Những người đầu tiên trên thế giới được truyền máu nhân tạo vào cơ thể

AN TRƯƠNG 10/11/2022 18:19

(QNO) - Cuộc thử nghiệm dùng máu nhân tạo truyền vào cơ thể người đã được thực hiện lần đầu tiên tại Anh.

Một nhân viên ý tế lấy mẫu máu từ nhân viên cứu thương tuyến đầu. Ảnh: CNBC
Một nhân viên y tế lấy mẫu máu từ nhân viên cứu thương tuyến đầu. Ảnh: CNBC
Theo thông báo của cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh, cuộc thử nghiệm truyền máu nhân tạo đầu tiên đã đánh dấu một bước ngoặt lớn cho công nghệ y tế trong việc chấm dứt tình trạng khan hiếm các nhóm máu cũng như cải thiện việc điều trị cho những căn bệnh về máu hiếm gặp.

Những mẫu máu được thu thập thông qua các đợt hiến máu thường xuyên. Sau đó, các nhà khoa học sử dụng những hạt từ tính để phát hiện các tế bào gốc “linh hoạt” có khả năng trở thành hồng cầu.

Những tế bào gốc đủ tiêu chuẩn sẽ được đặt trong dung dịch dinh dưỡng của phòng thí nghiệm. Trong thời gian khoảng ba tuần, dung dịch sẽ thúc đẩy các tế bào nhân lên và phát triển thành các tế bào trưởng thành hơn.

Các tế bào sau đó sẽ được làm sạch bằng cách sử dụng một bộ lọc tiêu chuẩn để loại bỏ các tế bào bạch cầu trước khi lưu trữ và truyền vào cơ thể người. Ngoài ra, các tế bào máu sẽ được gắn kèm một chất phóng xạ, thường được sử dụng trong các thủ tục y tế, để theo dõi thời gian tồn tại trong cơ thể.

Cuộc thử nghiệm bắt đầu bằng việc cấy các tế bào máu nhân tạo vào cơ thể của 2 tình nguyện viên người Anh với một lượng nhỏ (5-10ml), tương đương một hoặc hai thìa cà phê. Dưới sự theo dõi chặt chẽ của các nhà nghiên cứu, tình trạng sức khỏe của hai tình nguyện viên vẫn bình thường và không có bất cứ phản ứng bất thường nào được ghi nhận.

Giai đoạn tiếp theo của cuộc thử nghiệm dự kiến được thực hiện trên quy mô lớn hơn, khoảng 10 bệnh nhân trong khoảng thời gian vài tháng. Mỗi người sẽ nhận được hai lần hiến tặng máu khoảng từ 5 đến 10ml máu (máu bình thường và máu nhân tạo) với thời gian cách nhau ít nhất bốn tháng. Mục đích của việc làm trên là để nghiên cứu tuổi thọ của các tế bào được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm so với việc truyền các tế bào hồng cầu theo cách thông thường. 

Tiến sĩ Farrukh Shah - Giám đốc y tế của Cơ quan quản lý Hiến máu và Hiến tạng Anh (NHSBT) cho rằng mục đích của cuộc thử nghiệm dài hơi này không phải là để thay thế các hoạt động hiến máu bình thường mà là tạo cơ sở cho phép các nhà khoa học sản xuất các nhóm máu cực kì hiếm và khó tìm. Bởi lẽ, việc hiến máu bình thường vẫn đủ để cung cấp phần lớn nhu cầu của ngành y tế. Tuy nhiên, tiềm năng của cuộc thử nghiệm trên sẽ giúp cho các bệnh nhân mắc các căn bệnh về máu có cơ hội được điều trị tốt hơn. 

Một lần truyền máu bình thường sẽ chứa hỗn hợp các tế bào hồng cầu cũ và mới. Điều này có nghĩa là chúng ta không thể đoán trước được tuổi thọ tồn tại của các tế bào trên. Trong khi đó, máu nuôi trong phòng thí nghiệm đều được tạo ra mới, thời gian tồn tại trong cơ thể dự kiến có thể lên đến 120 ngày.

Tuy nhiên, chi phí gắn liền với công nghệ cũng là một vấn đề đáng cân nhắc. Theo NHSBT, chi phí hiến máu trung bình rơi vào khoảng 145 bảng Anh, hơn 4 triệu VNĐ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Những người đầu tiên trên thế giới được truyền máu nhân tạo vào cơ thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO