Đổi mới ứng dụng, chuyển giao công nghệ là để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nhưng hiện tại, chiến lược này ở Quảng Nam đang lâm vào thế khó khi trình độ công nghệ sản xuất chỉ đạt mức trung bình, lại chưa có điều kiện đổi mới và cơ quan quản lý không thể kiểm soát được tình trạng du nhập công nghệ sản xuất lạc hậu vào Quảng Nam.
Bài 1: Hàm lượng công nghệ trung bình
Định hướng công nghiệp tạo lực đẩy phát triển kinh tế địa phương là một lựa chọn đúng đắn, và hiệu quả trên thực tế. Nhưng đằng sau sự tăng trưởng ấy vẫn còn không ít nỗi lo khi công nghệ sản xuất của hầu hết ngành công nghiệp chủ lực chỉ đạt ở mức trung bình.
Lựa chọn thứ yếu
Vấn đề khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, hình thành các “cụm liên kết sản xuất” đang được ưu tiên trong việc hoàn thiện các mô hình phát triển cho các khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp (CCN). Nhưng trình độ công nghệ sản xuất của các khu vực này rất khó để đánh giá. Ngay từ năm 2011 đã có quy định doanh nghiệp được dành tối đa 10% thu nhập doanh nghiệp chưa đóng thuế để thành lập quỹ khoa học công nghệ nhưng hầu như doanh nghiệp không làm. Nhiều doanh nghiệp nói, trên thực tế một đề tài khoa học do nhà nước đầu tư kinh phí, nghiệm thu xong xếp vào hộc tủ là chuyện không lạ.
Nhiều máy móc còn lạc hậu về công nghệ.Ảnh: T.D |
Trong khi đó doanh nghiệp làm đề tài khoa học hay dự án nghiên cứu muốn sử dụng kinh phí từ quỹ này buộc phải áp dụng được vào thực tế sản xuất, kinh doanh nếu không sẽ dễ bị quy chi sai mục đích. Hay khi một đề tài, một dự án đang nghiên cứu nhưng doanh nghiệp xét thấy không còn thích hợp, quyết định cho dừng thì cũng hoàn toàn hợp lý, nhưng đối với ngành thuế, việc ngưng giữa chừng này sẽ bị quy vào sử dụng sai mục đích quỹ. Điều này chắc chắn dẫn đến việc doanh nghiệp bị truy thu thuế thu nhập doanh nghiệp và lãi suất kèm theo. Ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở Công Thương cho hay các CCN mở ra chỉ để gom các dự án có nguy cơ ô nhiễm từ khu vực nông thôn, tránh chuyển dịch lao động nhập cư vào đô thị nên khó có thể có được hàm lượng công nghệ cao.
Không chỉ CCN, sự phát triển của các KCN ở Quảng Nam vẫn không khá hơn. Hầu hết việc giải ngân của các dự án công nghiệp đều chậm, hay nhiều dự án bị hụt hơi vì không thể đánh giá được năng lực tài chính và yếu tố công nghệ của các nhà đầu tư. Lấp đầy KCN vẫn là ưu tiên số một, nên cơ cấu ngành nghề, yếu tố công nghệ, môi trường của dự án chưa được chú trọng. Các dự án đầu tư vào KCN chủ yếu quy mô nhỏ, phần lớn trong lĩnh vực dệt may, da giày, cơ khí, phụ tùng ô tô, vật liệu xây dựng, chế biến gỗ, hải sản... Các doanh nghiệp hoạt động trong KCN một cách rời rạc, đơn lẻ mà chưa có sự liên kết chặt chẽ nên càng hạn chế việc chuyển giao công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến. Các KCN ở Chu Lai có điều kiện thuận lợi hơn hết, nhưng Trưởng ban Quản lý Khu KTM Chu Lai - ông Đỗ Xuân Diện cũng phải thừa nhận, ngoài các dự án của Trường Hải, Soda hay kính nổi thì đa số dự án đầu tư vào khu vực này (hơn 90 dự án) chỉ có quy mô vừa, vốn đầu tư không cao, thiếu dự án động lực, dự án chế biến sâu, công nghệ hiện đại để tạo giá trị sản phẩm cao. Ông Nguyễn Văn Chúng – Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai - cho rằng, không thể đòi hỏi nhiều công nghệ tốt hoặc chuyển giao công nghệ ở Quảng Nam. Bởi muốn có công nghệ cao thì phải có hạ tầng kết nối, con người. Ngay như nhân sự quản lý cấp cao tìm không ra thì làm sao tiến đến thu hút công nghệ cao
Chưa thể yên tâm
Mạng lưới rộng khắp của 6/9 KCN, gần 70 CCN hoàn chỉnh thu hút gần 500 dự án đầu tư và hàng nghìn dự án công nghiệp khác có mặt tại 18 huyện, thị xã, thành phố của Quảng Nam. Có thể khẳng định, phát triển công nghiệp chính là điểm nhấn mạnh mẽ trong bức tranh kinh tế Quảng Nam. Sự thật, nếu không có Chu Lai, các KCN, CCN và nhiều dự án công nghiệp khác “xâm nhập” sâu vào vùng nông thôn ngày càng nhiều thì sẽ chẳng có sự đột phá nào về kinh tế địa phương. Và, trong năm 2016, Quảng Nam cũng không thể tăng trưởng đến 14,73% tổng sản phẩm trên địa bàn, thu ngân sách hơn 20.000 tỷ đồng (hơn 13.000 tỷ đồng thu nội địa), thuộc vào nhóm 15 tỉnh, thành Việt Nam điều tiết ngân sách về trung ương kể từ năm 2017, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 200.000 lao động…
Song điều đó chưa đủ. Chính quyền Quảng Nam vẫn đang loay hoay chưa biết tìm cách nào để thúc đẩy kinh tế khi công nghiệp chủ yếu là gia công, lắp ráp. Công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ chậm phát triển. Hơn 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa, thiếu khả năng cạnh tranh. Việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chỉ chiếm 0,56% trong GDP. Đề tài khoa học đánh giá trình độ công nghệ của 6 nhóm ngành công nghiệp chủ lực Quảng Nam do Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) vừa được đem ra lấy ý kiến góp ý cho thấy, có 4 ngành được xếp hạng công nghệ trung bình - tiên tiến. Đó là các ngành công nghiệp phụ trợ sản xuất ô tô, chế biến lâm sản, gia công cơ khí, dệt may và da giày. Hai ngành sản xuất vật liệu xây dựng và công nghệ sản xuất thực phẩm, thủy sản thuộc loại công nghệ trung bình. Ông Phạm Hồng Bách – ban chủ nhiệm đề tài cho biết, kết quả này được đánh giá qua 80 doanh nghiệp sản xuất. Kết quả này cũng tương đồng với nhiều cuộc khảo sát của nhóm hỗ trợ kỹ thuật của GS-TS. Lê Hồng Kế, TS.Phạm Thúy Loan thuộc UN – Habitat Việt Nam thực hiện định hình khung chiến lược phát triển Quảng Nam. Nhóm hỗ trợ khuyến cáo công nghiệp đang dẫn dắt tăng trưởng Quảng Nam vẫn là những ngành công nghiệp ở nấc thang thấp, hiệu quả không cao, chủ yếu là những ngành dựa vào khai thác tài nguyên… Ông Đinh Văn Đào – Cục trưởng Cục Thống kê cho rằng, cơ cấu công nghiệp, dịch vụ trong GDP, hàm lượng công nghệ cao, cơ cấu dân số đô thị, nông thôn cần có bước đi phù hợp, bởi công nghiệp hóa là điều tất yếu của bất cứ địa phương nào muốn nhận diện tăng trưởng. Tuy nhiên ước vọng này không dễ tính toán trên thực tế khi doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế tạo, chế biến tại Quảng Nam còn quá ít.
Bài 2: Sự lựa chọn dứt khoát
Từ chối những dự án tổn hại tới môi trường, hướng tới các nhà đầu tư chất lượng, công nghệ sạch, tiên tiến là một lựa chọn có tính quyết định của Quảng Nam.
1. Chưa có một thống kê cụ thể về số lượng dự án có hàm lượng công nghệ thấp, nhưng chính quyền Quảng Nam cũng đã thừa nhận “lịch sử thu hút đầu tư” đã để lại hệ lụy. Trên thực tế, đâu đó trong thời “nghèo khó”, Quảng Nam nằm trong số các địa phương luôn tìm cách thu hút đầu tư bằng mọi giá, miễn là trên các bảng nhật ký công vụ “ghi đỏ, ghi càng nhiều nhà đầu tư” càng tốt. Không kỹ càng thẩm tra dự án, năng lực tài chính của nhà đầu tư, dễ dàng cấp phép; tham dự vào một cuộc cạnh tranh không lành mạnh khiến nguồn tài nguyên vô giá của tỉnh nhà có thể bị bán rẻ và tự làm suy yếu vị thế mặc cả của mình. Trong khi đó, vốn, thị trường, quá trình chuyển giao công nghệ như mong đợi chưa thực hiện được. FDI mới chỉ dừng lại ở mức cung cấp nhân công cho hoạt động gia công giá rẻ và cho thuê mặt bằng là chính!
Thaco là điểm sáng, hình mẫu của việc ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ trong sản xuất.Ảnh: T.D |
Nhưng, thay vì chọn sự im lặng như thường thấy để “khỏa lấp” những sai sót, chính quyền Quảng Nam đã đặt ra trong kế hoạch ngắn và dài hạn - tuy vẫn là thu hút đầu tư - nhưng nhấn mạnh là có chọn lựa nhà đầu tư công nghệ cao, có tiềm năng phát triển để bảo đảm môi trường. Kể từ hội nghị xúc tiến đầu tư vùng duyên hải miền Trung vài năm trước, Quảng Nam chỉ đưa ra 10 dự án đầu tư (tạo giá trị gia tăng) cơ hội trọng điểm để giới thiệu và kêu gọi đầu tư. Không ít dự án mời gọi đó đã trở thành hiện thực ở dọc biển Quảng Nam và Chu Lai. Đó chính là sự thay đổi lớn khi chọn thu hút bằng thực chất hơn là chạy theo số lượng dự án. Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam – PGS-TS. Trần Đình Thiên - nói với những dự án đó, Quảng Nam thực sự đã bỏ cách thu hút chạy theo thành tích, theo số lượng, trải trên diện rộng và “không tham” những dự án lớn nhưng thiếu thực chất. “Việc tập trung những dự án tạo giá trị gia tăng, những ngành có giá trị cao hơn, có nghĩa là Quảng Nam vẫn có thể làm gia công, nhưng ở mức cao hơn. Ngay cả với công nghệ cao, các dự án cũng đã được nâng lên thay cho những “mối hàn” mà lại mang danh nghĩa công nghệ” - ông Thiên nói.
2. Sự chọn lọc dứt khoát này có thể sẽ giải quyết được những bất cập, ngăn chặn Quảng Nam trở thành một “bãi rác công nghệ” hay không, vẫn là câu chuyện dài. Một điều ai cũng biết, chuyển giao công nghệ tiên tiến hay chọn lọc công nghệ đầu tư là một trong những con đường ngắn nhất, nhanh nhất để cải thiện một cách cơ bản năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế. Song thực tế có thể thực hiện được hay không vẫn đang chờ câu trả lời. Ông Đỗ Xuân Diện - Trưởng ban quản lý Khu KTM Chu Lai nói trước đoàn giám sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội hồi giữa năm 2016 rằng, công nghệ cao có giá thành sản phẩm thấp là bài toán lớn. Tiếp nhận sử dụng công nghệ cao là một quá trình. Năng lực bộ máy mới chỉ dừng lại ở chức năng quản lý nhà nước, chưa đặt nặng vấn đề ô nhiễm môi trường, chưa quan tâm đúng mức tới khoa học công nghệ, việc cấp phép không đặt cụ thể vấn đề này.
Trong một góc nhìn khác, ông Phạm Viết Tích - Giám đốc Sở KH&CN - cho hay, tỉnh không có chuyên gia sâu, không có chuyên ngành, nên công nghệ không được thẩm định vẫn được cấp phép. Nếu không muốn thành “bãi rác công nghệ” cho các nước phát triển thì phải kiểm soát đầu vào. Việc thẩm định các dự án đầu tư đã được quy định trong luật chuyển giao công nghệ và luật đầu tư, nhưng trên thực tế còn nhiều vấn đề. Nếu xảy ra ô nhiễm thì không biết quy cho ai. Cấp phép công nghiệp thì chỉ làm báo cáo tác động môi trường, còn lại thẩm định công nghệ thì bỏ qua hoặc không chặt chẽ. Sở KH&CN quản lý lĩnh vực này nhưng việc thẩm định lại giao cho ban quản lý dự án. Việc chủ trì thẩm định hoặc thẩm định trước khi cấp phép đầu tư hầu như không làm. “Không ít dự án nhập khẩu máy móc thiết bị lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường không được phát hiện kịp thời. Ngay như việc không bắt buộc đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền đã bộc lộ mặt trái là không có công cụ pháp lý để kiểm soát và ngăn chặn được các luồng công nghệ lạc hậu du nhập vào Quảng Nam” - Ông Tích nói.
Nguy cơ các công ty đa quốc gia đến đầu tư ở Quảng Nam không chuyển giao công nghệ tiên tiến có thể nhìn thấy được. Phần lớn doanh nghiệp chỉ coi thị trường này như một xưởng gia công với những nhân công giá rẻ và những điều kiện ưu đãi đầu tư. Làn sóng này còn tiếp tục, thì liệu chọn lựa của chính quyền có thành công hay không? Tại sao không thể đặt rõ vấn đề và hỏi thẳng các nhà đầu tư về chứng chỉ công nghệ xanh mà họ dự định triển khai dự án tại địa phương và kiện toàn việc thẩm định công nghệ sản xuất của các chuyên gia, tránh mắc phải bẫy rác thải công nghệ? Câu hỏi này cần sớm có lời giải đáp từ chính quyền.
Bài 3: Không dễ đổi mới
Đầu tư cho khoa học công nghệ được đánh giá là bước đi cần thiết để nâng cao hàm lượng chất xám trong sản phẩm, giá trị gia tăng và năng suất lao động. Thế nhưng, câu chuyện này dường như vẫn ở trong tình trạng tự phát.
“Hình mẫu” khoa học công nghệ
Thaco được đánh giá là hình mẫu về tốc độ phát triển, không chỉ đóng góp hơn 60% thu nội địa cho ngân sách Quảng Nam mà còn là điểm sáng trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai – Trường Hải liên tục xuất xưởng những dòng xe mới và mở rộng đầu tư các nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng cơ khí đa dụng. Hồi đầu năm 2016, 46 nhà cung ứng vật tư, linh kiện cho Tập đoàn Mazda (Nhật Bản) đã đến Chu Lai để tìm cơ hội đầu tư. Họ khá ngạc nhiên về tốc độ phát triển hạ tầng, ghi nhận bước tiến rõ rệt về nội địa hóa và đánh giá khá cao về chiến lược dài hạn hướng tới hội nhập khu vực vào năm 2018 của Thaco.
Để nghiên cứu, chuyển giao thành công công nghệ tiên tiến, doanh nghiệp còn cần cơ chế hỗ trợ hiệu quả.Ảnh: T.D |
Khát vọng phát triển trở thành công ty sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô hàng đầu Việt Nam, đưa Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai – Trường Hải sớm trở thành Trung tâm sản xuất linh kiện, phụ tùng và ô tô mang tầm khu vực, Thaco đã đẩy mạnh liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp trong, ngoài nước để nâng cấp các dây chuyền công nghệ, thiết bị phục vụ sản xuất nhằm gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, đưa Thaco tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chiếm lĩnh thị trường Việt Nam và xuất khẩu sang khu vực AFTA. Ông Phạm Văn Tài – Phó Tổng giám đốc Thường trực Thaco cho biết sẽ đẩy mạnh đầu tư đổi mới công nghệ để tăng công suất cho tất cả nhà máy sản xuất, lắp ráp. Từ năm 2011 đến nay đã có hơn 550 đề tài sáng kiến cải tiến được áp dụng, góp phần tăng năng suất, tiết kiệm chi phí sản xuất, tổ chức nhiều hội thảo về giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động nghiên cứu và phát triển. Dự án khoa học công nghệ cấp nhà nước “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo xe khách giường nằm cao cấp mang thương hiệu Việt Nam” do Thaco chủ trì được thực hiện đúng tiến độ. Khu phức hợp tiếp tục đăng ký mới 2 đề tài khoa học công nghệ, nhằm góp phần tạo ra các sản phẩm khoa học công nghệ mang tầm quốc gia.
Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia hàng đầu Việt Nam về công nghiệp đã chọn Thaco làm thí điểm xây dựng một trung tâm công nghiệp hỗ trợ. Lý do, ngoài năng lực tài chính, tỷ lệ nội địa hóa các sản phẩm ô tô của Trường Hải lắp ráp tại Quảng Nam khá cao, bình quân khoảng 52% đối với xe khách, 46% đối với xe tải và xe du lịch hiện tại chỉ 16,2%. Trường Hải cũng hợp tác với tập đoàn Hyundai (Hàn Quốc) để thành lập nhà máy động cơ. Từ đó sẽ bảo đảm đủ điều kiện đưa xe du lịch tăng tỷ lệ nội địa hóa trên 40% và là điều kiện cần cơ bản để xuất khẩu sang các nước ASEAN. TS.Dương Đình Giám – Viện trưởng Viện chiến lược công nghiệp (Bộ Công Thương), thành viên của nhóm soạn thảo Nghị định công nghiệp hỗ trợ - nói, việc lựa chọn địa điểm, doanh nghiệp, mô hình và các chính sách xúc tiến phát triển một khu công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí làm động lực cho cả miền Trung là một lựa chọn chuẩn xác, đúng đắn và mang tính khả thi cao.
Đỏ mắt… tìm công nghệ cao
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội Phan Xuân Dũng giám sát Thaco về nghiên cứu, khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ cho biết, sự hợp tác chặt chẽ với công nghiệp ô tô quốc tế và năng lực tiếp thu thành công chuyển giao công nghệ của Thaco là con đường khả thi nhất để phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam. Công nghiệp ô tô Việt Nam đang rất kỳ vọng vào sự phát triển về công nghiệp ô tô và công nghiệp hỗ trợ của Thaco.
Thaco là một điển hình, đốm sáng trong bức tranh công nghệ tại Quảng Nam là điều không cần bàn cãi. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không như Thaco có đủ tiềm lực tài chính, công nghệ hay bất cứ ngân hàng nào cũng sẵn sàng hợp tác để xây dựng nhà máy, mời gọi liên doanh, liên kết để đầu tư, chuyển giao công nghệ, những doanh nghiệp khác tại Quảng Nam muốn đổi mới công nghệ lại đang gặp khá nhiều rào cản. Ông Phạm Viết Tích – Giám đốc Sở KH&CN cho biết, mới đây sở đã hỗ trợ Xí nghiệp Gỗ Cẩm Hà đổi mới công nghệ, kết quả đã nâng năng suất, sản lượng lên 10 lần. Chính sách công nghệ thì nhiều, nhưng nghiên cứu khoa học, ứng dụng và đổi mới công nghệ để thực sự đi vào đời sống, thì là chuyện còn quá xa vời. Quảng Nam có đề án sản phẩm chất lượng hàng hóa quốc gia, tuy nhiên đề án nâng cao hỗ trợ, đổi mới công nghệ vẫn chỉ dừng ở tập huấn. Tất cả là vì tiền đầu tư đều lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ vốn ít ỏi. Không chỉ khó khăn về kinh phí, thủ tục hành chính, cơ chế, chính sách hỗ trợ và lắm điều kiện để đề tài có thể được vay vốn đã khiến nhiều doanh nghiệp nản lòng.
Sở KH&CN hàng năm vẫn thông báo rộng rãi cho doanh nghiệp đăng ký đề tài, nhưng rất ít doanh nghiệp đăng ký và thực hiện. Họ âm thầm tự đổi mới công nghệ. Khá nhiều doanh nghiệp cho hay, để trở thành doanh nghiệp có nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ thì rất cần sự hỗ trợ của nhà nước, nhưng điều này gần như không có. Muốn được cấp giấy chứng nhận thì phải trình bày, mô tả. Nhưng đây là bí mật công nghệ của doanh nghiệp, sợ sẽ lộ bí mật vì biết tin ai? Nhiều doanh nghiệp mang hồ sơ đi vay nhưng hầu hết đều bị từ chối với khá nhiều lý do như “không biết cách làm dự án”, “hồ sơ vay không đủ thông tin cần thiết”… Dư nợ tín dụng cho doanh nghiệp nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ chảy vào nền kinh tế “nhỏ giọt”, rất ít hồ sơ, dự án gửi tới ngân hàng để “xin vay”. Công ty CP Giao thương Quảng Xưa (Hiệp Đức) đã phải “kêu” tới Chính phủ vì ngân hàng không cho vay hoặc chỉ cho vay tối đa 50% tổng đầu tư dự án và điều kiện giải ngân rất khó khăn với dự án viên nén gỗ của công ty. Lý do là các ngân hàng chưa cho vay dự án kiểu này bao giờ!
Có thể vì lý do trên mà không có doanh nghiệp nào đăng ký tham gia đổi mới công nghệ. 95% là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không thể đủ sức tập trung vào đổi mới công nghệ, sản phẩm và phát triển năng lực công nghệ. Không ít doanh nghiệp đành phải bằng lòng với những gì mình đang có, chấp nhận làm gia công thay cho đầu tư nghiên cứu và phát triển. Đó cũng là một thực tế.
TRỊNH DŨNG