(Xuân Quý Mão) - Đối với công nghiệp, muốn đạt được những mục tiêu đề ra theo định hướng phát triển từ nay đến năm 2030, Quảng Nam cần triển khai nhiều chính sách để chuyển dịch công nghiệp hóa của tỉnh theo hướng tự chủ và bền vững.
Từ năm 2018 cục diện địa chính trị kinh tế thế giới ngày càng thay đổi theo hướng tăng rủi ro các hoạt động kinh tế. Đại dịch COVID từ cuối năm 2019 làm cho khuynh hướng đó càng mạnh hơn. Các công ty đa quốc gia phải quan tâm hơn đến việc duy trì, ổn định hóa các dây chuyền sản xuất, các nước thì tăng cường nội lực, nỗ lực tăng nội địa hóa để tăng trưởng và bảo đảm an ninh kinh tế.
Là nước có nguồn lao động và tài nguyên phong phú lại ở vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương quốc tế, Việt Nam đã trở thành môi trường hấp dẫn thu hút một bộ phận quan trọng của dòng chảy đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Tuy nhiên cho đến nay, Việt Nam chưa chủ động định hướng dòng chảy FDI và chưa tham gia tích cực chuỗi cung ứng toàn cầu của các công ty đa quốc gia. Củng cố nội lực để công nghiệp hóa triển khai theo hướng tự chủ hơn là vấn đề quan trọng nhất hiện nay.
Với vai trò quan trọng của Khu kinh tế mở Chu Lai mà hạt nhân là hoạt động của Công ty Ô tô Trường Hải (THACO), và với nhiều dự án FDI đã được triển khai, công nghiệp hóa tỉnh Quảng Nam đã tiến triển khả quan. Tuy nhiên còn nhiều dư địa về chính sách để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và đẩy mạnh công nghiệp hóa theo hướng tự chủ mà Quảng Nam cần phải quan tâm.
Để kinh tế Việt Nam phát triển tự chủ hơn
Công nghiệp hóa ở Việt Nam đã tiến triển một bước lớn, các chỉ tiêu liên quan vị trí của công nghiệp trong nền kinh tế, chẳng hạn tỷ lệ của giá trị gia tăng của công nghiệp trên tổng sản phẩm trong nước (GDP) hay tỷ lệ của lao động công nghiệp trong tổng lao động đã tăng đáng kể. Tuy nhiên có ba điểm cần được cải thiện.
Một là, công nghiệp hóa Việt Nam phụ thuộc nhiều vào FDI. FDI chiếm hơn 70% xuất khẩu và 50% sản lượng công nghiệp của Việt Nam. Đây là các tỷ lệ rất cao so với những nước tích cực thu hút FDI ở Á châu. Dĩ nhiên thu hút FDI là cần thiết để đẩy mạnh phát triển nhưng phải có chọn lựa và vai trò của doanh nghiệp trong nước phải được chú trọng hơn.
Hai là, công nghiệp Việt Nam trong mấy năm qua có cải thiện về chiều sâu, sản xuất nhiều hơn các linh kiện, bán chế và các sản phẩm trung gian khác, nhưng nhìn chung lắp ráp, gia công vẫn còn chủ đạo. Đặc biệt các sản phẩm trung gian chủ yếu còn là những lĩnh vực công nghệ còn thấp.
Hiện nay, tuy Việt Nam xuất khẩu nhiều mặt hàng công nghiệp quan trọng như điện thoại di động và các sản phẩm điện tử nhưng hầu như là lắp ráp, và phải phụ thuộc nhập khẩu các linh kiện, sản phẩm bán chế từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Nói khác đi, việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cần phải được đẩy mạnh.
Ba là, cho đến nay hầu như sự liên kết giữa FDI và doanh nghiệp trong nước rất yếu. Điểm này liên quan điểm thứ hai nói trên. Muốn liên kết thì doanh nghiệp Việt Nam phải cung cấp các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đủ chất lượng và với giá cả cạnh tranh được. Nhưng đa số doanh nghiệp trong ngành này là nhỏ và vừa (SMEs), vừa yếu về nguồn lực kinh doanh, vừa gặp nhiều khó khăn trong việc vay vốn, thuê đất và các thủ tục hành chính.
Hiện nay số doanh nghiệp trong ngành công nghiệp hỗ trợ chưa tới 5.000, là con số quá nhỏ so với gần 11 vạn doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến chế tạo (vào thời điểm 31/12/2019, theo Bộ Công Thương).
Thêm vào đó, ngay trong cả lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, số lượng doanh nghiệp FDI khá lớn. Đặc biệt trong ngành điện tử, trong tổng số 506 doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ có tới 404 là doanh nghiệp FDI. Điểm này càng cho thấy công nghiệp Việt Nam có độ phụ thuộc rất lớn vào FDI.
Để công nghiệp hóa Việt Nam triển khai theo hướng tự chủ cần củng cố và phát huy nội lực. Cụ thể có ba vấn đề lớn cần giải quyết.
Thứ nhất, đẩy mạnh sản xuất thay thế những linh kiện, sản phẩm bán chế và các sản phẩm trung gian khác đang nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Cần định hướng dòng chảy FDI và chọn lựa các dự án phù hợp với việc thay thế nhập khẩu từ hai nước này.
Thứ hai, tạo điều kiện để doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh mẽ. Hiện nay trong kinh tế ngoài quốc doanh (không kể nông nghiệp) có tới 30% lao động làm việc trong khu vực phi chính thức như các hộ kinh tế cá thể, hộ kinh tế gia đình, số còn lại phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
SMEs lại thường gặp khó khăn trong việc vay vốn và thuê đất để đầu tư và khả năng tiếp cận với công nghệ và thị trường rất hạn chế. Các trở ngại này không thể khắc phục nếu không có chính sách hỗ trợ từ Chính phủ. Như vậy phần lớn doanh nghiệp Việt Nam quy mô quá nhỏ lại gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh nên không thể tham gia có hiệu quả và đầy đủ vào chuỗi cung ứng toàn cầu hay chuỗi cung ứng khu vực.
Nhiều công ty FDI đầu tư ở Việt Nam tích cực trong nỗ lực nội địa hóa linh kiện và các sản phẩm trung gian khác nhưng không tìm được nhiều doanh nghiệp bản xứ có khả năng đáp ứng nhu cầu của họ. Chính sách cần thiết của Việt Nam là tạo điều kiện để khu vực phi chính thức trở thành những doanh nghiệp có tổ chức, đồng thời tăng cường các biện pháp hỗ trợ SMEs.
Thứ ba, nỗ lực tăng nguồn nhân lực chất lượng cao. Không cung cấp đủ lao động có trình độ kỹ thuật trung và cao cấp thì không chuyển dịch công nghiệp hóa theo hướng thâm sâu, thay thế được các sản phẩm trung gian nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc.
Điều tra của JICA (2022) cho thấy kết quả đáng ngạc nhiên và lo ngại: Năm 2020 có tới 61% lực lượng lao động có trình độ học vấn 9 năm trở xuống, và chỉ có 24% lao động có trình độ kỹ thuật và chuyên môn. Việt Nam cần khẩn trương tăng cường đào tạo các bậc cao đẳng kỹ thuật, cao đẳng chuyên nghiệp và lao động bậc cao như kỹ sư và quản lý trung gian.
Quảng Nam trong dòng thác công nghiệp mới
Quảng Nam vốn là một tỉnh nông nghiệp nhưng từ khi thiết lập Khu kinh tế mở Chu Lai, với sự phát triển mạnh mẽ của THACO từ 2003, công nghiệp hóa của tỉnh đã tiến một bước đáng kể.
Tỉnh cũng đã thành công trong việc thu hút nhiều dự án FDI. FDI đăng ký lũy kế cho đến cuối năm 2019 là 6,1 tỷ USD, nhiều nhất trong các tỉnh ở duyên hải Nam Trung Bộ. Kể cả Bắc Trung Bộ, Quảng Nam chỉ đi sau Thanh Hóa và Hà Tĩnh là những địa phương có các dự án FDI quy mô lớn trong ngành công nghiệp nặng.
Công nghiệp hóa và phát triển của Quảng Nam hầu như tiến triển theo cùng đà tiến chung của cả nước nên cơ cấu kinh tế của tỉnh hiện nay gần giống cơ cấu của cả nước.
Trong GDP của cả nước (năm 2019), nông lâm ngư nghiệp chiếm 14%, công nghiệp và xây dựng chiếm 35%. Trong GRDP của Quảng Nam (năm 2021), hai con số tương ứng là 14% và 37%. Trong tổng lao động cả nước, nông lâm ngư nghiệp chiếm 35%, công nghiệp và xây dựng chiếm 30%. Hai con số tương ứng của Quảng Nam là 36% và 32%.
Có thể nói THACO đã đóng vai trò đầu tàu của công nghiệp hóa Quảng Nam. Từ năm 2003, THACO đầu tư vào Chu Lai, xây dựng các nhà máy sản xuất lắp ráp ô tô, đồng thời chú trọng tăng tỷ lệ nội địa hóa cho ô tô nên ngay từ đầu đã nỗ lực xây dựng các nhà máy sản xuất cơ khí và linh kiện phụ tùng.
Các nỗ lực này đã phát triển thành Tổ hợp cơ khí chế tạo và công nghiệp hỗ trợ gồm có Trung tâm R&D, Trung tâm sản xuất Cơ khí và 19 nhà máy sản xuất linh kiện phụ tùng. Kết quả là ô tô sản xuất tại Quảng Nam đã đạt tỷ lệ nội địa hóa cao nhất tại Việt Nam (xe du lịch từ 22-40%, xe tải đạt hơn 45% và xe bus hơn 60%).
Ngoài ra, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của THACO còn xuất khẩu và cung cấp cho nhiều công ty ô tô khác như Toyota, Hyundai, Isuzu; xe máy Piaggio tại Việt Nam và chế tạo các sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI như General Electric, Doosan, Makitech,…
Cuối năm 2022, THACO còn đầu tư và đưa vào hoạt động thêm 4 nhà máy để sản xuất nguyên vật liệu và gia công cơ khí; khuôn; sơmi rơmoóc và cấu kiện nặng, và thiết bị chuyên dụng. Kế hoạch của THACO là đến năm 2025 sẽ tăng thêm 17 nhà máy, đưa tổng số các nhà máy cơ khí và công nghiệp hỗ trợ lên 36 nhà máy.
Như vậy hoạt động hiện nay và kế hoạch phát triển của THACO sẽ làm thâm sâu công nghiệp hóa, làm chuyển dịch cơ cấu công nghiệp của Quảng Nam lên cao hơn nữa.
Ba vấn đề hiện nay của công nghiệp hóa Việt Nam nói ở phần đầu cũng là ba vấn đề của Quảng Nam. Chính quyền tỉnh nên đưa ra các chính sách nhằm giải quyết ba vấn đề ấy để vừa yểm trợ hoạt động của THACO nói riêng và đẩy mạnh công nghiệp hóa của Quảng Nam nói chung. Cụ thể cần các chính sách sau:
Thứ nhất, về việc đẩy mạnh sản xuất thay thế những linh kiện, sản phẩm bán chế và các sản phẩm trung gian khác đang nhập khẩu nhiều từ Trung Quốc và Hàn Quốc, ngoài hoạt động của THACO trong ngành ô tô, nên tích cực thu hút FDI và khuyến khích doanh nghiệp trong tỉnh sản xuất công nghiệp hỗ trợ trong những ngành khác.
Cần cải thiện chất lượng hạ tầng để có thể thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước về lĩnh vực công nghiệp trung và thượng nguồn. Trước mắt chọn lựa một số khu công nghiệp để tập trung cải thiện hạ tầng phần cứng và phần mềm (quản lý, thủ tục hành chính,...) sau đó sẽ từng bước mở rộng sang các địa điểm khác. Ngoài ra, nên ưu tiên quy hoạch hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông (đường bộ, đường biển, cảng, dịch vụ cảng…) một cách đồng bộ, hiện đại, kết nối logistics đa phương thức nhằm hỗ trợ hoạt động vận chuyển hàng hóa được thông suốt, thuận tiện.
Thứ hai, có biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy phát triển SMEs trong ngành công nghiệp hỗ trợ, từng bước thay thế được FDI trong lĩnh vực này và liên kết hàng dọc với doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư ở Việt Nam. Cần cải cách hành chính để giảm xin cho, giảm kiểm tra và hoàn thiện thị trường vốn, thị trường đất đai.
Bộ máy phụ trách SMEs ở tỉnh nên phát huy chức năng hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp nhỏ, vừa, siêu nhỏ trong việc vay vốn, tìm đối tác, phương pháp tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ. Các cơ quan này cũng có vai trò giới thiệu các doanh nghiệp nhỏ và vừa để họ liên kết với các doanh nghiệp lớn, với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Thứ ba, để chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo hướng mới cần cung cấp đủ nguồn nhân lực chất lượng cao. Chấn chỉnh lại hệ thống trường trung cấp, cao đẳng với nội dung giáo dục đáp ứng nhu cầu mới và xây dựng cơ sở, hệ thống đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật cao, nguồn nhân lực cho công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là nguồn nhân lực trong lĩnh vực thiết kế chế tạo, nghiên cứu và phát triển (R&D). Xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích liên kết giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo và phát triển các chương trình đào tạo phù hợp với thực tiễn.
Nhu cầu lao động có kỹ năng và chất lượng cao ngày càng tăng mà Việt Nam đang thiếu. Quảng Nam nên chú trọng vấn đề này hơn nữa. Riêng THACO, hiện nay số lao động làm việc tại Chu Lai là gần 14.000 người.
Trong giai đoạn 2022- 2025, nhu cầu nhân sự của Tập đoàn dự kiến sẽ tăng khoảng 15%/năm (tạo ra từ 9 đến 10 ngàn việc làm mỗi năm). Trong số lao động cần thiết, 32% có trình độ đại học trở lên, 18% cao đẳng kỹ thuật và 50% là công nhân kỹ thuật.
Hầu hết là lao động chất lượng cao nên THACO sẽ tiếp nhận lao động từ nhiều tỉnh thành trong cả nước nhưng Quảng Nam nên nỗ lực tăng cung cấp lao động có kỹ năng để người ở địa phương có thể tham gia nhiều hơn vào hoạt động của THACO. Đó cũng là biện pháp tăng thu nhập cho người dân trong tỉnh.
Trên đây là những gợi ý các chính sách cần có để chuyển dịch công nghiệp hóa Quảng Nam theo hướng tự chủ và bền vững.