Làm gì để quản trị điện tử hiệu quả?

VINH ANH 31/12/2020 06:11

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, việc ứng dụng công nghệ trong quản lý, điều hành của chính quyền nhằm nâng cao sự tương tác, phục vụ lợi ích người dân và doanh nghiệp là xu hướng tất yếu. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, vấn đề phát triển đô thị thông minh (ĐTTM), chính quyền điện tử (CQĐT)… cần có bước đi thận trọng, không nên chạy theo phong trào.

Quảng Nam khai trương Trung tâm Điều hành thông minh (IOC). Ảnh: VINH ANH
Quảng Nam khai trương Trung tâm Điều hành thông minh (IOC). Ảnh: VINH ANH

Đô thị thông minh

Quảng Nam đã và đang có những bước đi mạnh dạn trong câu chuyện chuyển đổi số (CĐS). Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu, năm 2020, HĐND tỉnh đã ban hành nghị quyết về CĐS với kinh phí thực hiện khoảng 1.000 tỷ đồng cho 5 năm đến. Tới đây, tỉnh sẽ có nghị quyết của Đảng về CĐS. Ngoài ra sẽ tiếp tục có nhiều chính sách, chương trình cải cách hành chính. Vừa qua Quảng Nam đã khai trương Trung tâm Điều hành thông minh (IOC), dù khiêm tốn nhưng bước đầu đã vạch ra khung về CĐS. Chủ trương của tỉnh, CĐS đầu tiên là phục vụ công tác điều hành, quản lý; thứ hai, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; thứ ba, CĐS gắn với những việc hiện hữu là làm sao tăng giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Vì vậy, vấn đề tuyên truyền nhận thức về CĐS để nâng cao sự tương tác giữa chính quyền và người dân là hết sức quan trọng.

Trên tiến trình CĐS, câu chuyện về xây dựng ĐTTM, CQĐT được nói khá nhiều. Tại hội thảo “Quảng Nam - thúc đẩy và nâng cao hiệu quả tương tác giữa chính quyền và người dân trong quản trị điện tử” được UBND tỉnh phối hợp với Viện FNF tại Việt Nam tổ chức mới đây, câu chuyện này lại một lần nữa được bàn thảo. Có nhiều năm nghiên cứu về lĩnh vực đô thị, TS.Hoa Hữu Cường (Viện Nghiên cứu châu Âu - Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam) cho biết, quan điểm của châu Âu về ĐTTM là phải giải quyết đồng thời 6 đặc điểmliên quan gồm: nền kinh tế, con người, quản trị, di chuyển, cuộc sống thông minh. ĐTTM là nơi mà các dịch vụ truyền thống được thực hiện hiệu quả hơn với việc áp dụng các công nghệ số và viễn thông vì mục đích phục vụ lợi ích người dân và doanh nghiệp. Quản lý thông minh phải dựa trên nền tảng quản trị điện tử, trên cơ sở chính phủ điện tử; kinh tế thông minh dựa trên nền kinh tế sáng tạo đổi mới, là rường cột để phát triển ĐTTM; hệ thống giao thông thông minh là giảm tải ùn tắc, giảm phát thải khí gây ô nhiễm môi trường… Trong đó, quan trọng nhất của ĐTTM là nguồn cơ sở dữ liệu mở, bất kỳ công dân, doanh nghiệp, tổ chức nào đều cũng có thể cập nhật được. Nguồn dữ liệu mở liên quan đến vấn đề điển hình của đô thị như quy hoạch, thông tin xử lý, chăm sóc sức khỏe, giao thông…, khi người dân cập nhật vào đó thì có thể xem được tất cả vấn đề của đô thị.

Nêu kinh nghiệm từ TP.Amsterdam (Hà Lan), ông Cường cho rằng, cách tiếp cận toàn diện khi xây dựng ĐTTM là dựa trên 4 chủ thể: chính phủ, doanh nghiệp, trường đại học nghiên cứu và người dân. Và phải tiếp cận từ dưới lên, với chủ thể lấy ý kiến đóng góp từ cộng đồng người dân, doanh nghiệp, đối tượng ngoài nhà nước. Việc vận hành chính phủ điện tử, CQĐT hiệu quả thông qua việc đáp ứng các dịch vụ cho người dân, doanh nghiệp nhanh chóng, thuận lợi.

"Đưa dân" vào chính quyền điện tử

“Phát triển đô thị thông minh rõ ràng đem lại nhiều ứng dụng, lợi ích cho người dân nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cần cảnh giác về công nghệ, nguồn vốn, an ninh an toàn…”.

(TS.Trần Ngọc Linh, chuyên gia Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng)

TS.Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh cho rằng, các địa phương đều triển khai ĐTTM với các mô hình, cách thức, quy mô khác nhau. Tuy nhiên vấn đề là sự lựa chọn khôn ngoan của từng tỉnh. Cách thức nào thì vẫn trở về vấn đề cốt lõi là tương tác giữa chính quyền và người dân liên quan đến cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy quá trình phát triển. Ở đây là tương tác dựa vào sự hiểu biết trên nền công nghệ. Nhưng trong phát triển ĐTTM, công nghệ chưa phải yếu tố quyết định, việc vận hành mới là vấn đề cần quan tâm.

“Vấn đề công nghệ thông tin, ĐTTM hiện nay không đơn thuần là vấn đề kỹ thuật, mà rộng ra là vấn đề nhận thức xã hội, tương tác xã hội. Bản chất quản trị là tương tác, phải 2 chiều, nhưng có nhiều nguyên nhân làm quản trị điện tử gặp trở ngại. Nhiều địa phương vì chưa nghiên cứu, đánh giá sâu về văn hóa, xã hội nên đầu tư ĐTTM, quản trị điện tử chưa hiệu quả. Để giải quyết vấn đề quản trị điện tử thì cần có chiến dịch marketing xã hội, như cách tuyên truyền người dân đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông vậy” - ông Bắc nói.

Tại tỉnh Thừa Thiên Huế, để tương tác với người dân, tỉnh bắt đầu triển khai ứng dụng Hue-S từ năm 2018 nhưng phải mất hơn 1 năm mới bắt đầu có kết quả. Từ 2.000 người năm đầu tiên, đến nay toàn tỉnh có khoảng 600 - 700 nghìn người đã cài ứng dụng ĐTTM Hue-S. TS.Cung Trọng Cường - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế cho rằng, để người dân tham gia cùng chính quyền qua quản trị điện tử là rất khó. Điểm mấu chốt là “đưa dân” vào CQĐT. Chứ chính quyền đưa ra ứng dụng mà người dân không cài, không sử dụng thì vô ích.

Muốn vậy, khi xây dựng CQĐT cần phải lựa chọn được điểm khởi đầu. Như ứng dụng ĐTTM Hue-S, đầu tiên tỉnh chọn ứng dụng làm nơi cho người dân phản ánh về vấn đề môi trường. Những phản ánh đó được tải lên ứng dụng, người đứng đầu tỉnh (Chủ tịch UBND tỉnh) trực tiếp theo dõi, chỉ đạo xử lý, nên đã tạo được sự tin tưởng cho người dân. Từ cái ban đầu đó mới triển khai các ứng dụng tiếp theo để tăng sự tương tác, phục vụ người dân, doanh nghiệp…

Không chạy theo phong trào

Để xây dựng “Quảng Nam thông minh”, theo các chuyên gia cần rà soát, đánh giá về cơ sở hạ tầng, những tiềm năng lợi thế cũng như tính cạnh tranh, điểm mạnh điểm yếu về hệ thống đô thị… để lên kế hoạch tổng thể, nghiên cứu xây dựng đề án ĐTTM. Đồng thời phải phát triển nguồn nhân lực, ưu tiên đào tạo, phát triển nhân lực quản lý ĐTTM; huy động sự tham gia cộng đồng; có cơ chế ưu tiên hỗ trợ các thành phần kinh tế, xã hội tham gia vào quá trình phát triển ĐTTM…

TS.Cung Trọng Cường cho rằng, trong phát triển ĐTTM, CQĐT, mỗi địa phương cần “may đo” cho phù hợp với điều kiện cụ thể; không thể lấy mô hình nơi nào đó để áp cho địa phương mình. Khác với những nơi đó có sẵn nền tảng hạ tầng, kỹ thuật hiện đại, ý thức công dân tốt…, việc xây dựng CQĐT của địa phương mình cần được “may đo” cẩn thận.

Đồng quan điểm, TS.Trần Ngọc Linh (chuyên gia ĐTTM, Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng) chia sẻ, theo thống kê hiện có khoảng 40 tỉnh, thành cam kết hoặc định hướng phát triển đô thị theo hướng ĐTTM. Tuy nhiên, mỗi đô thị như một cơ thể sống khác nhau, việc phát triển ĐTTM cũng không giống nhau vì mỗi quốc gia, địa phương có những tiềm lực kinh tế, hạ tầng giao thông, kỹ thuật… khác nhau.

Theo TS.Linh, hiện nay Trung ương đang tiếp tục xây dựng chính sách về tiêu chuẩn, quy chuẩn chung về ĐTTM; khuyến khích, hỗ trợ phát triển ĐTTM… Tuy nhiên, các địa phương cũng nên thận trọng, không phát triển ĐTTM theo phong trào bởi Việt Nam là nước đang phát triển, không nắm giữ về công nghệ, mọi thứ đều lệ thuộc. Trong khi những nghiên cứu về ĐTTM, những thất bại, rủi ro được nhắc đến rất mờ nhạt.

“Phát triển ĐTTM, CQĐT rõ ràng là đem lại nhiều ứng dụng, lợi ích cho người dân, làm cho đô thị phát triển tốt hơn, hướng đến các mục tiêu tăng trưởng xanh…, nhưng nó cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro cần cảnh giác như rủi ro về công nghệ, nguồn vốn, an ninh an toàn…” - TS.Linh nói.

Từ đó, TS.Trần Ngọc Linh nêu những bước đi để địa phương tham khảo trong quá trình phát triển ĐTTM, CQĐT… Đó là phải xây dựng chắc chắn 4 thành tố gồm: quy hoạch đô thị thông minh; xây dựng và quản lý thông minh; có các dịch vụ tiện ích thông minh; hệ thống cơ sở dữ liệu số hóa liên thông. Trong 4 yếu tố, TS.Linh cho rằng, yếu tố quyết định sự thông minh của đô thị chính là hệ thống cơ sở dữ liệu. Muốn làm bất cứ việc gì, có muốn làm ĐTTM hay không, có muốn quản lý thông minh, muốn cung cấp tiện ích hay không thì đều phải dựa trên nền tảng dữ liệu đô thị. Đó là thông tin đầu vào để làm quy hoạch đô thị.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Làm gì để quản trị điện tử hiệu quả?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO