Trong vài năm trở lại đây, thủy điện luôn là đề tài nóng không chỉ với người dân vùng hạ du Vu Gia – Thu Bồn mà còn là sự quan tâm của cộng đồng xã hội. Đã có nhiều ý kiến trái chiều về lợi ích cũng như hệ lụy của thủy điện gây ra, vậy cách thức xử lý vấn đề này như thế nào?
Người dân giám sát xả lũ
Trên hệ thống sông Vu Gia – Thu Bồn hiện có khoảng 10 thủy điện lớn đã đưa vào vận hành với tổng công suất trên 1.000MW, đóng góp lượng điện năng lớn cho hệ thống điện quốc gia. Bên cạnh mặt tích cực, nhiều vấn đề hệ lụy về môi trường phát sinh từ việc phát triển và vận hành thủy điện đã đặt ra, gây tranh cãi thời gian qua. Nếu trước đây, nhiệm vụ chính của thủy điện lớn tại lưu vực Vu Gia - Thu Bồn là cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, nhưng hiện nay chức năng giảm lũ trong mùa bão lũ và điều tiết nước cho mùa khô đã được đưa lên hàng đầu. Vấn đề an sinh cho cộng đồng hạ du được quan tâm, vai trò trách nhiệm của chính quyền địa phương được khẳng định và đánh giá cao hơn trong quy trình vận hành liên hồ mùa lũ. Tuy nhiên, hàng năm mỗi khi đến mùa mưa lũ, câu chuyện thủy điện luôn là đề tài thời sự. Vậy phải chăng lũ là do thủy điện gây ra, như dư luận hiện nay vẫn nhắc đến? Hay thủy điện là tác nhân gây nên những hiện tượng lũ lụt khác thường, trái với những quy luật? Hoặc nguyên nhân nào khác gây lũ mà thủy điện trở thành đối tượng bị “đổ tội”?...
Ngoài nhiệm vụ cung cấp điện, chức năng của thủy điện là giảm lũ trong mùa mưa bão và điều tiết nước cho mùa khô. |
Theo chuyên gia Lê Anh Tuấn - Viện Nguyên cứu biến đổi khí hậu, hơn 5 năm qua, những hệ lụy từ việc phát triển thủy điện lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn đã được nhìn thấy. Ảnh hưởng của thủy điện cho cư dân hạ du là rất lớn, nhưng người dân lại thiếu thông tin, thiếu sự đánh giá công bằng, chính xác. Hay đúng hơn là thiếu quyền giám sát những công trình sử dụng tài nguyên chung của cộng đồng. “Vai trò của thủy điện như thế nào cần được xã hội nhìn nhận, đánh giá công bằng chứ không thể theo cảm tính, vì đến nay chưa có một tổ chức hoặc cá nhân nào đánh giá chính xác những thiệt hại do thủy điện gây ra, trong khi thủy điện tồn tại một cách hiện hữu mà ai cũng có thể nhìn thấy được” - ông Tuấn bày tỏ.
Thực tế, thời gian qua sự phối hợp giữa chính quyền và các đơn vị quản lý hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn đã có nhiều kết quả tích cực trong việc vận hành thủy điện; trao đổi thông tin nhằm vận hành hiệu quả thủy điện mùa bão lũ và điều tiết nước mùa kiệt. Đặc biệt, những thông tin về tình hình thủy văn, lưu lượng nước về và xả luôn liên tục được cập nhật. Ngoài ra, hệ thống camera cũng đã được lắp ngay tại cửa van các hồ thủy điện, được truyền trực tiếp cho nhiều cơ quan quản lý của bộ, tỉnh, trung ương. Riêng với thủy điện A Vương gần đây còn chủ động mời đại diện người dân (do các tổ chức, hội, đoàn thể cử), trực tiếp giám sát tại hồ thủy điện trong cả mùa mưa bão cũng như lắp đặt nhiều hệ thống thông tin cảnh báo sớm về thời gian xả tràn cho cư dân hạ du…, giúp người dân chủ động ứng phó. Những hoạt động đó được đánh giá là khá tích cực, xuất phát từ ý thức an sinh xã hội của doanh nghiệp, tuy nhiên vẫn mang tính đơn lẻ và chưa thực sự khách quan, đòi hỏi phải có một tổ chức độc lập để đứng ra giám sát việc vận hành thủy điện...
Cột mốc báo lũ sẽ giúp người dân chủ động ứng phó mỗi khi đến mùa mưa lũ. |
Cần thông tin chính thống
Dù đã có nhiều nỗ lực cũng như sự phối hợp giữa chính quyền, người dân và thủy điện, nhưng qua khảo sát của TS. Quách Thị Xuân - Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội TP.Đà Nẵng, thông tin về các hồ chứa thủy điện lưu vực Vu Gia – Thu Bồn chưa thực sự đi đến người dân, ngay cả cấp huyện cũng chưa nắm được quy hoạch thủy điện. Trong khi đó nếu thông tin đến được cộng đồng thì chắc chắn sẽ có được nhiều kiến nghị, xuất phát từ mong muốn thực tế, giúp thủy điện có nhiều hoạt động tích cực, đóng góp thiết thực cho đời sống của người dân hơn, cũng như xác định ranh giới bị ảnh hưởng của lũ qua bản đồ ngập lụt, tăng cường mật độ loa cảnh báo xả tràn, tránh hiện tượng “sốc” vì lũ... “Thông tin trái chiều, tạo dư luận xấu, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của thủy điện trong cộng đồng thời gian qua là điều không tránh khỏi. Chủ hồ chứa thủy điện A Vương phải tổ chức liên tục mấy năm liền các chương trình truyền thông đến tận người dân hạ du tại huyện Đại Lộc, thôn, chợ, trường học để giải thích về vấn đề thủy điện không tự sinh ra nước, nên nó không tạo ra lũ… nhưng vẫn khó tạo sự đồng tình của người dân. Trong khi đó, nếu có một kênh thông tin mà người dân thực sự tin cậy, mang tính khách quan, chính xác thì vấn đề giải thích cho cộng đồng như thủy điện A Vương làm là không cần thiết” - bà Xuân nói.
Thực tế, việc trao quyền điều hành xả nước tại các hồ thủy điện lớn trên cùng lưu vực trong những tình huống xấu vào mùa mưa bão cho chủ tịch UBND tỉnh là một quyết định được người dân và các chuyên gia ủng hộ, vì là người của địa phương, hiểu biết về địa bàn, có trách nhiệm và quyền hạn đảm bảo hài hòa lợi ích tổng hợp của doanh nghiệp - người dân và xã hội. Ông Trương Xuân Tý - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở NN&PTNT) nhìn nhận, vai trò của tổ chức giám sát sẽ là một kênh vô cùng quan trọng nhằm hỗ trợ cho chính quyền trong việc quản lý, điều hành các thủy điện một cách tốt nhất trong việc giảm lũ trong mùa mưa bão và điều tiết nước trong mùa kiệt. “Không phủ nhận những đóng góp, lợi ích của thủy điện thời gian qua là hiển nhiên nhưng dường như vẫn bị mờ nhạt bởi cụm từ “thủy điện xả lũ”. Để thủy điện trở thành một nguồn năng lượng sạch, một hình ảnh đẹp về khai thác tài nguyên chung của quốc gia thì cần thiết có sự thống nhất thông tin giữa dư luận, chính quyền địa phương và chủ hồ chứa và sự đồng cảm chia sẻ khó khăn, lợi ích của tất cả các bên” - ông Trương Xuân Tý chia sẻ.
NGỌC NHƠN - KHÁNH LINH