Giữa thông tin ngồn ngộn về nông sản tại Quảng Nam rớt giá, bí đầu ra trong mấy ngày gần đây thì một thông tin đăng trên Báo điện tử Dân Việt rất đáng chú ý là cuộc thi “Tôi là nông dân 4.0” năm 2018 đã chọn được những hồ sơ vào vòng chung khảo. Gần 1.000 hồ sơ dự thi trong cả nước, ban tổ chức đã chọn ra 30 mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến vào vòng chung khảo, và Quảng Nam có hồ sơ duy nhất của anh Trần Thanh Tuấn (xã Tam Hiệp, Núi Thành) lọt vào vòng này. Điểm đáng chú ý trong các hồ sơ tham dự cuộc thi được đánh giá cao là mô hình có đầu ra sản phẩm ổn định.
Khi tôi gọi điện thông báo, Tuấn tỏ ra ngạc nhiên vì chưa biết thông tin trên, anh nói mình gửi hồ sơ dự thi và không nghĩ tới sẽ “lọt vào vòng trong”. Thành công của Tuấn ngoài những ghi nhận về tinh thần không ngừng cải thiện điều kiện sản xuất (theo hướng công nghệ tiên tiến) thì điều quan trọng nhất như anh xác nhận là đầu ra sản phẩm rất ổn định. Anh tính sơ sơ rằng mỗi tháng trung bình trang trại xuất ra khoảng 3 tấn gà thịt, 35 con heo mọi cùng với nhiều loại nông sản như gà Đông Tảo, kỳ đà, kỳ nhông, rau sạch... Để có được đầu ra như bây giờ, Tuấn cho biết mình phải mất rất nhiều năm lăn lộn thử nghiệm với đủ thứ mô hình chăn nuôi, áp dụng nhiều kiểu quảng bá sản phẩm và... nếm trải không ít thất bại. Trang trại của anh Tuấn xây dựng cách đây gần 10 năm, được xem là mô hình khởi nghiệp “có tiếng tăm”, từng được nhiều phương tiện thông tin đại chúng quan tâm tuyên truyền; bản thân anh là tấm gương vượt khó, là thanh niên tiêu biểu nhận được giải thưởng Lương Định Của. Tuy vậy, Tuấn cho biết hiện vẫn chưa hết khó khăn, phải nỗ lực từng ngày để giữ ổn định đầu ra sản phẩm bởi đây là khâu quyết định đến sự thành bại của trang trại. Anh chia sẻ rằng áp dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất là một chuyện, cái quan trọng là phải biết áp dụng “công nghệ” để giúp giải quyết đầu ra sản phẩm. Ngoài việc giới thiệu sản phẩm qua nhiều kênh khác nhau như internet, phương tiện thông tin đại chúng, hội chợ, hội thảo, liên kết với các tổ chức, cá nhân..., với những sản phẩm đặc trưng của mình, Tuấn thậm chí còn tự nấu nướng, giới thiệu những món ngon từ sản phẩm của trang trại để nhiều người cùng thưởng thức. Rồi việc đảm bảo nguồn gốc sản phẩm xuất ra thị trường, anh cho rằng đó cũng là cách để tạo uy tín với người tiêu dùng mà giữ đầu ra ổn định, bởi “nếu sản phẩm không đạt, người tiêu dùng còn có cái để mà bắt đền mình!”. Ngay như việc được vay nguồn quỹ từ hội nông dân, anh cũng chia sẻ cái lợi trước mắt là được... nhiều người biết đến.
Giữ đầu ra ổn định cho nông sản quả thật là vấn đề khó khăn. Trên địa bàn tỉnh, gần đây phong trào khởi nghiệp ở lĩnh vực nông nghiệp nở rộ, chắc chắn không ít mô hình cũng gặp những khó khăn tương tự. Dù có thể đã chuẩn bị tâm lý để đối diện, nhưng cái khó về đầu ra sản phẩm có thể không như hình dung của nhiều “ông chủ trẻ”. Bởi vậy, nhiều chuyên gia khuyến cáo, khởi nghiệp là dấn thân, chấp nhận rủi ro nhưng không chạy theo phong trào, đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp, hãy tính đến đầu ra của sản phẩm trước khi nghĩ đến việc sản xuất ra chúng.
C.B.L