bết cứng bánh xe. Mưa trên trời vẫn trút xuống, con đường đến trường thì còn xa lắm nhưng chỉ cần nghĩ đến nụ cười của những đứa trò nhỏ là Thuần thấy khó khăn này đâu có là gì. Mấy tháng về thành phố nghỉ hè Thuần nhớ tụi nhỏ, nhớ trường lớp, núi rừng đến quắt quay. Chỉ mong sớm đến mùa tựu trường để lại vượt qua những con đường lầy lội, đứng giữa sân trường ôm tụi nhỏ vào lòng. Hít hà mùi tóc khét, mùi lá cây bám đầy trên quần áo chúng. Nhấc bổng từng đứa trò nghịch ngợm, dụi đầu vào ngực chúng nghe tiếng cười vang vọng cả núi rừng. Thuần yêu tất thảy mọi thứ thuộc về nơi này dẫu xa xôi trắc trở, dẫu nghèo nàn thiếu thốn, dẫu heo hút đèo mây. Đồng nghiệp của Thuần gồm toàn thầy giáo trẻ tình nguyện lên cắm bản hẳn cũng dành tình yêu thương sâu sắc với mảnh đất và con người nơi đây. Trường tiểu học Tà Vạc đã ở trước mặt rồi, Thuần nghe thấy tiếng suối chảy róc rách phía xa. Con ngựa chiến cần phải được gột sạch bùn đất trước khi nổ máy tiến thẳng vào trường. Mấy túi ni lông bọc đồ mang từ thành phố lên cũng đã bẩn cả rồi. Trong đó là mấy chục đôi dép tổ ong, ít quần áo ấm, sách vở và bánh kẹo mà bạn bè Thuần gửi lên làm quà cho tụi nhỏ.

Trường lớp sau mấy tháng bỏ không cỏ mọc um tùm khắp lối đi, lan cả vào lớp học. Nhìn mấy bông hoa dại mọc trên bục giảng Thuần tủm tỉm cười. Anh cùng đồng nghiệp xắn tay áo xới cỏ, kỳ cọ lau chùi bàn ghế, giường chiếu, giặt giũ chăn màn cho hết mùi ẩm mốc. Chỗ ở của các thầy đơn sơ lắm. Lán bằng lá cọ đã mục nát được quây lại bằng mấy tấm cót ọp ẹp. Thuần đang tính năm nay các thầy sẽ huy động thêm nhân lực, xin cây cọc sửa sang lại trường lớp để các em có chỗ ngồi học hành tử tế. Mất ba ngày lao động cật lực cuối cùng trường đã gọn gàng, quang quẻ. Nhưng chăn chiếu thì không thể nào khô nổi với tiết trời mưa nắng ẩm ương. Thuần khẽ chun mũi khi ngửi thấy mùi hôi do thiếu nắng trong chăn lúc trùm qua đầu.

Mùa này trên núi cứ đêm đến là trời bắt đầu rét, sương xuống dày mờ mịt. Sóng điện thoại không có, wi-fi càng không, thành ra có nhớ phố cũng đành lòng kìm lại. Muốn có sóng điện thoại gọi về gia đình phải đi bộ mấy cây số lên núi cao hứng sóng. Có khi hứng được, có khi phải về không với những ngày thời tiết xấu. Mấy tháng hè về phố quen dùng mạng xã hội giao lưu với người thân, bạn bè giờ lại quen dần với cuộc sống nơi đây. Bao nhiêu tâm trí chỉ dành cho bài giảng, dồn cả vào những đứa trò nhỏ lem luốc, đáng yêu. Người ta thường nói thầy cô cõng chữ lên non. Nhưng thật ra chính những đứa trẻ nơi này đã cõng con chữ và bao niềm mơ ước trên lưng trèo đèo, lội suối. Chẳng cần phải nhìn đâu xa, Thuần cứ nhìn vào tụi trẻ mà sống tốt đẹp hơn, có ích hơn. Tuổi trẻ mỗi người đều có ít nhất một hoài bão lớn lao. Như Yên - người con gái mà Thuần yêu cuối cùng cũng từ bỏ tất cả để đến trời Tây du học. Như Thiên - người bạn nối khố của Thuần nuôi ước mơ làm phi công bay qua mọi vùng trời. Như Thảo - bạn tri kỷ của Thuần đã trở thành một nhà văn trẻ khá nổi tiếng nuôi sứ mệnh kết nối và cứu rỗi những tâm hồn lầm lỗi. Thuần từng loay hoay đi tìm chính mình với câu hỏi: ta là ai? Ta làm được những gì? Đã có lúc Thuần đánh mất mình đâu đó trong những tham vọng tầm thường; trong sự ngộ nhận giữa nghề và nghiệp; trong sự chán chường, bải hoải của những tháng ngày không biết đi đâu về đâu. Cho đến khi Thuần tới nơi này trong một chuyến đi phượt cùng bạn bè.

Thuần ngồi ngoài hàng rào đá nghe tiếng phấn viết trên tấm bảng thủng lỗ chỗ, nghe thầy giáo trẻ đọc thơ: “Cánh màn khép lỏng cả ngày/ Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm trưa/ Nắng mưa từ những ngày xưa/ Lặn trong đời mẹ đến giờ chưa tan”(1). Lòng Thuần tự nhiên bình yên đến lạ, cứ muốn ngồi ở đó nghe con chữ nhả vào lòng những sợi tơ mềm êm như lụa. Nhìn những đứa trẻ hàng ngày phải dậy từ mờ sớm, xuyên qua màn sương lạnh, qua những ngày mưa bão trắng trời, qua đèo nối đèo, núi nối núi để chạy ào vào lớp học. Có những đứa trẻ đến trường bằng chân đất, mười ngón chân bấu chặt xuống đường đỏ ửng. Những đôi dép mòn vẹt, những chiếc áo nhuốm màu nhựa cây, quăn tít. Có đứa chắc cả năm không cắt tóc, không kỳ cọ móng chân. Có đứa đến trường mà không đủ tiền mua sách vở, bút mực. Thuần tự hỏi bấy lâu nay mình ở đâu? Làm những gì? Sao mình không có mặt ở nơi này sớm hơn? Sao ngay khi ra trường Thuần chỉ muốn xin vào biên chế trong thành phố như biết bao thầy cô khác. Để được dạy trong ngôi trường khang trang, đầy đủ thiết bị giáo dục. Được dạy những em nhỏ được bố mẹ đưa đón bằng ô tô. Mặc những bộ quần áo sạch tinh tươm, thơm nức mùi nước xả. Hàng năm trường đều phấn đấu đạt chuẩn. Học trò hàng năm đều gắng được giấy khen. Để rồi khi không đạt được mục đích, Thuần chán nản bỏ nghề đi làm các công việc khác nhau. Nhưng chẳng công việc nào khơi dậy được niềm đam mê trong Thuần cả. Thuần đâu biết có những nơi thật sự cần mình. Có những đứa trẻ chẳng mong có phòng giáo dục nghệ thuật, phòng tập luyện thể thao mà chỉ cần có bàn ghế để ngồi, có mái trường che mưa che nắng. Vậy mà những cơn mưa ngoài kia vẫn rơi nhòe trang vở. Đến đây Thuần đã nghĩ đời sống này có bao giờ ý nghĩa hơn khi được cống hiến ở một nơi thật sự cần mình. Người thân cứ thắc mắc rằng tại sao Thuần lại chọn cách giam tuổi trẻ của mình nơi rừng thiêng nước độc? Có phải vì một biến cố nào đó xảy đến trong cuộc sống hay không? Chỉ có Thuần mới biết mình như con chim cuối cùng cũng tìm thấy bầu trời để cất cánh bay…

*
*               *

Thuần duỗi bàn chân lấm lem bùn đất và đầy vết chai sẹo của những đứa trò nhỏ của mình. Đeo vào chân chúng đôi dép tổ ong mới cóng còn nồng mùi nhựa. Xem những bàn chân ngượng nghịu và vui sướng, những miệng cười tươi rói mà lòng Thuần ấm lạ. “Vậy là lớp mình có dép đồng phục, thầy nhỉ”. Dơn cười tít mắt, cả cơ thể gầy khẳng, đen nhẻm lọt thỏm trong chiếc áo chẳng rõ màu gì. Mặc chiếc quần ngắn cũn cỡn đến tận bắp chân nhưng Dơn luôn dùng tay xếch quần lên vì dây thun lỏng. Hôm nào Dơn cũng dậy từ lúc bốn giờ sáng. Nấu cháo lợn, luộc ngô khoai ủ trên bếp cho mẹ dậy ăn đi làm. Dơn và em Dí vội vã đến trường, có khi vừa đi vừa ăn củ khoai củ sắn. Trường cách nhà cả chục cây số đường đèo núi gập ghềnh. Đôi chân anh em Dơn đi đã quen rồi, sải bước thật dài, đi mà như nhảy trên từng ngọn cỏ. Đi đến đâu sương rùng mình ào xuống, có hôm hai anh em phải khoác áo ni lông cho đỡ ướt người. Hôm nào cũng vậy, anh em Dơn đi từ lúc sương còn trĩu lá, xuyên qua những tiếng gà gáy sớm, xuyên qua trăm tiếng chim  đậu trên những tán cây. Đi cho đến khi mặt trời chiếu rạng khắp vạn vật, cây lá đã kịp rũ sạch sương khô ráo thì thấy trường lấp ló phía xa. Mùa đông, Thuần hay nhóm sẵn một đống lửa giữa sân trường để học trò của mình đến hơ chân tay cho ấm lại. Có nhiều em đi được đến cổng trường là chân tay rúm ró, thâm tím vì cóng. Thuần ào ra đỡ trò, xót xa nắm níu. Trong đống than hồng buổi sáng có thêm vài củ khoai, để lỡ em nào đói ăn cho ấm bụng. Thuần không muốn trong lúc giảng bài tiếng sủi bụng của học trò còn to hơn tiếng phấn mài trên bảng.

Thuần đứng trên bục giảng nhìn xuống lớp, khẽ dừng mắt lại trong vài chỗ ngồi bỏ trống. Xíu hôm nay nghỉ học, có thể mẹ em lại lên cơn đau ốm. Nhà chỉ có hai mẹ con nên Xíu phải ở nhà vừa chăm mẹ vừa lo cơm nước, lợn gà, củi đuốc. Dìu nghỉ học chắc lại vì phải ở nhà trông bố. Bố Dìu say triền miên tối ngày, nhà có bao ngô lúa đều mang đi đổi rượu. Mỗi khi say người cha ấy thường cấm con đi học, bắt ở nhà lên nương rẫy làm việc thay mình. Sán sẽ nghỉ học khi trong nhà không còn nắm gạo nào. Sán phải đi săn lan rừng cùng bố bán cho người dưới xuôi kiếm tiền đong gạo. Nhiều đêm Thuần ám ảnh khi nghĩ đến những khóm lan rừng mọc tít trên cây cao hoặc cheo leo trên vách đá. Chúng mê hoặc cái bụng rỗng và cơn đói cồn cào của một đứa trẻ thơ. Rừng không phải lúc nào cũng bao dung. Người ta nói ăn của rừng phải rưng rưng nước mắt. Thuần chỉ sợ một ngày nào đó rừng đòi người phải trả. Mà đứa trò nghèo khổ, đáng thương của Thuần đâu có gì để trả ngoài thân xác bé nhỏ của mình. Đã nhiều lần Thuần nói với bố Sán về việc đừng bắt con mình phải mạo hiểm mưu sinh. Bố Sán mặt cúi gằm:

- Nhà nghèo quá mà thầy. Tôi già yếu, lưng đau đâu có leo được cao.

- Thì mình kiếm việc khác mưu sinh.

- Thế theo thầy phải kiếm việc gì? Khi nương rẫy bạc màu, mấy năm nay đều mất mùa. Trâu bò, lợn gà thì không có tiền mua để chăn nuôi. Thầy tính phải làm gì để nuôi mấy đứa?

Thuần không có câu trả lời, im lặng như đã từng nhiều lần đến nhà vận động bố mẹ cho con đến trường. “Con chữ của thầy quý thật, nhưng cái bụng đói thì biết phải làm sao?”. “Đi học có no được cái bụng không thầy?”. Nên trong lớp mỗi một chỗ trống đều để lại trong lòng Thuần nỗi day dứt khôn nguôi. Lương giáo viên của Thuần cũng đã gửi về gia đình một ít. Còn bao nhiêu Thuần hay tích vào để ra tấm ra món thỉnh thoảng có việc cần dùng. Ngày nghỉ Thuần cùng các thầy giáo trong trường vào rừng hái hoa chuối, lấy măng hoặc xuống suối bắt cá cải thiện bữa ăn. Còn ngày thường có gì ăn nấy, kho lương thực của các thầy đôi khi chỉ thấy cá khô, mì tôm. Chợ xa lắm mà các thầy thì bận. Có bao nhiêu thời gian, công sức đều dồn vào trường lớp và bài giảng cả rồi. Hôm nào đi đâm cá dưới suối mà được nhiều con to, các thầy còn xâu dây chia cho học trò nghèo xách mang về. Thùng mì tôm của thầy cũng đã ấm cơn đói lòng của biết bao học trò tội nghiệp. Nhìn các em thiết tha với cái chữ, Thuần vẫn không nguôi hy vọng đến một ngày nào đó các em sẽ thoát nghèo. Kiến thức sẽ chắp cho các em đôi cánh để thực hiện mơ ước của mình. Mà mọi đứa trẻ dù được sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh nào cũng đều nuôi trong mình một mầm mơ ước non xanh.

Hôm nay cuối tuần, vài đồng nghiệp tranh thủ về thăm nhà, vài người ở lại trông trường lớp. Thuần có việc phải xuống chợ huyện từ mờ sớm, rủ thêm đồng nghiệp đi cùng. Thuần đi mua bốn con dê cái và một con dê đực. Thuần tính sẽ nuôi chúng, thả quanh quẩn gần trường. Chẳng phải Thuần định nuôi dê lấy thịt hay sữa để cải thiện đời sống của các thầy. Mà sau nhiều ngày trăn trở, Thuần muốn làm gì đó giúp đỡ học trò nghèo. Nên tính mua dê về nuôi để chúng sẽ sinh sôi thành đàn. Mỗi năm Thuần sẽ tặng dê cho học trò nào hiếu học, biết vượt qua hoàn cảnh khó khăn. Sán nhất định sẽ được tặng một cặp dê tốt để sau này em không phải vào rừng đánh cược tính mạng mình với những khóm lan. Thuần dắt những chú dê vừa mua về trường, lòng tươi vui như khi đứng trên bục giảng đọc một bài thơ hay trước ánh mắt hồn nhiên của học trò mình…

_________________

(*) Trích bài thơ “Mẹ ốm” của Trần Đăng Khoa.

VŨ THỊ HUYỀN TRANG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cõng chữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO