Cộng đồng ứng phó thiên tai

QUỐC TUẤN 24/01/2018 14:11

Trước diễn biến ngày càng khó lường của thiên tai, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thì ứng xử của cộng đồng cũng là tác nhân quan trọng giúp giảm thiểu rủi ro, thiệt hại có thể xảy đến.

Người dân không nên chủ quan và cần chủ động ứng phó với thiên tai để hạn chế thấp nhất rủi ro xảy đến. Ảnh: Q.T
Người dân không nên chủ quan và cần chủ động ứng phó với thiên tai để hạn chế thấp nhất rủi ro xảy đến. Ảnh: Q.T

Dễ bị tổn thương

Theo đánh giá của tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam, người dân sinh sống ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn là một trong những cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương nhất với lũ lụt và hạn hán hiện nay trên địa bàn Quảng Nam. Do ảnh hưởng trực tiếp của quá trình biến đổi khí hậu, nắng hạn, mưa lũ kéo dài làm dòng chảy tự nhiên thay đổi theo chiều hướng bất lợi, tăng khả năng đe dọa lũ mùa mưa, thiếu nước và xâm nhập mặn vào mùa khô. Phần lớn lượng phù sa và bùn cát do dòng chảy đưa về hạ du và vùng bờ cũng bị thay đổi làm mất cân bằng động lực dòng sông, dòng hải văn ven bờ là một trong những nguyên nhân chính làm gia tăng quá trình sạt lở bờ sông và xâm thực biển những năm gần đây. Bà Hà Thị Kim Liên - cán bộ giám sát đánh giá của CARE cho biết, lũ lụt tại hệ thống sông Vu Gia - Thu Bồn đang thay đổi cả về thời gian và tần suất. Trước đây lũ đến chậm rút nhanh và theo mùa nhưng hiện nay xuất hiện nhiều trận lũ nằm ngoài quy luật khiến người dân khốn đốn.

Những trận lụt lớn liên tiếp diễn ra trong những năm gần đây khiến cộng đồng dân cư sinh sống ven lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn gặp thiệt hại nặng. Với việc thay đổi dòng chảy trên sông Vu Gia, từ năm 1989 đến 2017 tại xã Đại Hồng, đã có khoảng 65ha đất sản xuất và thổ cư bị sạt lở, 150ha đất sản xuất bị bồi cát (thống kê của xã Đại Hồng) trong đó tốc độ thiệt hại từ năm 2010 trở lại đây nhanh hơn nhiều lần. Năng suất canh tác các loại cây lương thực trên địa bàn xã cũng thay đổi khi ở giai đoạn 2010 trở về trước năng suất lúa đạt 60 tạ/ha, bắp đạt 80 tạ/ha, đậu phụng 30 tạ/ha thì nay giảm xuống còn lúa 50 tạ/ha, bắp 60 tạ/ha và đậu phụng 20 tạ/ha.

Về cuối hạ du, xã Cẩm Kim (Hội An) là địa phương chịu ảnh hưởng đầu tiên và cũng là nặng nhất mỗi khi xảy ra lũ lụt. Không chỉ ảnh hưởng bởi lũ lụt, theo khảo sát của CARE, có 25ha trồng lúa và 50% diện tích trồng hoa màu sử dụng nước hồ phải bỏ hoang không sản xuất được vì thiếu nước vào mùa khô. Bà Trần Thị Quý (trú Cẩm Kim) vốn có nguồn thu nhập chính từ làm chiếu và canh tác ruộng, hiện nay do đất bị lũ lụt bồi lấp nên không thể trồng lác như trước mà phải đi mua nên thu nhập càng eo hẹp.

Cần chủ động ứng phó

Ông Lê Viết Xê - Phó Giám đốc Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ, cho hay: “Hiện nay đơn vị đang ngày càng cải thiện khả năng dự báo để cố gắng đưa ra thông tin về thiên tai chính xác và kịp thời nhất đến người dân. Tuy nhiên, việc xây dựng bản đồ ngập lụt chi tiết đến từng khu vực nhỏ là nằm ngoài khả năng”. Vì vậy, ngoài giải pháp triển khai quản lý, phòng chống của cơ quan chức năng thì sự linh hoạt và cẩn trọng của cộng đồng trong bối cảnh diễn biến thời tiết ngày càng phức tạp có ý nghĩa tiên quyết trong việc đảm bảo tính mạng và tài sản của cộng đồng. Ông Phan Minh Dũng - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết: “Trong đợt lụt cuối năm 2017 vừa qua, ở Điện Bàn vẫn còn tình trạng nước lũ dâng cao thì không sao nhưng khi lũ rút lại có trường hợp thiệt mạng”. Điều này cho thấy một bộ phận dân cư vẫn còn xem nhẹ chính sự an toàn của mình trong khi việc tuyên truyền, cảnh báo các mối nguy hiểm do thiên tai gây ra luôn được thực hiện sát sao.


Hiện nay, khi về các xã vùng Gò Nổi (Điện Bàn) có thể nhận thấy người dân đã chủ động bảo vệ cho gia súc trong mùa lũ khi xây chuồng trại có nền cao hơn bình thường vài mét rất kiên cố. Trong số này, có các hộ dân đã ưu tiên xây chuồng trại cho gia súc trước khi chỉnh trang lại nhà mình bởi nuôi gia súc cũng là sinh kế chính của cả gia đình. Những năm gần đây, nông dân ở trên địa bàn tỉnh, trong đó có cộng đồng dân cư ven lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cũng đã chủ động chuyển đổi hơn 5.500ha lúa bấp bênh nước tưới hoặc chủ động nước tưới nhưng giá trị kinh tế thấp sang các cây trồng cạn, ngắn hạn thích nghi tốt hơn với thời tiết khô hạn kéo dài gắn với việc chủ động áp dụng tưới nước tiết kiệm. Những khóa tập huấn sơ cứu, diễn tập phòng chống thiên tai cũng liên tục được tổ chức trong thời gian gần đây đến cấp xã. Đặc biệt, ở các vùng dễ chịu tổn thương nhất do thiên tai gây ra ven lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn cũng được mong đợi sẽ nâng cao hơn nữa tinh thần chủ động ứng phó của cộng đồng địa phương.

QUỐC TUẤN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cộng đồng ứng phó thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO