Một vị lãnh đạo cấp tỉnh, thành phố ở miền Trung có lần tâm sự với nhà báo: “Cán bộ các cấp bây giờ yếu quá nên cấp trên mới cực, phải xông vào từng việc nhỏ nên không có thời giờ dành cho nghiên cứu những vấn đề lớn...”. Tôi đem chuyện đó hỏi ý kiến một vị lãnh đạo cấp tỉnh, ông trả lời: “Tôi cũng từng nghe nói vậy! Nhưng đâu phải cán bộ bây giờ thiếu năng lực, mà trái lại là đằng khác!”.
Ông này kể rằng, thời mới hòa bình, lãnh đạo cấp tỉnh, cấp thành phố đều vừa ở trên núi xuống, học lực có gì đâu vì phải lo chiến đấu. Cán bộ cấp sở, ty, ban, ngành ở dưới còn hạn chế hơn nữa. Nên phải tăng cường cán bộ miền Bắc vào. Nhưng nói chung họ đã làm được nhiều việc, nhờ nhiệt tình và chủ động. Còn bây giờ, nhiều lúc lãnh đạo cấp thành phố phải giải quyết đền bù giải tỏa cho từng hộ dân, chỉ đạo rạp hát phải xếp ghế ra sao, sân vận động phải dùng loại ghế màu gì, lợp tôn loại gì hoặc phải ngồi duyệt từng phương án quy hoạch chi tiết cho các khu dân cư, chỉ đạo trồng loại cây gì trên các lề đường... Cấp dưới vì vậy bị động, chờ đợi, ỷ lại và mất hẳn đi tính sáng tạo... Vị này nhấn mạnh: “cán bộ bây giờ giỏi hơn xưa rất nhiều. Ai cũng có bằng đại học, nhiều vị là thạc sĩ, tiến sĩ, nói vài ba ngoại ngữ, có cả xe con tự lái đi làm. Nói chung họ được đào tạo bài bản và kinh tế cũng được bảo đảm để toàn tâm toàn ý lo cho công việc. Chỉ có điều như ông bà ta nói “dụng nhân như dụng mộc”! Người lãnh đạo giỏi là người huy động được trí tuệ của những người giỏi ở các lĩnh vực khác nhau vào công việc, chứ không phải cầm tay chỉ việc từng chút một.
Đúng là như vậy. Nhưng cũng xin bổ sung thêm: Tôi có đọc một số biên bản các cuộc họp hàng tuần của lãnh đạo một tỉnh nọ ở miền Trung và nhận thấy thời gian để lãnh đạo cấp tỉnh ngồi giải quyết chuyện đền bù đất đai, nhà cửa, việc cấp đất, bán đất, duyệt giá đất, đấu giá tài sản; cả chuyện cử người đi công tác nước ngoài của các doanh nghiệp... thường chiếm đến 2/3 thời gian một buổi họp. Phần lớn các nội dung ấy do các chuyên viên báo cáo và tờ trình đề xuất từ cấp sở đưa lên, nhưng có nhiều trường hợp lại bị bác sau một hồi thảo luận. Điều này có thể hiểu thêm ở hai khía cạnh: một là quy định của các văn bản pháp quy không rành mạch, áp dụng chưa công khai minh bạch, hai là cán bộ lãnh đạo ôm đồm quá nhiều việc, lẫn lộn giữa quản lý hành chính và kinh tế của doanh nghiệp. Thêm vào đó là sự phân cấp không rạch ròi nên nhiều việc từ các sở, ngành lại đẩy lên cấp trên…
Cho nên, công chức viên chức, cũng như sự vận hành của bộ máy công quyền, muốn làm việc có hiệu quả, tạo ra sự độc lập sáng tạo cho họ trước hết cần có hành lang pháp lý rõ ràng, ai cũng biết, thuận lợi cho dân và được chế tài công minh khi có vi phạm; đồng thời phải phân biệt được những động thái can thiệp vào các lĩnh vực quản lý kinh tế, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, của người dân ở các cơ quan chính quyền là đã lỗi thời, cần nhanh chóng được loại bỏ.
C.B.L