Nếu không có sự cộng lực của chính quyền, cơ quan quản lý và doanh nghiệp thì sức ép vẫn tiếp tục gia tăng lên ngành thuế trong việc tìm kiếm dư địa tăng thu. Đây là những nội dung chủ yếu trong cuộc trao đổi giữa của phóng viên Báo Quảng Nam và ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế.
Tăng thu ngân sách trước hết là dựa vào khả năng phát triển sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trong ảnh: Một doanh nghiệp chế biến dăm gỗ ở Chu Lai. Ảnh: M.Đ |
- P.V: Thưa ông, tình hình hụt thu hiện tại có đáng lo không?
Ông Ngô Bốn: Số thu từ Trường Hải chiếm hơn 60% nhưng đã hụt đến 30% là chuyện đáng lo. Dù đã tích cực tìm các nguồn tăng thu khác, nhưng không thể bù đắp. Đây là “cú sốc” của thời điểm bước ngoặt hội nhập 2017 - 2018. Sốc này là sốc về tâm lý người tiêu dùng, thị trường, chứ không phải sốc từ sản xuất. Thực ra sự bất lợi này cũng có phần từ truyền thông, khi hàng trăm bài báo nói về chuyện ô tô, nhất là việc nói nhập khẩu ồ ạt xe ô tô giá rẻ. Nhưng thực tế không phải vậy. Những thông tin gây nhiễu, tạo sự hoài nghi, sự chờ đợi dẫn đến rối loạn thị trường khiến tháng 4.2017 việc tiêu thụ ô tô của Trường Hải sụt giảm, bất lợi cho sản xuất.
- P.V: Dư địa tăng thu thuế có còn không và dựa vào đâu?
Ông Ngô Bốn: Tiền đất, kể cả thuê đất sử dụng 1 lần cũng là “tiền tươi, thóc thật”, nhưng lâu nay chỉ dùng để đầu tư nên không bàn tới. Chỉ nói về chuyện thu thuế. Dư địa tăng thu vẫn còn. Cơ quan thuế đã rất nỗ lực, quyết tâm cao trong việc đòi nợ thuế, tăng cường chống thất thu qua thanh tra, kiểm tra. Có khá nhiều doanh nghiệp trong diện thanh kiểm tra và có kết luận truy thu đến tận 5 năm. Vài năm gần đây mới nhận diện rõ chuyện nhiều sở, ban, ngành chỉ nghĩ đến việc trải thảm đỏ, cung cấp hạ tầng, môi trường đầu tư thu hút doanh nghiệp đến sản xuất, kinh doanh, nhưng lại mang thuế về nơi khác nộp là phổ biến. Thậm chí cả doanh nghiệp nhà nước như Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam lấy than Nông Sơn bán lại cho điện Nông Sơn lãi mỗi năm 40 tỷ đồng mà thuế thì đem về Hà Nội đóng. Cơ quan thuế đã giải quyết xong chuyện của 2016 - 2017 và đang truy thu khoảng 30 tỷ đồng nữa mà họ đang khiếu nại, cầu cứu vì đã quyết toán xong. Hay như thủy điện Đắc Mi 4 đã được bán với thuế thu nhập doanh nghiệp đến hơn 28,8 tỷ đồng mang về nộp tại TP.Hồ Chí Minh. Còn rất nhiều khoảng trống về đầu tư, kinh doanh khoáng sản...
- P.V: Tại sao câu chuyện này đã được bàn tới nhiều năm nhưng vẫn không thể giải quyết?
Ông Ngô Bốn: Chuyện này đã được nói nhiều năm nhưng Quảng Nam không để ý, không nhận diện ra chứ không phải bây giờ mới có. Ngay từ những ngày đầu thu hút đầu tư, quên rằng phải làm thế nào để quản lý thuế và kiểm soát đầy đủ. Tài nguyên khoáng sản mất đi. Doanh nghiệp cứ đào bới mà không có một tổ chức nào ghi chép cụ thể, nên không thể biết được giữa thực tế và sổ sách vì làm ăn trên đất Quảng Nam nhưng lại xuất hóa đơn nơi khác… Pháp luật thuế không cho phép cơ quan thuế ở đây đi kiểm tra cơ quan thuế ngoài tỉnh nên mình thất thế, thua cuộc. Còn các ngành, cơ quan khác thì cứ thế cấp giấy phép khai thác mỏ cho doanh nghiệp ngoại tỉnh.
Nếu doanh nghiệp phát triển trên địa bàn Quảng Nam thì tôi đảm bảo ngành thuế sẽ thu đầy đủ thuế. Nhưng tại vì giao tài nguyên, dự án cho họ nhưng họ không phát triển doanh nghiệp tại đây thì đó là một hình thức lách. Chúng tôi đã nhận diện được những đơn vị khai thác tài nguyên, thậm chí khai thác mỏ ở Đại Lộc nhưng văn phòng đặt tại Duy Xuyên. Chi cục Thuế Duy Xuyên không thể biết doanh nghiệp này đào bới bao nhiêu tài nguyên ở Đại Lộc. Đó là việc khó!
- P.V:Dự báo khả năng tăng thu có đạt kế hoạch không, thưa ông?
Ông Ngô Bốn: Chắc chắn không. Trường Hải đã giảm và còn khả năng có thể giảm nữa. Tất cả chỉ là dự báo. Còn câu trả lời con số chính thức thì phải chờ vào lực đẩy của thị trường. Nhưng điều đó mình không thể biết được. Cơ quan thuế đang tìm mọi cách để tăng thu thuế bằng việc khai thác triệt để các nguồn thu, không bỏ sót nguồn thu, chống thất thu, gian lận thuế và thu hồi nợ đọng. Còn chuyện hụt thu thuế từ Trường Hải thì Quảng Nam đã lường tính trước, nêu kiến nghị với trung ương, nhưng đã không được chấp thuận. Vì vậy, chuyện giảm của Trường Hải cũng là chuyện khách quan. Còn các mảng quản lý thuế khác thì vẫn bình thường. Nếu trừ đất, trừ ô tô, 6 tháng đầu năm thu thuế của Quảng Nam vẫn tăng trưởng đến 39,4%. Đó là con số ấn tượng khi cả nước chỉ tăng 10,5%.
- P.V:Ông có thể cho biết biện pháp gì để kích thích động lực tăng trưởng từ doanh nghiệp?
Ông Ngô Bốn: Kết quả tăng thu nhiều năm qua là nhờ doanh nghiệp luôn nỗ lực vượt khó khăn, duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, sản phẩm, mở rộng thị trường, tăng năng lực cạnh tranh, thị phần tiêu thụ sản phẩm và tăng mức thuế đóng góp cho ngân sách. Tăng thu, trước hết và quan trọng nhất vẫn là dựa vào việc tăng quy mô đầu tư, tái sản xuất, mở rộng đầu tư cơ sở sản xuất kinh doanh mới và kết quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Song, không phải tất cả doanh nghiệp đều thành công. Có không ít doanh nghiệp thua lỗ, nợ thuế, thậm chí còn bị phạt nữa thì doanh nghiệp nộp thuế tốt xứng đáng được tuyên dương. Số đông doanh nghiệp cần sự khẳng định, ghi nhận của Nhà nước về việc tăng trưởng cao và chấp hành tốt chính sách pháp luật thuế. Đó là danh dự, là uy tín của doanh nghiệp, doanh nhân. Sự ghi nhận này sẽ như là lời động viên, khích lệ họ góp phần tăng thu, đặc biệt là góp phần tạo ra bầu không khí chung về sự tuân thủ pháp luật thuế và thi đua sản xuất, kinh doanh, đóng góp nghĩa vụ thuế cho nhà nước ngày càng nhiều hơn.
TRỊNH DŨNG (thực hiện)