Từ năm 2009, Hội An đã bắt đầu xây dựng thành phố sinh thái, thân thiện với môi trường nên đã áp dụng cơ chế cộng đồng có trách nhiệm quản lý, kiểm soát nguồn rác thải, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm.
Nhiều năm nay, tốc độ phát triển kinh tế cũng như du lịch tăng lên đã tạo áp lực cho Hội An trong việc xử lý rác thải sinh hoạt. Trong khi đó, tình trạng rác thải chưa qua phân loại hoặc phân loại kém hiệu quả do thiếu sự tham gia của toàn xã hội đã gây khó khăn cho quá trình thu gom, xử lý, lãng phí tài nguyên và ô nhiễm môi trường. Theo ước tính, mỗi ngày trên toàn thành phố có ít nhất 65 tấn rác thải sinh hoạt được thu gom về bãi rác. Nhưng hiện tại các công trình xử lý rác thải ở đây chưa được quan tâm đầu tư đúng mức. Nhức nhối nhất là vấn nạn ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước ngầm do nước rỉ ra từ rác... Rác thải sinh hoạt được phân chia thành các loại dễ phân hủy, khó phân hủy, rác tái chế, đặc biệt là các loại túi nylon. Theo kết quả khảo sát gần đây của Phòng TN-MT TP.Hội An, nhóm rác dễ phân hủy chiếm hơn 63%, nhóm rác khó phân hủy chiếm 23,05% và nhóm rác tái chế chiếm 11,6%. Tuy nhiên, cả thành phố chỉ có mỗi bãi rác Cẩm Hà chỉ với chức năng chứa, còn khâu xử lý rất hạn chế. Để giảm thiểu rác thải sinh hoạt, các hộ thường sử dụng phương pháp đốt, hoặc chuyển đến bãi rác của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam. Thói quen không phân loại rác thải tại nguồn để xử lý của cộng đồng sẽ làm chậm quá trình phân hủy và phát sinh nhiều chất độc gây ô nhiễm môi trường từ bãi rác.
Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt. Ảnh: H.PHÚC |
Từ năm 2013, thông qua sự trợ giúp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), phường Minh An và Cẩm Phô (TP.Hội An) đã làm quen với việc phân loại rác thải tại nguồn. Đến nay, phần lớn người dân đã tiếp cận với phương pháp xử lý rác thải tại chỗ, trước khi trung chuyển đến các bãi rác xử lý. Nhà máy làm phân compost gần bãi rác Cẩm Hà đưa vào vận hành, xử lý đáng kể lượng rác thải. Theo TS.Chu Mạnh Trinh, chuyên gia sinh học môi trường (công tác tại Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm), rác thải ở Hội An được phân thành 3 nhóm riêng biệt, bao gồm rác thải dễ phân hủy, rác thải khó phân hủy và rác thải tái chế. Rác thải tái chế sẽ được chuyển đến các cơ sở thu mua phế liệu. Rác thải dễ phân hủy sẽ được chuyển đến nhà máy làm phân compost, hoặc các nơi làm compost hộ gia đình. Rác thải khó phân hủy sẽ được chuyển đến bãi rác Cẩm Hà. “Hội An là thành phố sinh thái nên quản lý rác thải là rất quan trọng và đòi hỏi toàn xã hội vào cuộc chứ không riêng cơ quan, đoàn thể, chính quyền nào” - TS. Trinh cho hay.
Tại xã Cẩm Hà, 2 năm qua người dân tiến hành ủ các loại rác dễ phân hủy (gồm rác thải nhà bếp, lá cây thành phân compost ngay tại nhà); đồng thời những loại rác tái chế như chai nhựa, dép nhựa, ủng nhựa, nhôm, sắt, chì, đồng... thì bán cho những người thu mua ve chai. Chỉ còn lại các loại rác khó phân hủy như túi nylon, vỏ bao mì tôm, bao thuốc lá mới chuyển lên xe rác. Đến nay, tại 7 thôn thuộc xã Cẩm Hà, đã mở 8 lớp hướng dẫn phân loại rác tại nguồn cho cán bộ quân dân chính và người dân địa phương. Còn ở phường Cẩm Phô, rác thải sinh hoạt chủ yếu được thu gom hoàn toàn, chứ không thể xử lý thành phân compost như xã Cẩm Hà. Điểm sáng là mới đây Hội An triển khai tiếp dự án xử lý rác thải nhà bếp dễ phân hủy thành phân compost cho các hộ dân có vườn rộng. Đến nay, có 430 hộ dân tham gia thí điểm làm phân compost bón cây trong vườn nhà. Theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN-MT), xử lý rác thải làm phân compost là mô hình thông minh, hoàn toàn nhân rộng trên địa bàn thành phố bởi đạt được mục đích kép vừa đảm bảo môi trường sinh thái xanh - sạch - đẹp, vừa phục vụ cho sản xuất trồng trọt. Theo TS.Chu Mạnh Trinh, nếu chỉ dựa vào lực lượng chính quyền, sẽ không bao giờ kiểm soát được ô nhiễm rác thải, mà việc áp dụng phương pháp đồng quản lý từ người dân, doanh nghiệp đến cơ quản lý nhà nước mới có thể đảm bảo khả năng kiểm soát tốt môi trường.
H.PHÚC - M.TRINH