Cộng đồng nỗ lực giữ rừng

HỒ QUÂN 12/10/2023 15:09

(QNO) – Nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) và những kiến thức, nghiệp vụ quản lý, bảo vệ rừng (BVR) được trang bị, mà cộng đồng thôn 1, xã Trà Nú (Bắc Trà My) đã BVR hiệu quả và có trách nhiệm hơn. 

Cộng đồng thôn 1, xã Trà Nú tuần tra, bảo vệ cánh rừng giáp ranh với huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi. Ảnh: H.Q
Cộng đồng thôn 1, xã Trà Nú tuần tra, bảo vệ cánh rừng giáp ranh với huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi. Ảnh: H.Q

Tuần tra rừng thường xuyên

Từ năm 2018, cộng đồng thôn 1 (xã Trà Nú) được giao khoán quản lý, bảo vệ rừng theo dự án KfW10 với tổng diện tích hơn 351ha. Đến đầu năm 2022, khi dự án KfW10 kết thúc, cộng đồng thôn 1 được hỗ trợ theo nguồn chi trả DVMTR lưu vực thủy điện sông Tranh 3.

Ông Huỳnh Văn Sơn – Trưởng thôn kiêm Trưởng ban Quản lý rừng cộng đồng thôn 1 nhìn nhận, công tác quản lý BVR trước đây chưa thật sự nghiêm ngặt, một số diện tích rừng thường xuyên bị bà còn lấn chiếm trồng keo. Cạnh đó, khu vực rừng giáp ranh với xã Trà Thanh (huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi) có thời điểm trong năm có xảy ra tình trạng xâm hại rừng trái phép. Trong khi đó, thời gian đầu giao rừng, 19 thành viên trong ban đều chưa nắm vững nghiệp vụ, không xác định được tọa độ, lịch trình tuần tra nên quản lý, BVR gặp nhiều khó khăn.

Đóng biển cảnh báo cho người dân. Ảnh: H.Q
Đóng biển cảnh báo cho người dân. Ảnh: H.Q

[VIDEO] - Ông Huỳnh Văn Sơn – Trưởng ban Quản lý rừng cộng đồng thôn 1 chia sẻ về công việc của lực lượng BVR của thôn:

Gần 2 năm nay, nhận nguồn hỗ trợ từ chính sách chi trả DVMTR, nhất là được hỗ trợ về thiết bị định vị, tọa độ, đánh dấu ranh giới, cột mốc, lập ra lịch trình tuần tra. Từ đó, các thành viên trong ban nâng cao nghiệp vụ, giúp công tác quản lý, BVR từng bước ổn định.

Riêng tổ BVR gồm 12 thành viên chia thành 3 nhóm, mỗi nhóm có 4 người. Theo lịch trình, mỗi tháng, 1 nhóm sẽ đi tuần tra 5 lần. Một số đợt cao điểm hoặc phát sinh tình trạng lấn chiếm, xâm hại rừng thì lịch trình này có thể tăng lên.  

“Từ nguồn chính sách chi trả DVMT, lực lượng tuần tra BVR được trả 250 nghìn đồng/ngày giúp các thành viên trong tổ ổn định nguồn thu nhập, tập trung hơn trong việc giữ rừng” – ông Sơn cho biết.

Một tổ gồm 4 thành viên, tổ chức 2 chuyến tuần tra định kỳ. Ảnh: H.Q
Một tổ gồm 4 thành viên, tổ chức 2 chuyến tuần tra định kỳ. Ảnh: H.Q

Cùng với tuần tr BVR, chủ rừng này cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng. Ông Sơn cho biết, có thời gian người dân thôn 1 nhận định công tác BVR là nhiệm vụ của ban, còn cộng đồng không có trách nhiệm. Song, công tác tuyên truyền kiểu "mưa dầm thấm lâu" đã giúp cộng đồng thay đổi nhận thức  bảo vệ sinh kế từ các loại lâm sản ngoài gỗ như mật ong, mây, đốt...

Từ 2022 đến nay, 5% trích từ nguồn chi trả DVMTR, chủ rừng sẽ dùng để đầu tư xây nhà văn hóa, tổ chức quà cho trẻ em dịp Tết trung thu, quà Tết Nguyên đán và các hoạt động an sinh xã hội tại thôn. Nhờ đó người dân nâng cao ý thức, phối hợp với Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn 1 để giữ rừng tốt hơn, hạn chế mức thấp nhất tình trạng đặt bẫy thú, lấn chiếm rừng trái phép và chấp hành các quy định về an toàn phòng cháy chữa cháy rừng.

Cũng theo ông Sơn, đồng bào bây giờ chỉ đặt bẫy trong vườn, đất sản xuất để bảo vệ hoa màu chứ không vào rừng đặt bẫy, săn bắn động vật rừng trái phép. Khai thác mật ong thì không đóng đinh vào cây, mà chỉ sử dụng dây thừng để hạn chế việc tác động vào rừng...

[VIDEO] - Lực lượng tuần tra BVR:

Quản lý rừng bền vững

Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam thông tin về phương án bảo vệ rừng bền vững cho người dân. Ảnh: H.Q
Quỹ Bảo vệ - phát triển rừng Quảng Nam thông tin về phương án BVR bền vững cho người dân. Ảnh: H.Q

Ông Nguyễn Tiến Trung – Phó Trưởng phòng Kế hoạch – kỹ thuật Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam cho biết, Thông tư 28 của Bộ NN&PTNT quy định, các chủ rừng lớn phải xây dựng phương án BVR bền vững đối với lâm phận mình quản lý.

Tại Ban Quản lý rừng cộng đồng thôn 1, thời gian qua, Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam đã mời đơn vị tư vấn phối hợp với cộng đồng khảo sát, xây dựng phương án dựa trên đặc thù công tác quản lý, BVR tại địa phương. Phương án này sẽ triển khai trong giai đoạn từ năm 2023 – 2028.

“Theo phương án này, cộng động thôn 1 sẽ sử dụng có hiệu quả hơn 351ha rừng nhằm ổn định đời sống, tăng thu nhập, giảm nghèo thông qua việc được chi trả tiền DVMTR, khai thác lâm sản ngoài gỗ. Đồng thời phát huy tối đa chức năng của rừng như bảo vệ đất, bảo vệ nguồn nước, hạn chế sạt lở, bảo tồn nguồn gen các loài động, thực vật quý hiếm” – ông Trung nói.

Việc xây dựng phương án bảo vệ rừng bền vững là nền tảng để quản lý, bảo vệ tốt 351ha rừng tự nhiên ở thôn 1, xã Trà Nú. Ảnh: H.Q
Việc xây dựng phương án BVR bền vững sẽ giúp bảo vệ tốt 351ha rừng tự nhiên ở thôn 1, xã Trà Nú. Ảnh: H.Q

Theo ông Trung, việc xây dựng thành công phương án BVR bền vững tại cộng đồng thôn 1 là nền tảng để chủ rừng xác định nhiệm vụ tuần tra, tuyến tuần tra, kế hoạch phát khai thác, sử dụng, phát triển rừng; phòng chống cháy rừng… Đây cũng là cơ sở để kêu gọi các nguồn đầu tư vào các hoạt động BVR.

[VIDEO] - Ông Nguyễn Tiến Trung – Phó Trưởng phòng Kế hoạch – kỹ thuật Quỹ bảo vệ và phát triển rừng Quảng Nam thông tin về tầm quan trọng của việc xây dựng phương án BVR bền vững:

Ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch UBND xã Trà Nú cho biết, thời gian qua, việc xây dựng phương án BVR bền vững ngoài việc đảm bảo việc quản lý hơn 351ha rừng tự nhiên tại địa phương còn góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của rừng và công tác BVR.

Thời gian tới, UBND xã, chủ rừng và các lực lượng chức năng sẽ tiếp tục đẩy mạnh các công tác tuyên truyền, đảm bảo thực hiện các nội dung trong phương án đề ra, phát huy hiệu quả các giá trị của rừng đối với người dân.

[VIDEO] - Ông Nguyễn Trung Hiếu - Chủ tịch UBND xã Trà Nú đánh giá về ý nghĩa của việc chi trả DVMTR đối với công tác BVR trên địa bàn xã:

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cộng đồng nỗ lực giữ rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO