Cộng hòa Síp thoát nguy cơ vỡ nợ

Quốc Hưng (tổng hợp) 26/03/2013 08:26

Rạng sáng hôm qua 25.3 (theo giờ Việt Nam), một thỏa thuận cứu trợ trị giá 10 tỷ euro đã được dành cho Cộng hòa (CH) Síp để giúp hệ thống ngân hàng nước này không bị sụp đổ.

Thỏa thuận trên đạt được sau 12 giờ đàm phán giữa Tổng thống CH Síp - Nicos Anastasiades và các chủ nợ bao gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF). Thỏa thuận này đồng nghĩa với việc ngân hàng lớn thứ hai ở Síp, hay còn gọi Ngân hàng Nhân dân Laiki sẽ bị giải thể. Đồng thời, Ngân hàng Síp - ngân hàng số một hiện nắm giữ 1/3 lượng tiền gửi ở quốc đảo này và gần như toàn bộ lượng tiền gửi của Nga - sẽ tiếp quản từ Laiki các khoản tiền gửi dưới 100 nghìn euro, theo luật đảm bảo tiền gửi của EU, để trở thành “ngân hàng tốt”. Tuy nhiên, Ngân hàng Síp sẽ phải áp dụng chính sách cắt giảm, thực chất là cưỡng bức xóa nợ một phần, đối với mọi khoản tiền gửi trên 100 nghìn euro, vốn không được đảm bảo theo luật pháp EU. Bên cạnh đó,  khách hàng của Ngân hàng Síp sẽ bị đánh thuế cao, tức toàn bộ các chủ tài khoản trên 100 nghìn euro sẽ chịu ảnh hưởng bởi thỏa thuận này, trong khi những khoản tiền gửi thấp hơn mức trần bảo vệ 100 nghìn euro như quy định của EU đều sẽ được đảm bảo.

 Nhà lãnh đạo Síp và các chủ nợ đã đạt được thỏa thuận mới giải cứu nguy cơ sụp đổ nền kinh tế Síp.
Nhà lãnh đạo Síp và các chủ nợ đã đạt được thỏa thuận mới giải cứu nguy cơ sụp đổ nền kinh tế Síp.

Theo các nhà phân tích, thỏa thuận mới bao hàm “một cách tiếp cận quyết liệt nhằm giải quyết tình trạng mất cân bằng của khu vực tài chính” tại Síp và “cắt giảm một cách thích hợp quy mô của khu vực này”. Theo đó, khu vực ngân hàng của đảo quốc Địa Trung Hải này sẽ đạt tới mức trung bình tại EU vào năm 2018.

Phát biểu sau khi kết thúc cuộc thỏa thuận, Tổng thống CH Síp - Nicos Anastasiades tỏ ý hài lòng với kết quả này và cho biết các bên đã đạt đến nỗ lực tột đỉnh. Ông Nicos Anastasiades nói: “Đây là việc tốt nhất với người dân Síp và EU”. Trong khi đó, Chủ tịch Eurogroup, nhóm cố vấn gồm các bộ trưởng tài chính 17 nước thành viên Eurozone - ông Jeroen Dijsselbloem cho biết, các bộ trưởng tài chính Eurozone đã thông qua kế hoạch cứu trợ mới cho CH Síp, đồng thời tỏ ý hoan nghênh các biện pháp nhằm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng ở quốc đảo này. Còn Giám đốc IMF - Christine Lagarde cho rằng thỏa thuận là một kế hoạch toàn diện và đáng tin cậy để giải quyết các vấn đề cốt lõi của hệ thống ngân hàng.

Cũng cần nói thêm, một trong những yêu cầu then chốt trong thỏa thuận này do IMF đặt ra là không cần sự phê chuẩn của Quốc hội Síp. Bởi trước đó, các cuộc đàm phán về cứu trợ vỡ nợ giúp Síp huy động gần 7 tỷ euro để nhận được gói cứu trợ 10 tỷ euro, đã được EU và IMF nhất trí cách đây gần 10 ngày, song lại bị Quốc hội Síp bác bỏ. Trong khi tiền cứu trợ dành cho CH Síp chỉ bằng một phần nhỏ so với tiền cứu trợ dành cho Hy Lạp, song khủng hoảng ở Síp sẽ tác động mạnh đến các nền kinh tế gặp khó khăn khác trong EU như Hy Lạp và Ý. Trước đó, ECB cũng đã tuyên bố sẽ ngừng “bơm” tiền cho các quỹ hỗ trợ thanh toán khẩn cấp nếu Síp không ký thỏa thuận cứu trợ vỡ nợ với EU và IMF vào ngày 25.3 - thời hạn chốt để giải cứu Síp. Quyết định này của ECB dĩ nhiên kéo theo sự vỡ nợ ở các ngân hàng và sự sụp đổ của nền kinh tế Síp.

Trong một diễn biến khác, Ngân hàng Síp tiếp tục giới hạn mức rút tiền tại các máy ATM là không quá 120 euro một ngày. Như vậy tính đến nay, CH Síp là thành viên thứ 5 của eurozone cần được giải cứu để tránh cho các nền kinh tế của khu vực bị sụp đổ, nguy cơ rút khỏi eurozone và tác động lên cả khu vực…

Quốc Hưng (tổng hợp)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cộng hòa Síp thoát nguy cơ vỡ nợ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO