Năm 2019, nền kinh tế huyện Đại Lộc trên đà khởi sắc. Huyện có những chuyển biến rõ nét trong công tác quảng bá, kêu gọi, thu hút đầu tư, phát huy thế mạnh của một địa phương giàu tiềm năng về công nghiệp (CN) - tiểu thủ công nghiệp (TTCN). Nền kinh tế huyện chuyển dịch theo hướng tích cực, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nghị quyết đề ra.
Công nghiệp trên đà khởi sắc
Năm 2019, dù có nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ, song nền kinh tế Đại Lộc vẫn duy trì tăng trưởng ổn định, tổng giá trị sản xuất toàn huyện ước đạt 11.846 tỷ đồng, đạt kế hoạch và tăng 12,35% so với năm 2018. Trong đó, nhờ duy trì tốc độ tăng trưởng khá, giá trị sản xuất ngành CN-TTCN - xây dựng của huyện ước đạt 7.377 tỷ đồng; thương mại - dịch vụ ước đạt 3.094 tỷ đồng.
Điều đáng phấn khởi là giá trị sản xuất CN-TTCN phần huyện quản lý ước đạt 5.102 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu đề ra. Một số doanh nghiệp đã mở rộng quy mô, tiếp tục đầu tư nâng cấp máy móc, dây chuyền sản xuất, nâng cao công suất của nhà máy, tìm kiếm thị trường, tạo nhiều việc làm, ổn định đời sống cho công nhân, như Công ty CP Prime Đại Lộc, Công ty Grozbeckert Việt Nam, Công ty CP Đại Hưng, Hợp tác xã CN-TTCN Đại Hiệp...
Theo ông Trần Văn Mai - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc, để năm 2019 nền sản xuất CN-TTCN trên địa bàn huyện có những chuyển biến tích cực, trong năm huyện đã nỗ lực đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, trực tiếp làm việc với doanh nghiệp đến tìm hiểu cơ hội đầu tư. Huyện cũng đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, từng bước rút ngắn, giản đơn các thủ tục, tạo điều kiện và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đến tìm hiểu, đầu tư. Không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, chủ trương của huyện là chỉ thu hút các dự án CN có hàm lượng công nghệ cao, hạn chế tác động tới môi trường, kiên quyết từ chối dự án có khả năng gây tác động xấu tới môi trường.
Đi đôi với phát triển CN tập trung ở các cụm công nghiệp (CCN), Đại Lộc cũng chú trọng đến CN phân tán và các ngành nghề nông thôn ở những vùng, địa phương có điều kiện thuận lợi, như gia công may mặc xuất khẩu, chế biến nông lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, sản xuất đồ gỗ... Đồng thời địa phương tích cực đẩy mạnh nhiệm vụ phục hồi và phát triển các làng nghề truyền thống, nhân cấy các nghề mới. Huyện đang tích cực tiến hành việc xúc tiến đầu tư cho các điểm du lịch trên địa bàn huyện như Bằng Am, xã Đại Hồng; hồ Khe Tân, xã Đại Thạnh và xã Đại Chánh; sông Cùng, xã Đại Lãnh...
Xuân mới, nỗ lực mới
Đại Lộc hiện có 15 CCN với tổng diện tích gần 392ha, trong đó 13/15 CCN đã đi vào hoạt động. Đến năm 2019, toàn huyện có khoảng 140 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CN, tăng 21 doanh nghiệp so với cùng kỳ; trong năm 2019 huyện xúc tiến, kêu gọi 16 dự án đăng ký đầu tư vào địa bàn (9 dự án trong CCN và 7 dự án ngoài CCN). Năm 2020, Đại Lộc phấn đấu đưa giá trị sản xuất đạt tốc độ tăng trưởng 12%; trong đó CN-TTCN - xây dựng tăng 13% (CN-TTCN phần huyện quản lý tăng 14%), thương mại - dịch vụ tăng 14%.
Bên cạnh những thành quả đạt được, chính quyền huyện Đại Lộc cũng nhìn nhận rằng, công tác quảng bá, xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển CN - thương mại - dịch vụ trên địa bàn còn đối diện với những khó khăn nhất định. Trong đó, quỹ đất còn lại của các CCN không còn nhiều, lại hầu hết nằm ở những vị trí không thuận lợi, do đó nhà đầu tư ít có sự lựa chọn dẫn đến hiệu quả kêu gọi thu hút đầu tư chưa cao. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng trong CCN chưa được đầu tư hoặc có đầu tư nhưng chưa xây dựng đồng bộ và hoàn chỉnh, nhất là các CCN trên địa bàn chưa có nguồn nước sạch để cung cấp cho doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất nên chủ yếu vẫn là dùng nước ngầm. Ngoài ra, công tác xác nhận nguồn gốc đất, công tác bồi thường còn chậm cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án...
Để đẩy mạnh quảng bá, thu hút đầu tư phát triển CCN, ông Trương Công Trái - Giám đốc Trung tâm Phát triển CCN & thương mại - dịch vụ huyện Đại Lộc cho biết, địa phương sẽ tiếp tục xin chủ trương, nguồn vốn và tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng CCN như đường nội bộ, đường gom, xây dựng các công trình xử lý nước thải tập trung để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh. Đồng thời huyện đề nghị cấp thẩm quyền xem xét, cho chủ trương bố trí nguồn ngân sách thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch trong CCN để tạo điều kiện thu hút đầu tư...
Ông Trần Văn Mai cho rằng, năm 2020, để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đặt ra trong phát triển kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực CN-TTCN, huyện Đại Lộc phấn đấu thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh. Chính quyền sẽ tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp xúc tiến, thu hút đầu tư; duy trì tổ chức tốt các hội nghị, cuộc gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo huyện và doanh nghiệp để nắm bắt, trao đổi tâm tư, kịp thời tháo gỡ và kiến nghị tỉnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Với những dự án đã được cấp phép nhưng quá thời gian mà không triển khai thực hiện hoặc việc triển khai thực hiện không đáp ứng yêu cầu của dự án, huyện sẽ kiến nghị UBND tỉnh thu hồi nhằm đưa vào quản lý để kêu gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực. Đại Lộc cũng sẽ tích cực chỉ đạo quản lý, theo dõi, giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các nhà máy gây ô nhiễm trong thời gian qua; sẽ xử lý, kiến nghị UBND tỉnh xử lý nghiêm theo quy định nếu doanh nghiệp tiếp tục vi phạm, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống nhân dân...