(QNO) - Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành vừa ký ban hành Công điện về ứng phó khẩn cấp với siêu bão sắp vào Biển Đông.
Công điện nêu rõ, siêu bão có tên quốc tế là Rai đã ảnh hưởng trực tiếp đến ven biển phía Đông của Philippines, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16, giật trên cấp 17.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, tối ngày 17.12, bão sẽ vào Biển Đông với sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 13 - 14, giật cấp 17, sóng biển cao từ 6 - 8m ở khu vực bắc, giữa và nam Biển Đông.
Ngày 19, 20.12, khu vực biển ngoài khơi các tỉnh Trung Bộ có thể có gió mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 14 - 15, đe dọa trực tiếp đến an toàn tàu thuyền và các hoạt động trên biển, ven biển.
Nhận định đây là cơn bão cường độ rất mạnh, di chuyển nhanh, xảy ra vào cuối mùa mưa bão, diễn biến còn rất phức tạp. Để chủ động ứng phó, bảo đảm an toàn cho tàu thuyền và các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng của nhân dân, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, các bộ, ngành và địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, quyết liệt chỉ đạo, triển khai kịp thời công tác ứng phó với bão theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Công điện yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố ven biển phối hợp với lực lượng biên phòng vàcơ quan có liên quan chỉ đạo rà soát, nắm rõ ngay tất cả phương tiện, tàu thuyền còn hoạt động trên biển (bao gồm cả tàu cá, tàu vận tải và phương tiện khác) và các hoạt động trên biển.
Theo dõi sát diễn biến của bão, chỉ đạo thông tin, hướng dẫn phương tiện, tàu thuyền di chuyển về nơi tránh trú an toàn, kiên quyết không để tàu thuyền, phương tiện hoạt động trong vùng có nguy cơ ảnh hưởng của bão. Triển khai biện pháp bảo đảm an toàn đối với các hoạt động trên biển, an toàn tính mạng và phòng chống dịch Covid-19 cho người dân tại nơi neo đậu, tránh trú.
Căn cứ diễn biến, nguy cơ ảnh hưởng của bão và thực tế tại địa phương chỉ đạo, triển khai các biện pháp cần thiết đảm bảo an toàn cho người và tài sản trên đảo và lồng bè nuôi trồng thủy hải sản.
Rà soát, chuẩn bị sẵn phương án để chủ động ứng phó với tình huống bão ảnh hưởng đến địa phương. Chủ động bố trí lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng ứng phó, xử lý mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ, nhất là đảm bảo an toàn dân cư trong bối cảnh dịch Covid-19, bảo vệ đê điều, hồ đập, bảo vệ sản xuất.