Công dân sinh thái

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 03/08/2015 09:15

Báo Quảng Nam vừa đăng loạt bài về “Ô nhiễm môi trường di sản”. Theo tôi, đây là những phản ánh và báo động cần thiết với môi trường của di sản văn hóa nói chung, Hội An nói riêng. Bởi, bên cạnh những danh hiệu, những lời khen, áp lực từ việc thu hút du khách ồ ạt những năm qua đã đặt lên “đôi vai” của đô thị cổ Hội An gánh nặng không nhỏ, mà nếu không được điều chỉnh, sẽ là một tác hại không lường về lâu dài, cả vật chất lẫn nhân văn.

Nguy cơ đã được nhìn nhận từ trước

Còn nhớ cách đây đúng 6 năm, tôi được mời dự một hội thảo khoa học mang tên “Xây dựng thành phố Hội An - thành phố sinh thái”. Thật ra nội dung này đã được đề cập từ năm 2003 trong nghị quyết của Đảng bộ tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An. Theo đó, đã có hàng chục tiêu chí đã được nghiên cứu, xây dựng theo hướng “vừa phải cẩn trọng giữ gìn khu phố cổ - Di sản văn hóa thế giới, vừa phải chỉnh trang các khu đô thị cũ đã trở nên chật hẹp và chứa đựng nhiều nguy cơ ô nhiễm môi trường; đồng thời mở rộng liên hoàn các khu đô thị sinh thái mới, xây dựng các khu vực ngoại ô thành những vùng nông thôn mới”. Đề án xây dựng mới và đưa ra hội thảo còn nhấn mạnh: “Hội An - thành phố sinh thái - trước hết về phạm vi không gian trải rộng hết diện tích tự nhiên hiện nay; xa hơn, nó được tính đến không gian của Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm đồng thời gắn liền với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương...”.

Hội An đang phải đối mặt với những áp lực, thách thức về bảo vệ môi trường di sản. Ảnh: H.X.H
Hội An đang phải đối mặt với những áp lực, thách thức về bảo vệ môi trường di sản. Ảnh: H.X.H

Trong hội thảo lần đó, cũng như những trao đổi với nhau sau này, TS. Vũ Ngọc Hoàng - Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo trung ương, nhà văn Nguyên Ngọc, PGS-TS. Nguyễn Hoàng Trí - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giáo dục môi trường; TS. Nguyễn Minh Sơn - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường, cùng nhiều nhà khoa học, chuyên gia đã rất lo lắng với những thách đố về môi trường của Hội An. Tại hội thảo, các nhà quản lý, nhà khoa học cũng đưa ra các tiêu chí, tham gia nhiều ý kiến liên quan đến kinh nghiệm của các nước. TS. Nguyễn Minh Sơn cho rằng, Hội An đã có một tầm nhìn, một quyết tâm rất rõ ràng và là địa phương đi tiên phong trong cả nước khi nêu ra mục tiêu xây dựng thành phố sinh thái trong quãng 30 năm với các tiêu chí khá chặt chẽ về môi trường, về đa dạng hóa việc sử dụng đất, tối đa hóa tính khép kín và tự cân bằng cho hệ thống đô thị, bảo đảm cân bằng phát triển dân số đô thị và môi trường. Tuy vậy, Hội An cũng đang đối diện với rất nhiều vấn đề cần giải quyết như nước thải, chất thải không được xử lý từ các hoạt động du lịch thương mại và sản xuất tiểu thủ công nghiệp, việc khai thác cạn kiệt các nguồn lợi thủy sản, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp, thiên tai và nạn ngập lụt hàng năm đe dọa các giá trị văn hóa vật thể... “Giải quyết những vấn đề này không phải là giải quyết các hậu quả mà cần phải đặt ra ngay từ đầu cho bất kỳ mọi dự án phát triển nào!” - TS. Nguyễn Minh Sơn nhấn mạnh. Trong khi đó, PGS. Nguyễn Hoàng Trí - người có vai trò quan trọng trong việc đề nghị đưa Cù Lao Chàm vào danh sách các khu dự trữ sinh quyển thế giới trước đây, cũng nhấn mạnh đến các thách thức mà Hội An đang đối mặt như thiên tai, nước biển dâng lên, biến đổi khí hậu, vấn đề quy hoạch không gian và đặc biệt là sức ỳ trong tư duy lẫn công tác quản lý đô thị thường gặp trong bối cảnh của một đất nước đang phát triển...

Cần có những “công dân sinh thái”

Dường như là có sự gặp nhau thú vị trong suy nghĩ của các nhà khoa học, nhà quản lý lẫn nhà nghiên cứu văn hóa khi nhìn vào các thách thức trên con đường xây dựng Hội An thành đô thị sinh thái. Nhà văn Nguyên Ngọc, người từng chủ trì một đề tài nghiên cứu về văn hóa Hội An đã nêu lên lo lắng của ông bằng những chi tiết khá cụ thể. Về dân số, mật độ hơn 1.500 người/km2 của Hội An đang cao gấp 7 lần mức bình quân của cả nước và gấp gần 40 lần so với mật độ chuẩn trên thế giới, đó là chưa kể mỗi ngày có khoảng 3.000 - 4.000 du khách đến thăm viếng và lưu trú ở đô thị cổ này. Điều này tạo ra những áp lực về nhiều mặt đối với phát triển bền vững. Nhà văn Nguyên Ngọc cũng băn khoăn về chất lượng dân số. Trước hết là sự gia tăng dân số cơ học đã đưa nhiều người đến cư trú, làm ăn tại Hội An và chắc chắn còn lâu họ mới có cách cư xử với thiên nhiên và môi trường như người bản địa. Thứ đến là chính những người dân địa phương, dưới áp lực của kinh tế thị trường cũng đang có những biến đổi về văn hóa ứng xử, nó xa dần với sự thân thiện hồn nhiên với sinh thái, như một thế mạnh không nói ra mà Hội An vốn có...

Chúng ta đều biết, “thành phố sinh thái” là một đô thị mà trong quá trình tồn tại và phát triển của nó không làm cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, suy thoái môi trường, không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người trong cộng đồng. Trong một “thành phố sinh thái”, cư dân đều phải biết tôn trọng tự nhiên và các giá trị nhân văn, tiêu thụ ít tài nguyên. Và ngược lại, “thành phố sinh thái” cung cấp cho cư dân của mình một cuộc sống có chất lượng cao nhất về văn hóa và vật chất. Hội An chủ động đi tiên phong để theo đuổi mục đích xây dựng “thành phố sinh thái” và nơi đây cũng đang có nhiều thuận lợi với một di sản văn hóa, một khu dự trữ sinh quyển thế giới, sự kết nối rộng rãi và thân thiện với bên ngoài. Con người Hội An với những đặc sắc mang tính truyền thống trong giao tiếp và sự chân thành, cởi mở. Từ lâu, sự phát triển du lịch - thương mại tại đây đã được từng người dân ý thức rằng phải được đặt trên nền tảng của một nền “kinh tế sinh thái”...

Tuy nhiên, những thách thức mà các nhà khoa học, nhà nghiên cứu từng nêu ra cũng là những thực tế không dễ dàng khắc phục. Từ hội thảo năm 2009 đến nay, nhiều vấn đề vẫn còn nguyên giá trị… Đến nỗi, tác giả loạt bài trên Báo Quảng Nam đã đặt những cái tít lớn: “ Phố cổ kêu cứu” và “Thách thức Cù lao Chàm…” .

Khi nói về các thách thức với Hội An, nhiều nhà khoa học cho rằng: Yếu tố con người là quan trọng và trước hết. Một “thành phố sinh thái” cần có những “công dân sinh thái” cùng nhau xây dựng một nếp sống văn minh sinh thái với những ý thức và hành vi ứng xử phù hợp.

Nói cho cùng, thách thức lớn nhất của “thành phố sinh thái” Hội An chính là những nhà quản lý và những cư dân Hội An hiện tại lẫn trong tương lai. Họ phải tự ý thức và được đào tạo để trở thành những “công dân sinh thái” để làm đầu tàu trên mọi lĩnh vực đời sống, và đừng bao giờ coi việc thu hút nhiều du khách (với bất cứ giá nào) là tiêu chí phấn đấu của một di sản văn hóa như Hội An.

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công dân sinh thái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO