(QNO) - Ngay sau loạt 2 bài về vấn nạn thuốc lá điện tử, đồ chơi không an toàn tràn lan học đường được Báo Quảng Nam điện tư đăng tải, nhiều giáo viên, phụ huynh và kể cả học sinh đồng loạt lên tiếng.
“Hãy xem đây là một mối họa cho xã hội”
Bà L.T.Tr. phụ huynh học sinh lớp 6 Trường THCS Lý Tự Trọng (TP.Tam Kỳ) kể: “Con trai tôi đi học về kể các bạn cùng khối có hút thuốc lá điện tử, khi hút ra có mùi thơm như kẹo dâu, kẹo bạc hà… Tôi nghe mà phát hoảng về những nguy hiểm khủng khiếp mà thuốc lá điện tử gây ra.
Ở nhà tôi thường nhắc nhở con không sử dụng thuốc lá, theo tôi cơ quan chức năng nên có biện pháp cũng như quyết định cấm ngay loại thuốc lá này để triệt để hậu quả thuốc lá gây ra cho lớp trẻ bây giờ và cả thế hệ sau nữa”.
Đồng tình với quan điểm này, anh T.K.N. (TP.Tam Kỳ) cho biết, trường con anh đang theo học cũng có nạn buôn bán và sử dụng thuốc lá điện tử. Nhà trường đã thông báo ngay cho phụ huynh tình trạng này để có biện pháp và quan tâm hơn cho các cháu.
“Con tôi thú nhận đã từng bị bạn bè rủ rê hút 1 lần, hút xong cháu thấy người rã rời. Tôi chỉ mong muốn các phụ huynh khác cũng nên tìm hiểu về những sản phẩm gây hại cho trẻ trôi nổi trên thị trường hiện nay và quan tâm hơn đến các cháu” – anh T.K.N. chia sẻ thêm.
“Em bán thuốc lá điện tử chứ em không có sử dụng, em cũng không thấy cấm ở ngoài trường học nên em bán trên facebook thôi. Về tác hại thì em thừa biết mấy thứ này hút vào thì bị phổi trắng, gây ảo giác, trí nhớ kém dần nhưng bán được thì em có tiền tiêu xài” – một học sinh của Trường THPT trên địa bàn Tam Kỳ thú nhận.
T.V.Th. – học sinh lớp 7 cho hay, cách đây chừng 5 tháng, trường học hút thuốc lá điện tử nhiều lắm. “Trường em làm nghiêm lắm, khi biết các bạn hút thuốc lá điện tử thì cô giáo chủ nhiệm ngăn cấm và cho viết bản kiểm điểm ngay. Đặc biệt, tại các buổi dưới cờ hằng tuần ngoại khoá, nhà trường tuyên truyền về các chất độc hại khi sử dụng thuốc lá điện tử cho toàn thể học sinh được biết và tránh xa" – em Th. nói.
Thầy giáo K.L (thị xã Điện Bàn): “Làm thầy giáo, thật buồn khi chính tay tôi bắt được gần chục em sử dụng chất kích thích trong trường học. Không chỉ là hút thuốc lá điện tử đơn thuần, các em đang biến tướng thêm vào các loại ma túy tổng hợp, nhai loại kẹo có chứa chất ma túy. Và rồi sau những tệ nạn là chuyện rủ nhau đi trộm cắp lấy tiền mua các thứ độc hại đó hút. Và qua theo dõi, tôi bắt quả tang 3 lần nhóm học sinh này thực hiện hành vi phạm pháp đó.
Nhưng đau xót hơn khi tôi gọi phụ huynh các em lên thì họ tỏ vẻ thản nhiên khi đã biết con mình hư hỏng. Và lại đổ hết trách nhiệm cho trường quản lý, giáo dục. Chúng tôi chỉ có thể giáo dục, định hướng những điều tốt đẹp cho các em nhưng khi các bậc cha mẹ dửng dưng thì đó cũng là nguyên nhân gây nên tệ nạn học đường và gián tiếp đẩy các em vào con đường tăm tối”.
Một bạn đọc phản hồi: "Đây thực sự là hành vi rất đáng lên án... cha mẹ không dạy dỗ con cái, nhiều quán cà phê dung túng chứa chấp tệ nạn. Đề nghị cơ quan chức năng dẹp hết những quán nào chứa học sinh hút thuốc lá hoặc thuốc lá điện tử!".
Cùng ý kiến trên, bạn đọc T.L.H cho rằng: "Nhà trường, gia đình và công an nên phối hợp với nhau giải quyết triệt để, hãy xem đây là một mối họa cho xã hội".
"Ở đâu cũng bắt gặp mà tại sao các cơ quan liên quan, chính quyền không hề hay biết, hay có chăng là làm lơ? Phải thật mạnh tay trong xử lý chứ thế này thì lớn lên nhiều người trẻ tuổi sẽ trở nên yếu ớt thể chất, trí não bị hủy hoại" - một bạn đọc lên tiếng.
Đề nghị kiểm tra các loại đồ chơi trẻ em
Chị Huỳnh Thị Kim Loan, phường An Sơn (Tam Kỳ) có con đang học lớp 3 khá lo lắng về các loại đồ chơi độc hại với trẻ nhỏ. Chị cho biết, con mình đã từng chơi loại “bom pokemon” này khi được bạn trên lớp cho, rồi tiếp đó là xin mẹ mua cho. Tuy nhiên, trong quá trình thấy con chơi quá nguy hiểm, phụ huynh này đã nói con mình không mua, chơi loại đồ chơi này.
“Con trẻ thì thích thú bởi hình dạng bắt mắt, còn nhiều phụ huynh chiều theo ý con nhưng cũng không hình dung được hết sự độc hại. Nhận thức ra rồi nên tôi thấy rất lo lắng, vì thế mong nhà trường có sự kiểm soát, nhắc nhở các cháu thường xuyên hơn. Các cơ quan chức năng cần quản lý chặt chẽ các mặt hàng trôi nổi, ẩn chứa sự nguy hiểm đối với trẻ nhỏ” - chị Loan nói.
Cô giáo Nguyễn Thị Phúc Xuân - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám (Tam Kỳ) cho biết, trên các kênh thông tin, nhà trường cũng nắm bắt được những nguy cơ gây thương tích, ảnh hưởng tâm lý đối với học sinh từ các đồ chơi mang tính bạo lực bán trên thị trường, nhất là tại các cổng trường học.
“Để cảnh báo, nhắc nhở các em tránh xa các loại đồ chơi độc hại, nguy hiểm này, nhà trường thường xuyên tuyên truyền thông qua các buổi ngoại khóa. Lập đội cờ đỏ để theo dõi và nắm bắt thông tin để khi phát hiện thì báo ngay cho giáo viên chủ nhiệm để nhắc nhở.
Đồng thời, qua các buổi họp phụ huynh và nhóm zalo các lớp, nhà trường cũng nhắc nhở phụ huynh không cho các em tự đi ăn sáng để tránh trường hợp dùng tiền mua quà ăn vặt” - cô Xuân cho biết.
Ngoài ra, nhà trường còn phối hợp Công an phường An Sơn xử lý lấn chiếm vỉa hè và tuyên truyền cho người dân không mua bán các đồ chơi độc hại tại các hàng quán trước cổng trường.