Cõng hàng xuống chợ

THIÊN NGA 31/10/2013 12:37

Mỗi lần lên vùng núi cao Nam Trà My, tôi lại bắt gặp hình ảnh bà con đồng bào “cõng” hàng hóa xuống chợ. Dù những tuyến đường giao thông đã được mở lên tận thôn, thói quen đi bộ với họ vẫn không thể bỏ.
Sáng sớm, khi bản làng còn chìm trong sương núi, đi dọc đường các xã Trà Tập, Trà Mai, Trà Don sẽ bắt gặp hình ảnh các mẹ, các chị cõng những gùi đầy chuối, rau cuốc bộ xuống huyện. Khi hàng đem đổi nhiều, một số người có xe chở, nhưng đi bộ vẫn chủ yếu. Chị Hồ Thị Tính (45 tuổi) nhà ở tận thôn 4 (Trà Don) đi bộ gần 3 tiếng đồng hồ thì tới huyện. Hầu như tuần nào chị cũng cõng hàng, lúc thì vài ba con gà, con dúi, lúc mớ rau lủi, bí đỏ, bắp, rau rừng… Chị bảo: “Những năm trước đây tôi ít khi đi chợ, mà có đi thì cũng đi không, xuống mua muối rồi về; năm nay do đường sá thuận lợi, thấy bà con xung quanh cũng hay trồng chuối, nuôi gà rồi đem xuống chợ bán nên mình cũng làm theo, bán xong lấy tiền mua muối, mắm, thịt… còn để lại một ít tiền phòng lúc ốm đau”.

Cõng hàng xuống chợ. Ảnh: T.N
Cõng hàng xuống chợ. Ảnh: T.N

Còn ông Hồ Văn Thảo (thôn 2, Trà Mai) chở một xe chuối Đồng Nai xuống bán cho tiểu thương tại chợ: “Tôi nhờ giống chuối này lắm đấy, cây chuối đã giúp tôi có cái ăn hằng ngày”. Cứ mỗi tuần, ông lại bán 3 - 4 buồng chuối, được hơn 200 nghìn đồng. Thường giá một nải chuối 5.000 đồng, nếu nải đẹp thì giá cao. Ông Nguyễn Thanh Út - Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Mai cho biết: “Gần đây, bà con hay đem sản phẩm cây nhà lá vườn của mình ra bán, họ bắt đầu nuôi gà, trồng cây nông sản nhiều hơn. Cả xã hiện có hơn 50.000 cây chuối. Đầu năm 2013 xã đã cấp phát cho người dân 15.000 cây giống để bà con trồng. Tuy cuộc sống bà con còn chật vật, nhưng nhờ trao đổi buôn bán nên cũng ổn định hơn”. Không chỉ bán sỉ cho thương lái, đồng bào người Xê đăng, Ca Dong, Co ở Nam Trà My còn cõng rau sạch đi bán dạo, đổi gạo cho người quen. Cứ tầm 4 giờ sáng họ đã cõng rau tới từng nhà để bán. Gùi rau của các mẹ, các chị có đủ loại, từ rau trồng trên rẫy tới rau mọc tự nhiên trên rừng. Chị Hồ Thị Liên (thôn 1, Trà Tân) cõng gùi rau phía sau lưng nói: “Nhà mình ở cách xa chợ lắm, đi từ khi 5 giờ sáng; sáng nào cũng đi bộ tới đây để bán rau cho từng nhà, cho các khu tập thể của cán bộ. Mọi người ở đây rất thích mua rau của mình vì họ bảo rau sạch. Bán kiếm tiền mua cá khô ăn mùa mưa”.

Hàng hóa nhiều nhất là măng rừng. Măng bán sỉ với giá 5.000 đồng/kg, bán dạo thì chừng 8.000 - 10.000 đồng.  Em Hồ Thị Ê (thôn 2, xã Trà Tân) nói: “Em chỉ đi bộ thôi vì quen rồi, em không biết đi xe máy đâu, với lại mấy người đi xe máy tốn xăng lắm. Mỗi ngày em bán được khoảng 20.000 - 40.000 đồng thôi, còn nếu nhiều thì được 70.000 - 100.000 đồng, hầu như ngày nào cũng bán hết, bán không hết thì đem về ăn”.

Theo ông Trịnh Minh Hải - Phó phòng Nông nghiệp huyện Nam Trà My, ngoài những loại cây trồng đặc trưng của vùng, huyện khuyến khích đồng bào trồng cây nông sản ngắn ngày theo hướng hàng hóa. Dần dà thói quen tự cung tự cấp của đồng bào vùng cao đã thay đổi.

THIÊN NGA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cõng hàng xuống chợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO