Cảnh báo tin giả về “cuộc gọi lừa đảo mời tiêm vắc xin”

AN TRƯƠNG 01/09/2021 13:01

(QNO) - Cơ quan chức năng khẳng định, thông tin đang lan truyền trên mạng xã hội về “cuộc gọi lừa đảo mời tiêm vắc xin” là giả mạo.

Trung tâm Xử lý tin giả Việt Nam (VAFC) thuộc Cục Phát thanh - truyền hình và thông tin điện tử - Bộ TT&TT cho biết, trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin: “Vừa rồi đồng nghiệp của tôi nhận được một cuộc gọi hỏi rằng anh ấy đã được tiêm phòng chưa. Nếu anh ta tiêm phòng, hãy nhấn phím 1; nếu anh ta chưa được tiêm phòng, nhấn phím 2. Kết quả là anh ta nhấn phím 1, điện thoại bị chặn và thông tin ngân hàng trực tuyến và thẻ thanh toán thường xuyên sử dụng của anh ta đều được chuyển”.

Nội dung tin nhắn cảnh báo này còn cho biết: “Chỉ cần bấm theo hướng dẫn của nó trong 3 giây là nó lấy được hết thông tin tài khoản ngân hàng, nó vô hiệu hóa điện thoại mình, máy chủ nó điều khiển”. Đồng thời cho rằng, sau khi có đủ thông tin, “đối tượng lừa đảo” có thể rút tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân, thậm chí nạn nhân có thể nhìn thấy mã xác thực OTP gửi về điện thoại nhưng không thể làm gì được vì điện thoại đã bị vô hiệu hóa.

Tin nhắn cảnh báo này còn khuyến khích người đọc nhanh tay chia sẻ cho nhiều người dùng biết, và khuyến cáo những người từng chuyển khoản qua điện thoại hãy chú ý.

Qua kiểm tra, xác minh từ cơ quan chức năng, VAFC khẳng định nội dung thông tin trên là giả mạo. Theo đó, VAFC khuyến cáo người dân và cộng đồng mạng không chia sẻ tin giả nêu trên, khi có yêu cầu hỗ trợ liên quan dịch bệnh hãy gọi ngay cho đường dây nóng của chính quyền địa phương, ngành y tế, công an và lực lượng chức năng khác. Vụ việc sẽ được chuyển cơ quan chức năng để xem xét, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Theo một số chuyên gia công nghệ, những tin nhắn cảnh báo gây hoang mang như trên đã xuất hiện từ khá lâu, đặc biệt rộ lên vào năm 2017 và đầu năm 2020. Nhiều người dùng nhận được cảnh báo dù không tin nhưng vẫn đi chia sẻ khắp các nhóm chat, mạng xã hội, khiến cấp độ lây lan “khủng khiếp” và làm nhiều người dân hoang mang, lo sợ.

Theo Bộ TT&TT, số lượng tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua có dấu hiệu gia tăng. Trong 6 tháng đầu năm, VAFC thống kê được hơn 1.100 lượt báo cáo tin giả, trong đó nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng chống dịch Covid-19 tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảnh báo tin giả về “cuộc gọi lừa đảo mời tiêm vắc xin”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO