Cộng đồng giữ rừng

TRẦN HỮU 16/08/2016 12:23

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) theo Nghị định 99  năm 2010 của Chính phủ như “sợi dây” liên kết giữ rừng từ cộng đồng làng. Chính sách này không những tạo ra hành lang pháp lý mà còn giúp đồng bào vùng cao có được nguồn hỗ trợ cần thiết để bảo vệ rừng (BVR) lâu dài.

Cộng đồng dân cư có trách nhiệm giữ rừng hơn từ ngày được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. TRONG ẢNH: Người dân và cán bộ kiểm lâm tuần tra rừng tại khu vực lòng hồ thủy điện Đắc My 4 (Phước Sơn).  Ảnh: T.HỮU
Cộng đồng dân cư có trách nhiệm giữ rừng hơn từ ngày được chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng. TRONG ẢNH: Người dân và cán bộ kiểm lâm tuần tra rừng tại khu vực lòng hồ thủy điện Đắc My 4 (Phước Sơn). Ảnh: T.HỮU

Bảo vệ rừng có trách nhiệm

Tại hội nghị sơ kết 5 năm (2011 - 2015) về tổ chức hoạt động của Quỹ bảo vệ - phát triển rừng và thực hiện DVMTR trên địa bàn tỉnh diễn ra cuối tuần qua, đã khẳng định bước đột phá trong tư duy BVR. Thực tiễn chứng minh giao rừng cho cộng đồng dân cư, nhóm hộ hiệu quả hơn giao cho cá nhân, hộ gia đình. Nghĩa là sức mạnh, tinh thần đoàn kết giữ rừng từ cộng đồng dân cư sẽ được huy động tối đa. Báo cáo từ Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn (nơi quản lý lâm phận 2 huyện Đại Lộc và Đông Giang) cho thấy, cuộc sống người dân bắt đầu có dấu hiệu tích cực hơn từ ngày được hưởng lợi từ DVMTR. Rõ nhất là tại 2 thôn An Điềm và thôn Yều (xã Đại Hưng, Đại Lộc) có 11 nhóm hộ (107 hộ) nhận khoán BVR  hơn 2.300ha. Bình quân mỗi hộ nhận gần 4 triệu đồng/năm. Còn tại 37 thôn thuộc 8 xã của huyện Đông Giang có tổng cộng 161 nhóm hộ (2.222 hộ) nhận 12.212ha  rừng. Từ ngày được giao rừng, hàng nghìn hộ dân tham gia ký cam kết BVR. Giữa chính quyền địa phương, hạt kiểm lâm và các chủ rừng vùng giáp ranh với ban quản lý rừng đều có quy chế phối hợp. Tương tự, nhóm hộ cũng có quy chế hoạt động, tuần tra truy quét chung. Mỗi nhóm hộ được cấp 1 quyển sổ tay để ghi chép việc chấm công các hộ trong nhóm đi tuần tra, ghi nhật ký tuần tra và theo dõi tiền ban quản lý rừng phòng hộ cấp đến nhóm hộ; mỗi hộ được cấp 1 băng BVR đeo tay để sử dụng khi đi tuần tra canh gác rừng.

Đến nay, có 14 đề án chi trả DVMTR cho 1.100 nhóm hộ (21.000 hộ) bảo vệ hơnn 295.000 ha rừng tự nhiên thuộc 70 xã của 11 huyện. Tổng số tiền thu từ DVMTR của toàn tỉnh trong các năm 2011 - 2015 là gần 219 tỷ đồng. Được biết, mức thu nhập bình quân hàng năm của hộ trồng và chăm sóc, bảo vệ rừng được dịch vụ môi trường rừng chi trả là 2,5 triệu đồng.

Chính sách chi trả DVMTR góp phần bảo tồn đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng, giúp người dân hưởng lợi từ rừng mà không xâm hại đến rừng, tái đầu tư rừng để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu như bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết và duy trì nguồn nước cho sản xuất, sinh hoạt của người dân; hấp thụ và lưu trữ các bon của rừng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Để sử dụng nguồn tiền có hiệu quả, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng tỉnh đã “buộc” trách nhiệm bằng cách, trước khi ký hợp đồng với người dân đã bắt họ ký cam kết rõ ràng. Sau một năm, tổ công tác của quỹ sẽ đánh giá kết quả khu rừng các nhóm hộ quản lý. Nếu giữ tốt thì mới thực hiện việc chi trả; ngược lại để xảy ra mất rừng, chủ rừng phải chịu phạt cắt tiền hoặc xử lý theo pháp luật. Ông Lê Minh Hưng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, trong bối cảnh ngân sách đầu tư cho ngành lâm nghiệp còn eo hẹp thì việc huy động các nguồn lực xã hội thông qua Quỹ bảo vệ và phát triển rừng gắn với thực thi chính sách DVMTR để đầu tư, quản lý rừng bền vững là cách thể chế hóa chủ trương xã hội hóa đầu tư phát triển nghề rừng.

Chênh lệch lớn đơn giá

Tuy nhiên, các huyện Nam Trà My, Nam Giang, Đông Giang chỉ ra các hạn chế trong chính sách DVMTR rõ nhất là chệnh lệch đơn giá lớn giữa các lưu vực, tác động đến các hộ nhận khoán, BVR, làm ảnh hưởng đến chính sách chi trả DVMTR và công tác quản lý, điều hành của Quỹ bảo vệ - phát triển rừng. Cạnh đó, kinh phí khoán BVR bình quân mỗi năm đạt 200 nghìn đồng/ha mới chỉ bằng 50% so với mức khoán theo Nghị định 75 và bằng 67% so với chương trình 30a… Thu nhập của hộ nhận khoán dù có tăng thêm nhưng vẫn còn ở mức thấp, nên các nhóm hộ chỉ tuần tra khoảng 1 - 2 ngày/tháng. Diện tích rừng nhận khoán bảo vệ của một số nhóm hộ xa khu dân cư, điều kiện đi lại khó khăn nên công tác tuần tra rừng không thường xuyên. Một số đơn vị sử dụng DVMTR còn nợ tiền. Diện tích trồng rừng thay thế năm 2015 có tỷ lệ cây sống đạt thấp nên không đạt tỷ lệ giải ngân 100%.

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn, thực tế có một số người giao nhận khoán BVR nhưng không đủ sức lao động, không tham gia tuần tra rừng, cá biệt có hiện tượng hộ dân nhận khoán có hành vi vi phạm phá rừng, xâm lấn rừng. Tại khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh, mấy năm nay “nóng” tình trạng phá rừng. Năm 2015, tại khu vực rừng này trong số 24 nhóm hộ được giao rừng thì đã có 18 nhóm xâm hại rừng với diện tích gần 21ha, trong đó có 12 nhóm hộ khai thác, cất giấu và vận chuyển trái phép hơn 88m3 gỗ có nguồn gốc từ khu rừng mà họ đã nhận khoán, bảo vệ. Thôn nào ở xã Trà Bui (Bắc Trà My) cũng xảy ra tình trạng phá rừng. Nhóm hộ do ông Nguyễn Thanh Sỹ (thôn 4 xã Trà Bui) làm nhóm trưởng đã khai thác hơn 47m3 gỗ từ chính khu rừng mà mình hưởng lợi từ DVMTR.

Về nhiệm vụ sắp đến, Sở NN&PTNT xác định sẽ tăng cường công tác tuyên truyền về chính sách chi trả DVMTR bằng các hình thức và nội dung thiết thực; đôn đốc các đơn vị sử dụng DVMTR thực hiện tốt việc thu nộp tiền theo đúng quy định để quản lý, sử dụng hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách chi trả DVMTR theo quy định; đảm bảo số tiền chi trả đến từng hộ nhận khoán được kịp thời, đầy đủ.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cộng đồng giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO