Công lý và tình người: Lan tỏa ý thức thượng tôn pháp luật

NGUYỄN MẠNH 06/11/2022 06:09

Bám sát chuyển động của đời sống, đi sâu vào những vấn đề được dư luận quan tâm, linh hoạt trong cách làm để phù hợp văn hóa mỗi vùng… là những dấu ấn trong công tác tuyên truyền pháp luật trên địa bàn tỉnh thời gian qua.

Ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát giao thông tổ chức nhiều buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh.Ảnh: T.C
Ngành giáo dục phối hợp chặt chẽ với Cảnh sát giao thông tổ chức nhiều buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh. Ảnh: T.C

Phù hợp thực tiễn

Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) năm 2012 quy định công dân có “quyền được thông tin về pháp luật và trách nhiệm tìm hiểu, học tập pháp luật”. Thực hiện quy định, tất cả ngành, lĩnh vực đã cố gắng đưa kiến thức pháp luật đến với mọi người bằng những hình thức phù hợp.

Trên lĩnh vực giáo dục, ông Nguyễn Hoàng Nam - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT thông tin, đề án tuyên truyền giáo dục phổ biến pháp luật được ngành cụ thể hóa, xây dựng kế hoạch và ban hành hàng loạt văn bản chỉ đạo thực hiện.

“Ngành đã phát động cuộc thi tìm hiểu pháp luật trên internet, tổ chức cuộc thi hùng biện, kể chuyện pháp luật cho học sinh phổ thông, thực hiện tốt công tác tuyên truyền giáo dục đạo đức pháp luật cho học sinh, lồng ghép giảng dạy cho học sinh trong bộ môn giáo dục công dân liên quan các kiến thức pháp luật.

Hoạt động duy trì thường xuyên nhất là phối hợp với Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt tuyên truyền kiến thức về Luật An toàn giao thông trong các trường học. Thời gian tới, sở sẽ phối hợp với Sở Tư pháp biên soạn tài liệu tuyên truyền cụ thể cho học sinh THPT, nâng cao hiệu quả tuyên truyền” - ông Nam cho hay.

Ông Trần Đình Lân - Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh chia sẻ, với đề án xã hội hóa công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý cho người dân, trong năm 2022 Hội Luật gia đã trực tiếp PBGDPL và tư vấn pháp luật cho 20 xã phường trong tỉnh.

“Chúng tôi tập trung tuyên truyền những nội dung “nóng”, thiết thực, người dân đặc biệt quan tâm như Luật Đất đai, các quy định về giải tỏa bồi thường, Luật Hôn nhân gia đình, Luật An ninh mạng.

Nhiều trường hợp bức xúc về việc thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, tranh chấp đất đai, hoặc liên quan chính sách tái định cư đã được Hội Luật gia tham gia tư vấn, giải thích.

Thành viên của hội cũng đã tổ chức tư vấn, tuyên truyền Luật Thi hành án đối với phạm nhân sắp chấp hành xong án phạt tù, để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trước khi họ về với cộng đồng” - ông Lâm nói.

Các hoạt động tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật được tăng cường về địa bàn miền núi, biên giới cho nhóm đối tượng đặc thù. Trong ảnh: Tuyên truyền pháp luật lao động cho bà con vùng biên giới. Ảnh: T.C
Các hoạt động tuyên truyền, phố biến giáo dục pháp luật được tăng cường về địa bàn miền núi, biên giới cho nhóm đối tượng đặc thù. Trong ảnh: Tuyên truyền pháp luật lao động cho bà con vùng biên giới. Ảnh: T.C

Tính thiết thực, gần gũi được đặc biệt chú trọng trong việc triển khai tuyên truyền, PBGDPL, thay cho việc triển khai đại trà, thiếu hấp dẫn của những năm trước đây. Tại khu vực biên giới, hải đảo, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã chủ động khảo sát thực trạng, nhu cầu tìm hiểu, chấp hành pháp luật biên phòng, phối hợp các địa phương tuyên truyền sâu rộng ở các địa bàn.

Đã có 9 lớp tuyên truyền, phổ biến về Luật Biên phòng với sự tham gia của hơn 1.100 báo cáo viên, tuyên truyền viên của các sở ngành, địa phương, 100% cán bộ chiến sĩ lực lượng biên phòng được tiếp cận, tuyên truyền về Luật Biên phòng. Các đồn biên phòng trở thành đầu mối phối hợp địa phương tuyên truyền Luật Biên phòng cho nhân dân biên giới, đưa kiến thức pháp luật đến vùng sâu, vùng biên giới, những bản làng còn đặc biệt khó khăn.

Sở TT-TT Quảng Nam cho biết đang xây dựng, bổ sung kế hoạch tuyên truyền PBGDPL qua mạng xã hội, kênh Zalo 1022 Quảng Nam cũng như tham mưu tỉnh tích hợp các nội dung tuyên truyền vào app “Smart Quang Nam”, tăng tính kịp thời, linh động cho công tác tuyên truyền.

Lan tỏa hơn nữa

Dù đã tạo được nhiều chuyển biến, song theo Giám đốc Sở Tư pháp - Đặng Văn Đào, công tác tuyên truyền, PBGDPL vẫn còn nhiều hạn chế. Vấn đề lớn nhất cần giải quyết hiện nay là bài toán “trùng lắp”: trùng địa bàn, trùng đối tượng, trùng nội dung và kinh phí. Một số địa phương vẫn đang xảy ra việc trùng lắp, có xã cùng một nội dung nhưng rất nhiều cơ quan xuống tuyên truyền.

Trong khi một số địa bàn bị bỏ trống. Có nội dung luật được tuyên truyền rất kỹ, nhưng có một số nội dung khác lại không làm hoặc làm qua loa. Báo cáo viên, tuyên truyền viên trên toàn tỉnh rất đông, nhưng thiếu độ đồng đều, nhiều đơn vị có báo cáo viên nhưng không tham gia báo cáo mà chỉ “ghi danh”, trong khi báo cáo viên phải tự học là chính, chưa được đào tạo bồi dưỡng bài bản.

Cảnh sát đường thủy tuyên truyền pháp luật cho thuyền viên tại Hội An. Ảnh: T.C
Cảnh sát đường thủy tuyên truyền pháp luật cho thuyền viên tại Hội An. Ảnh: T.C

“Qua khảo sát, hiện nay chúng ta mới chỉ “đẩy” thông tin tuyên truyền, là đưa tờ rơi, tờ gấp, phát hành bản tin, phóng sự, mà chưa chú trọng tới việc “kéo” người dân đến gần hơn. Công tác tư vấn, tuyên truyền, giải thích pháp luật, gắn với dân vận là của cả hệ thống chính trị, không thể phó mặc cho ngành tư pháp, bởi đây là mấu chốt quan trọng để tạo sự đồng thuận” - ông Đào nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân cho rằng, công tác tuyên truyền pháp luật đã dần trở thành hoạt động thường xuyên của các cơ quan, đơn vị, địa phương, ngày càng đa dạng về hình thức, hướng đến các vấn đề dư luận xã hội quan tâm hoặc cần được định hướng…

Tuy nhiên, một số nơi triển khai chưa thực sự hiệu quả và phù hợp với tính chất, đặc điểm của từng đối tượng, nhất là nhóm đối tượng đặc thù. Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có mặt còn hạn chế, chưa khai thác hiệu quả các trang báo điện tử, mạng xã hội.

Theo ông Trần Văn Tân, các cấp ngành, địa phương phải tiếp tục quan tâm, quán triệt đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về ý nghĩa, vai trò, mục đích của công tác PBGDPL cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Xác định rõ đây là cầu nối quan trọng để đưa chính sách, pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống.

Nội dung PBGDPL cần có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhu cầu xã hội, nhiệm vụ chính trị của từng ngành, địa phương, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Hình thức PBGDPL đa dạng, phong phú, thu hút sự quan tâm của người dân, đồng thời phù hợp với văn hóa của từng vùng, miền…

“Thời gian tới, phải gắn PBGDPL với tổ chức thi hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo; chủ động tuyên truyền các vấn đề “nóng”, đang được dư luận quan tâm hoặc có nhiều ý kiến trái chiều, các chính sách, pháp luật quan trọng như đất đai, đầu tư, kinh doanh, dân chủ ở cấp xã, phường, thị trấn, phòng chống bạo lực gia đình...

Trong quá trình triển khai, cần phát huy hiệu quả nguồn lực, tránh trùng lắp, lãng phí, khai thác sử dụng hiệu quả các ứng dụng Smart Quang Nam, Tổng đài 1022 Quảng Nam… Các hoạt động này phải tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa, nâng cao ý thức thượng tôn Hiến pháp và pháp luật trong toàn xã hội” - ông Tân nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công lý và tình người: Lan tỏa ý thức thượng tôn pháp luật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO