Công nghiệp (CN) sản xuất bao bì được xem là ngành mới mẻ ở Quảng Nam, chỉ mới phát triển trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đây là nhóm ngành CN phụ trợ đang được chính quyền địa phương hỗ trợ, khuyến khích ưu đãi đầu tư để đáp ứng nhu cầu của ngành hàng tiêu dùng và xuất khẩu.
Các doanh nghiệp bao bì ở Quảng Nam cần đầu tư công nghệ để tăng năng lực cũng như khả năng cạnh tranh. Ảnh: Đ.H |
Nhu cầu tất yếu...
Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm đóng gói, đồ uống đóng chai và các mặt hàng chế biến nông, hải sản xuất khẩu... ngày càng tăng cao, dẫn đến việc gia tăng các sản phẩm bao bì. Nhận thấy tiềm năng lớn của thị trường này, ngay từ năm 2004, Công ty CP Hồng Đào - Chu Lai đã đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng nhà máy sản xuất bao bì tại Khu kinh tế mở Chu Lai. Trong gần 15 năm đi vào hoạt động, Công ty CP Hồng Đào - Chu Lai đã trở thành nơi chuyên cung cấp sản phẩm các loại bao bì cho doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh. Thành công của DN là không ngừng đổi mới, phát triển quy mô theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu bằng việc cải tiến công nghệ, đổi mới máy móc thiết bị. Theo ông Phạm Văn Đào - Giám đốc Công ty CP Hồng Đào - Chu Lai, với dây chuyền công nghệ hiện đại, công ty chuyên sản xuất các loại sản phẩm về in ấn bao bì các thùng carton, túi giấy... chủ yếu phục vụ cho ngành may mặc xuất khẩu. Hiện nay, công ty đã cung ứng và ký kết cung ứng sản phẩm bao bì cho hơn 200 khách hàng thường xuyên trong và ngoài tỉnh. Tăng trưởng doanh thu hàng năm của công ty luôn đạt mức từ 25 - 30%/năm.
Khoảng 10 năm trở lại đây, số lượng DN chuyên sản xuất bao bì trên địa bàn tỉnh tăng lên đáng kể. Tiếp sau Công ty CP Hồng Đào - Chu Lai, trong những năm gần đây, trên địa bàn Quảng Nam đã có hàng loạt nhà máy sản xuất bao bì ra đời như Công ty TNHH Bao bì Tấn Đạt, Công ty CP Giấy Sài Gòn - miền Trung, Công ty CP Bao bì Hòa Thọ - Quảng Đà, Công ty TNHH MTV Danameco Quảng Nam… đang hoạt động có hiệu quả, bước đầu đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của nhiều DN may mặc trên địa bàn tỉnh. Ông Nguyễn Đình Nghĩa - Phó Tổng Giám đốc Công ty May Tuấn Đạt cho biết, sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, công ty đã khẳng định đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất bao bì Thuận Yên (tại Khu CN Thuận Yên, Tam Kỳ) là đúng hướng, vừa đảm bảo tự chủ sản xuất bao bì khép kín phục vụ ngành hàng may mặc xuất khẩu của các đơn vị trực thuộc của tổng công ty và cung ứng cho nhiều khách hàng may mặc xuất khẩu ở địa phương. Mức tăng trưởng khá ổn định.
Và những thách thức
Đến nay, Quảng Nam có 6.000 DN đang hoạt động; trong đó có 153 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đăng ký 5,58 tỷ USD, tập trung phát triển ở các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện, điện tử; may mặc, da giày; sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm thủy hải sản xuất khẩu… CN bao bì thuộc nhóm ngành CN phụ trợ, do vậy, có liên hệ mật thiết với hoạt động xuất khẩu hàng hóa và các sản phẩm các ngành hàng tiêu dùng. Đặc biệt hơn, trong những năm gần đây, Quảng Nam luôn giữ mức tăng trưởng kinh tế cao so các tỉnh, thành trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu bình quân mỗi năm tăng 15%. Đây cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước mở rộng đầu tư lĩnh vực ngành sản xuất bao bì ở Quảng Nam.
Theo số liệu của Cục Thống kê Quảng Nam, doanh thu sản lượng bao bì, đóng gói mỗi năm trên địa bàn tỉnh tăng trưởng bình quân 25 - 30%. Tuy nhiên, ngành CN sản xuất bao bì trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các DN có quy mô sản xuất nhỏ và vừa. Tính đến nay, toàn tỉnh mới chỉ có 10 DN chuyên sản xuất bao bì. Do khó khăn nguồn vốn, các DN đầu tư dây chuyền công nghệ tự sản xuất trong nước, thủ công; sản phẩm chưa đa dạng về chủng loại, hình thức; đơn điệu về mẫu mã; nhiều loại sản phẩm chất lượng còn hạn chế… nên tính cạnh tranh chưa cao, lợi nhuận và giá trị gia tăng thấp. Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, với mức tăng trưởng trên dưới 10%/năm, ngành CN bao bì Việt Nam được đánh giá là khá hấp dẫn với các DN ngoại. Chính vì vậy, trong những năm đến, các DN bao bì trên địa bàn tỉnh sẽ không chỉ cạnh tranh với DN trong nước mà cả các DN FDI. Chính vì vậy, để giữ vững thị phần cũng như nâng cao khả năng cung ứng cho thị trường xuất khẩu, DN sản xuất bao bì cần phải không ngừng phát triển quy mô theo cả chiều rộng lẫn chiều sâu bằng việc cải tiến công nghệ, đổi mới máy móc thiết bị, thân thiện với môi trường...
ĐẶNG HÙNG