(QNO) - Chiều nay 5.10, Tổng cục Thủy lợi, Bộ NN&PTNT ban hành công điện phòng chống ngập lụt, úng và bảo đảm an toàn công trình thủy lợi đề phòng ảnh hưởng của mưa lớn ở khu vực Trung Bộ.
Theo bản tin của Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, hiện tại khu vực từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa với lượng mưa phổ biến từ 50 - 100mm.
Do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông trên cao, từ ngày 5 - 8.10, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Bình Định có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa tại các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh phổ biến từ 100 - 150mm, có nơi trên 200mm, từ Quảng Bình đến Bình Định phổ biến từ 150 - 300mm, có nơi trên 350mm.
Mưa lớn nguy cơ gây ngập lụt, úng cho các vùng thấp trũng, ảnh hưởng tới năng suất diện tích lúa chuẩn bị thu hoạch và gây mất an toàn công trình thủy lợi, nhất là các hồ chứa nước nhỏ, xung yếu, đang thi công sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới.
Để bảo vệ an toàn công trình thủy lợi và sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu thiệt hại do mưa lớn gây ra, Tổng cục Thủy lợi đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố tăng cường theo dõi thông tin thời tiết, dự báo mưa của cơ quan chuyên ngành khí tượng thủy văn, cơ quan chuyên môn thuộc Bộ NN&PTNT và chỉ đạo từ cấp có thẩm quyền để có phương án bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, vận hành công trình thủy lợi phòng chống ngập lụt, úng.
Rà soát, xác định trọng điểm công trình có nguy cơ mất an toàn do ảnh hưởng của mưa, lũ, đặc biệt các hồ chứa nước đang thi công, hồ chứa xung yếu, hồ chứa nhỏ, các hồ chứa đầy nước và đang có mức trữ cao. Cập nhật phương án bảo đảm an toàn cho từng công trình phù hợp với tình hình mưa lũ.
Khẩn trương điều chỉnh mực nước các hồ chứa có cửa van điều tiết lũ về mực nước chủ động đón lũ, bảo đảm không xả lũ bất thường gây mất an toàn cho vùng hạ du. Cần cảnh báo sớm cho người dân vùng hạ du trước khi hồ chứa xả lũ và khi có nguy cơ xảy ra sự cố theo quy định.
Chủ động vận hành sớm các công trình thủy lợi để tiêu nước đệm và tiêu úng, bảo đảm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra cho cây trồng và ảnh hưởng đến dân sinh.
Tổ chức trực ban 24/24 giờ trong thời gian có mưa lũ, kịp thời xử lý tình huống bất thường khi có nguy cơ xảy ra sự cố công trình.