Công khai bản kê khai tài sản của người ứng cử vào Quốc hội khóa XIV

(Theo mattran.org.vn) 12/03/2016 13:46

  • Danh sách đơn vị bầu cử đại biểu HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021
  • Đẩy mạnh thông tin tuyên truyền về bầu cử
  • Công tác chuẩn bị bầu cử HĐND các cấp ở Tiên Phước: Sâu sát cơ sở
  • Tập huấn nghiệp vụ công tác bầu cử ĐBQH, HĐND tỉnh
  • BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XIV VÀ HĐND TỈNH NHIỆM KỲ 2016 - 2021

(QNO) - Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn, việc công khai bản kê khai tài sản của người ứng cử là việc làm bắt buộc đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân theo Khoản 2 Điều 46a của Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn.

Về vấn đề kê khai tài sản với những người được giới thiệu ứng cử vào Quốc hội khóa XIV, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn đã trả lời phóng viên các vấn đề có liên quan.

Phóng viên: Người được giới thiệu ứng cử vào Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 phải kê khai tài sản. Đây là một trong những điều kiện quan trọng nhằm “sàng lọc” nguy cơ lợi dụng vị trí dân cử để trục lợi, tham nhũng thưa ông?

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn: Theo quy định của pháp luật, người được giới thiệu ứng cử vào Quốc hội khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 bắt buộc phải kê khai tài sản. Việc kê khai tài sản là nhằm minh bạch tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử,  góp phần để các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và nhân dân xem xét, đánh giá một cách khách quan, toàn diện về người đó và là cơ sở phục vụ công tác quản lý, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn hành vi tham nhũng.

Vậy thưa ông, làm thế nào để bản kê khai tài sản phát huy hiệu quả, không hình thức?

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn: Hiện nay đã có nhiều quy định khá toàn diện, cụ thể của Đảng, Nhà nước về việc kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Vì vậy, để việc kê khai tài sản này thực sự phát huy hiệu quả, theo tôi, trước hết cần nâng cao ý thức trách nhiệm của các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc thực hiện các quy định này. Từ người có trách nhiệm phải kê khai cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan đều phải nghiêm túc thực hiện đúng những quy định về nghĩa vụ và trách nhiệm của mình. Việc kê khai phải chính xác; việc xử lý đối với những dấu hiệu vi phạm phải kịp thời, nghiêm minh. Đây là việc đòi hỏi rất nhiều yếu tố trung thực, trách nhiệm của người kê khai. Đồng thời, cần tăng cường kiểm tra, xác minh kết quả kê khai, coi việc kiểm tra, xác minh là việc làm bình thường và thường xuyên. Bên cạnh đó, cần khuyến khích, đề cao và phát huy vai trò “tai, mắt” của quần chúng nhân dân trong việc giám sát cán bộ, đảng viên, công chức, nhất là ở khu dân cư. Có như vậy mới phát huy được hiệu quả, tránh hình thức.

Theo đó, cần công khai bản kê khai tài sản của người ứng cử, vừa để làm gương, vừa để cử tri giám sát thưa ông?

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn: Khoản 2 Điều 46a của Luật Phòng chống tham nhũng đã quy định: “Bản kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phải được công khai tại hội nghị cử tri nơi công tác của người đó. Thời điểm, hình thức công khai được thực hiện theo quy định của Hội đồng bầu cử”. Như vậy, việc công khai bản kê khai tài sản của người ứng cử là việc làm bắt buộc đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân.

Theo ông, Hội đồng bầu cử Quốc gia có cần thiết phải thành lập nhóm công tác liên ngành để kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản dựa trên văn bản hướng dẫn chung của Ủy ban thường vụ Quốc hội để bảo đảm tính thống nhất và tuân thủ pháp luật của việc kê khai tài sản ngay trong cuộc bầu cử này?

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn: Như tôi đã nói, việc kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản đối với cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và đại biểu dân cử là một việc quan trọng, cần thiết và là công việc bình thường và thường xuyên. Do vậy, không chỉ đến thời điểm này chúng ta mới cần làm mà đã phải tiến hành thường xuyên trước đó.

Hiện nay, Hội đồng bầu cử Quốc gia và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã có dự kiến tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp. Tôi cho rằng, tùy theo yêu cầu của tình hình thực tế và căn cứ theo quy định của pháp luật, các đoàn giám sát có thể kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

(Theo mattran.org.vn)

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công khai bản kê khai tài sản của người ứng cử vào Quốc hội khóa XIV
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO