Cộng đồng ứng phó thiên tai

HOÀNG LIÊN 17/10/2017 09:34

Mùa mưa bão năm 2017 đến gần, trước diễn biến bất thường của thời tiết, đặc biệt là ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và bão trên Biển Đông với tần suất dày đặc, công tác chuẩn bị, sẵn sàng ứng phó với bão lũ, thiên tai được chính quyền và nhân dân huyện Đại Lộc chú trọng.

Các đợt diễn tập phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại nhiều địa phương ở Đại Lộc thu hút sự tham gia của cộng đồng. Ảnh: X.TRINH
Các đợt diễn tập phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn tại nhiều địa phương ở Đại Lộc thu hút sự tham gia của cộng đồng. Ảnh: X.TRINH

Chủ động ứng phó

Đại Lộc là một trong những vùng thường chịu ảnh hưởng thiên tai, tác động không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt và sản xuất của người dân. Gần đây nhất, vào cuối tháng 12.2016, trên địa bàn xảy ra mưa to, trong khi đó thủy điện xả lũ khiến Đại Lộc hứng chịu hậu quả nặng nề. Trong đó mưa lũ đã làm 3 người chết, bị thương 28 người, sản xuất nông nghiệp thiệt hại hàng trăm tỷ đồng. Chưa kể, thiệt hại về tài sản, nhà cửa, đường giao thông, công trình thủy lợi; rồi hàng nghìn mét vuông diện tích đất thổ cư, đất sản xuất bị sạt lở, xói mòn, bồi lấp; một số khu dân cư trên địa bàn bị sạt lở, ảnh hưởng đến dân sinh…

Mùa mưa bão năm 2017 này, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, trong chỉ đạo ứng phó, địa phương kết hợp hai nội dung phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn và ứng phó với biến đổi khí hậu. Phương châm “4 tại chỗ” được kiện toàn từ huyện tới xã, thôn, từng khu dân cư. Các vùng trọng điểm lũ như Đại Cường, Đại Phong, Đại Minh, Đại Thạnh… đã triển khai diễn tập phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn thu hút đông đảo người dân tham gia. Thời điểm này, các địa phương, đơn vị đã chuẩn bị đầy đủ phương tiện ghe, ca nô, phao cứu sinh nhằm chủ động trong ứng cứu, di dời dân, tìm kiếm người bị nạn. Công tác dự phòng lương thực, nước sạch, thuốc men, thuốc xử lý môi trường sau lũ cũng đã sẵn sàng. Thời gian qua, lãnh đạo huyện đã triển khai các đoàn công tác đi thị sát ở vùng xung yếu, sạt lở ven sông; kiểm tra nguồn nước, cống áp lực, công tác chuẩn bị ứng phó của các đơn vị chủ hồ chứa. Đối với những địa phương thường xảy ra lũ quét khi có mưa to như Đại Sơn, Đại Hồng, Đại Lãnh, huyện chỉ đạo xây dựng phương án phòng chống thiên tai thật cụ thể cho các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ, diễn tập kỹ năng di dời khẩn cấp khi có cảnh báo mưa lũ diễn biến phức tạp. Các chủ hồ chứa đã xây dựng trình huyện, tỉnh phê duyệt phương án phòng chống lụt bão, chuẩn bị vật tư, lương thực dự phòng; một số hồ chứa lớn đã tổ chức diễn tập ứng cứu công trình nhằm nâng cao kỹ năng ứng phó trong mọi tình huống. Tại các khu vực ngập sâu, chảy xiết của huyện như đoạn đường trước Công ty Thương mại Đại Lộc, đoạn đường cầu Chính Cửu thị trấn Ái Nghĩa - Đại Hiệp, từ thôn Quảng Đại 1 (xã Đại Cường) đến cầu Quảng Huế, hay những đoạn cầu, cống thấp trên các tuyến giao thông đều bố trí lực lượng chốt chặn, cắm biển cảnh báo. Huyện cương quyết di dời những hộ dân đang ở ven sông, suối, ven sườn đồi núi có nguy cơ bị sạt lở đất đá đến nơi ở mới an toàn trước mùa mưa lũ.

Ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, đáng lo hiện nay là một số vùng trọng điểm của Đại Lộc nằm sát sông Vu Gia - Thu Bồn bị sạt lở nghiêm trọng. Nhiều năm qua, từ các nguồn lực, đã có 4km bờ sông Vu Gia được kè kiên cố với kinh phí 100 tỷ đồng, còn khoảng 8km ven sông khác bị sạt lở chưa được kè, huyện đang chờ nguồn hỗ trợ từ trung ương, tỉnh để tiếp tục kè giữ đất, giữ làng, tạo điều kiện cho người dân yên tâm sinh sống, sản xuất. Đã có hơn 350 hộ dân thuộc vùng ngập sâu, sạt lở nặng được di dời vào các khu tái định cư. Toàn huyện cũng đã triển khai xây dựng hơn 400 nhà tránh lũ từ nguồn Quyết định 48 của Chính phủ và dự án xây nhà tránh lũ cho cộng đồng. Một số công trình hồ đập trên địa bàn huyện đã và đang được sửa chữa, nâng cấp từ nguồn WB5, WB7, WB8…

Cộng đồng tham gia

Theo ông Trần Văn Mai, qua nhiều năm, kinh nghiệm rút ra trong công tác phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn trước hết là phải nâng cao nhận thức của cộng đồng. Khi cộng đồng ý thức, tham gia tích cực, có trách nhiệm với chính bản thân, gia đình mình, sẽ phòng tránh được thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra. Để phát huy tính chủ động ứng phó trong cộng đồng, đòi hỏi cấp ủy, chính quyền, tổ chức mặt trận - đoàn thể các cấp phải thường xuyên thực hiện khâu truyền thông cộng đồng, lấy địa bàn thôn xóm làm cơ sở ứng phó thiên tai.

Tính đến tháng 6.2017, tại 6 xã Đại Cường, Đại Minh, Đại Tân, Đại Phong, Đại Chánh, Đại Thạnh được hỗ trợ từ dự án “Quản lý thiên tai” (WB5) giai đoạn 2, hợp phần 3 đã triển khai nhiều lớp tập huấn quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho đối tượng cán bộ chủ chốt xã, thôn; ngay ở 13 trường tiểu học và THCS trên địa bàn các xã này cũng được tổ chức tập huấn. Trong năm, 6 xã vùng dự án đăng ký diễn tập phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn, qua đó tổ chức các hoạt động truyền thông dưới dạng thi tìm hiểu kiến thức, hội thi rung chuông vàng về chủ đề phòng chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn trong cộng đồng, trường học. Các xã thuộc vùng dự án còn được hỗ trợ mua sắm thiết bị văn phòng như máy fax, máy chiếu, máy tính xách tay, tủ đựng hồ sơ, máy photocopy… trên cơ sở nhu cầu bức thiết của các địa phương vùng dự án (mức hỗ trợ 6.000USD/xã). Ngoài ra, 6 xã trên còn được hỗ trợ trang thiết bị phục vụ hoạt động cứu hộ cứu nạn như mua sắm thuyền máy, áo phao, máy phát điện, loa xách tay, radio, mũ bảo hộ lao động (mức 9.000USD/xã) với tổng kinh phí hơn 1,1 tỷ đồng. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ xây dựng một số hạng mục công trình ứng phó với thiên tai cho cộng đồng, như nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai tại Đại Chánh, Đại Thạnh, Đại Tân; đường cứu hộ cứu nạn dài khoảng 1km tại Đại Phong, Đại Minh, Đại Cường với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Các công trình nay đã giao thầu và đang triển khai thi công, dự kiến trong 10.2017 thi công hoàn thành 3 tuyến đường cứu hộ cứu nạn; đến tháng 1.2018 hoàn thành 3 nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai…

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cộng đồng ứng phó thiên tai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO