Những năm gần đây, một số công chứng viên ở Quảng Nam thực hiện công chứng nhiều hợp đồng giao dịch không đúng thực tế khách quan, gây khó khăn cho việc giải quyết các tranh chấp.
Năm 1993, ông Nguyễn Văn Hiệp và bà Vũ Thị Thu Hương kết hôn với nhau. Trong thời kỳ hôn nhân vợ chồng ông Hiệp tạo lập được chiếc ô tô BKS: 43S - 4627. Ngày 21.9.2010, bà Hương đứng tên chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Hòa Thuận Phát cùng ông Phan Tuấn Anh ký hợp đồng vay 380 triệu đồng của Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư & phát triển (BIDV) Quảng Nam. Đồng thời bà Hương còn ký hợp đồng ủy quyền cho ông Phan Tuấn Anh “Được toàn quyền chuyển nhượng, mua bán, tặng cho, cầm cố, thế chấp chiếc ô tô BKS 43S - 4627”. Và “Thời hạn ủy quyền là 10 năm, kể từ ngày hai bên ký vào hợp đồng này và được công chứng”.
Ô tô này là tài sản chung của vợ chồng, nhưng bà Hương không trực tiếp thế chấp cho BIDV Quảng Nam, mà tự ý đem phần tài sản của chồng giao cho ông Tuấn Anh trọn quyền sử dụng là trái với pháp luật về hôn nhân và gia đình. Hơn nữa, tài sản đã giao cho ông Tuấn Anh được quyền “tặng cho” và giá như ông Tuấn Anh đã cho người khác, thì làm sao lấy lại mà thời hạn ủy quyền là 10 năm? Thế nhưng ngày 21.9.2010, Công chứng viên Phòng công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam vẫn mạnh tay đặt bút “công chứng”?
Cùng ngày, ông Tuấn Anh đem chiếc xe BKS 43S - 4627 trị giá 520 triệu đồng thế chấp cho BIDV Quảng Nam để đảm bảo tiền vay, nhưng bà Hương, ông Tuấn Anh không thanh toán được nợ và lãi vay quá hạn, nên xảy ra tranh chấp. Tòa án hai cấp ở Quảng Nam xử, buộc bà Hương với ông Tuấn Anh phải trả nợ vay và lãi vay 582 triệu đồng cho BIDV Quảng Nam; ô tô BKS 43S - 4627 là tài sản bảo đảm tiền vay nên bà Hương, ông Tuấn Anh không trả được nợ cho BIDV Quảng Nam.
Một trường hợp khác: Quyết định không số, ngày 14.12.1985 của UBND xã Tam Tiến (huyện Núi Thành) cấp 1.570m2 đất rừng cho cá nhân nào không rõ. Bởi, quyết định đã bị thủng không xác định được danh tính người được cấp đất, nhưng ông Lữ Hà (thôn Hà Quang, xã Tam Tiến) lót giấy và điền tên mình vào các chỗ trống trên quyết định giao đất, nhưng Công chứng viên Phòng công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam vẫn thực hiện việc công chứng ngày 6.7.2006, rằng: “Chứng nhận bản sao này đúng với bản chính”(?). Trên cơ cở quyết định được công chứng, ông Lữ Hà làm căn cứ đi kiện, đương nhiên chính quyền địa phương và tòa án hai cấp ở Quảng Nam không thể chấp nhận bản sao của ông Lữ Hà đi kiện đòi lại đất.
Còn nữa, ông Hoàng Diên Tụy qua đời và để lại 1.008m2 đất ở, đất vườn tại phường An Mỹ (TP.Tam Kỳ), bà Nguyễn Thị Hữu là vợ kế sợ các con đời trước của ông Tụy tranh chấp, nên ngày 31.3.2011 lập thủ tục đề nghị UBND TP.Tam Kỳ chia thành 4 lô đất ở và đứng tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ). UBND TP.Tam Kỳ ký các bìa đỏ chưa ráo mực thì ngày 14.4.2011 các con của bà Hữu là ông Hoàng Diên Sơn, Hoàng Diên Tùng và Hoàng Thị Hương lập văn bản nhượng quyền hưởng tài sản thừa kế nêu trên cho bà Hữu trọn quyền sử dụng, nhưng tính pháp lý của văn tự công chứng ghi ở phần trên là: “Tôi Nguyễn Đức Bình - Công chứng viên Phòng công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam công chứng …”, phần cuối ký tên và đóng dấu lại là Nguyễn Ngọc Duy - Công chứng viên?
Thiết nghĩ, cơ quan quản lý công chứng và người có trách nhiệm ở địa phương cần có biên pháp chấn chỉnh việc công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm theo quy định của pháp luật để không “làm khó” các cơ quan chức năng khi giải quyết các vụ việc tranh chấp khiếu kiện.
LYNA