(QNO) - Sáng 27.3, tại cảng cá Tam Quang huyện Núi Thành nhiều ngư dân có tàu cá lớn háo hức chờ lắp đặt thiết bị VMS “ Hệ thống quan sát tàu cá bằng công nghệ vệ tinh” (Dự án MOVIMAR). Đây là dự án Việt Nam vay vốn ODA ưu đãi trị giá 14,34 triệu EURO của Pháp, Ban quản lý các dự án Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) làm chủ đầu tư và Công ty Collecte Localition Satellites (CLS) của Pháp là nhà thầu chính, triển khai từ năm 2011 đến nay. Khoảng 3.000 tàu cá công suất lớn (từ 90 CV trở lên) thuộc 28 địa phương ven biển được thụ hưởng dự án này.
Chỉ cần chừng 1 giờ, kỹ thuật viên đã lắp đặt xong thiết bị VMS |
Theo ông Đoàn Ngọc Hiên, Phó Giám đốc Đài Thông tin duyên hải Đà Nẵng (DaNangRadio)- Đơn vị tham gia Dự án tại miền Trung, trong năm 2012, dự án đã triển khai lắp đặt được thiết bị VMS cho 42 trên tổng số 51 tàu cá ở TP Đà Nẵng được thụ hưởng. Ngày 27.3 dự án mới khởi động tại Núi Thành. Ông Huỳnh Văn Diệp, thuyền trưởng tàu Qna-90125 TS ở xã Tam Quang, Núi Thành, một điển hình tiên tiến của ngành thủy sản địa phương, vinh dự được chọn đầu tiên. Ông Diệp hồ hởi cho biết: “hệ thống này xem khá đơn giản, gồm: máy thu phát tín hiệu vệ tinh (LEO), hộp đấu dây và màn hình cảm ứng (MARLIN 100). LEO được lắp đặt trên boong tàu để thu phát tín hiệu vệ tinh. Thiết bị này hoạt động hoàn toàn tự động, không cần sự can thiệp của thuyền viên và có thể chống va đập cao, thích ứng tốt với điều kiện môi trường biển và nhiệt độ cao. Còn hộp đấu dây được lắp trong buồng lái, nối LEO tới nơi cung cấp điện trên tàu và màn hình cảm ứng MARLIN 100”.
Thực tế, trong hơn một giờ đồng hồ, hệ thống thiết bị đã được các kỹ thuật viên DaNangRadio lắp đặt xong, truyền nối tín hiệu với Trung tâm điều khiển tích hợp hàng hải (Trung tâm THEMIT) tại Hà Nội, xác nhận và đi vào hoạt động. Màn hình cảm ứng MARLIN 100 được thiết kế để có thể nhận và gửi thông báo, đồng thời có các chức năng cơ bản như nhận các bản tin khí tượng thông thường và các cảnh báo bão trong khu vực hành trình của tàu; hiển thị thông tin về tốc độ và hướng đi của tàu; hiển thị và chứa những bản tin thời tiết hàng ngày như áp suất khí quyển, gió, hướng gió và sức gió, chiều cao của sóng quanh khu vực hoạt động của tàu.
Cũng sáng ngày 27.3, tàu Qna-90244 TS của thuyền trưởng Huỳnh Văn Tạo, Phó Chủ tịch Tập đoàn nghề cá Tam Quang được lắp đặt VMS. Ông Tạo cho biết, tập đoàn nghề cá có 175 xã viên với 150 tàu cá công suất từ 300 CV trở lên, thường xuyên ra khơi, đủ các nghề câu cá ngừ đại dương, câu mực đại dương, lưới vây, lưới kéo, lưới rê... tận biển Hoàng Sa, Trường Sa. Mỗi lần đi về mất 15-20 ngày đêm, nên phải tính toán kỹ không thì lỗ tiền dầu, tiền chia cho 15 -20 thuyền viên bình quân được 5-6 triệu đồng/chuyến/tháng mà thôi. Nay tàu được trang bị thêm thiết bị VMS ngư dân sẽ càng vững tâm hơn khi ra khơi, vừa định vị được ngư trường, luồng cá và cảnh báo cho những tàu cá khác trong tổ đội và tàu cá đánh bắt gần khu vực tránh đi nhiều rủi ro, thiệt hại. Và trong 3 ngày qua, có 12 tàu của Tập đoàn Nghề cá Tam Quang được lắp đặt VMS thuộc dự án MOVIMAR. Cả tỉnh Quảng Nam có 50 tàu cá được thụ hưởng dự án này trong năm 2013.
Ông Trần Quốc Việt, Trưởng phòng quản lý tàu cá Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam khẳng định: với những tính năng tối ưu của thiệt bị VMS, dự án MOVIMAR sẽ mang đến sự an toàn và hiệu quả khai thác cao cho hoạt động khai thác hải sản của ngư dân trên biển, đồng thời giúp các cơ quan quản lý nghề cá và cơ quan PCLB và tìm kiếm cứu nạn có những biện pháp xử lý nhanh, chính xác các tai nạn, sự cố kỹ thuật đối với các tàu cá hoạt động trên biển quê hương.
XUÂN LAN