Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đối với đề tài cảnh báo nguy cơ sạt lở ở vùng cao

CHÂU NỮ 30/03/2022 17:13

(QNO) - Hôm nay 30.3, UBND tỉnh gửi công văn đề xuất Bộ Khoa học và công nghệ (KHCN) đặt hàng nhiệm vụ KHCN cấp thiết địa phương sử dụng ngân sách nhà nước cấp quốc gia đối với đề tài “xây dựng bản đồ nguy cơ tai biến trượt lở - lũ quét tỷ lệ lớn và hệ thống đa phương tiện cung cấp thông tin khí hậu tiểu vùng và phục vụ cảnh báo sớm 1 ngày tai biến trượt lở - lũ quét tại vùng núi tỉnh Quảng Nam”.

Sạt lở tại Tây Giang trong đợt mưa tháng 10.2021. Ảnh: C.T
Sạt lở tại Tây Giang trong đợt mưa tháng 10.2021. Ảnh: C.T

Quảng Nam là một trong những địa phương thường xuyên chịu ảnh hưởng của các loại hình thiên tai, gây thiệt hại lớn về dân sinh, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong 5 năm gần đây, sạt lở đất diễn ra thường xuyên ở một số huyện miền núi của tỉnh, số lần xuất hiện có xu hướng tăng lên và tăng đột biến.

Năm 2019, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản đã điều tra và thành lập bản đồ hiện trạng trượt 2 lở đất đá tỉnh Quảng Nam, tỷ lệ 1/50.000. Đây là cơ sở phục vụ quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và nâng cao khả năng cảnh báo nguy cơ trượt lở đất đá. Tuy nhiên, bản đồ tỷ lệ 1/50.000 là quá nhỏ, rất khó để đưa ra các dự báo liên quan đến mưa, bão, sạt lở, lũ quét vào dự báo chi tiết trên thực địa.

Nhằm nâng cao hiệu quả công tác dự báo, cảnh bảo, giảm thiểu thiệt hại cho nhân dân sinh sống ở vùng có nguy cơ sạt lở cao, UBND tỉnh đề nghị Bộ KHCN xem xét, triển khai đề tài “Xây dựng bản đồ nguy cơ tai biến trượt lở - lũ quét tỷ lệ lớn (1: 10.000 cấp huyện và 1: 1000 tại một số xã trọng điểm) và hệ thống đa phương tiện cung cấp thông tin khí hậu tiểu vùng và phục vụ cảnh báo sớm 1 ngày tai biến trượt lở - lũ quét tại vùng núi tỉnh Quảng Nam”.

Nội dung chủ yếu của đề tài này là xây dựng thuyết minh và tổng thuật tài liệu; thu thập và chuẩn hóa tài liệu, số liệu, bản đồ nền, ảnh vệ tinh, dữ liệu từ UAV và GNSS; khảo sát thực địa; nghiên cứu khả năng hòa mạng quốc tế để liên kết hệ thống thông tin quan trắc của đề tài với trung tâm cảnh báo khí tượng toàn cầu.

Đồng thời chuẩn hóa các số liệu, bản đồ nền và ảnh vệ tinh theo tiêu chuẩn ISO TC211; xây dựng, biên tập các bản đồ nguy cơ tai biến lũ quét và trượt lở đất cấp huyện tỷ lệ 1:10.000 và và 1: 1.000 tại một số xã trọng điểm; xây dựng webGIS phục vụ cảnh báo sớm 1 ngày lũ quét và trượt lở; tập huấn chuyển giao kết quả cho địa phương.

Thời gian thực hiện đề tài là  24 tháng; dự kiến nhu cầu kinh phí là 10 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia đối với đề tài cảnh báo nguy cơ sạt lở ở vùng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO