Công nghiệp Thăng Bình: Phát triển theo chiều sâu

NGUYỄN QUANG VIỆT 04/08/2015 09:50

Tận dụng các lợi thế, Thăng Bình đã tạo mặt bằng “sạch”, cải thiện hạ tầng, đào tạo nghề… để thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển đa ngành công nghiệp. Thời gian tới, địa phương sẽ thực hiện nhiều giải pháp để phát triển công nghiệp theo chiều sâu.

Thăng Bình có đa dạng các nguồn tài nguyên, nhất là ưu điểm về đất đai và lao động để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp. Trong 5 năm qua (2010 - 2015), huyện đã thu hút được 15 doanh nghiệp đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp với tổng số vốn 458 tỷ đồng. Đến thời điểm này, Thăng Bình đã nâng tổng số doanh nghiệp hoạt động sản xuất trên địa bàn huyện lên 25 doanh nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 5 nghìn lao động tại địa phương...

Khởi sắc

Cuối năm 2012, Công ty May Sài Gòn Xanh được UBND huyện Thăng Bình tạo điều kiện thuận lợi để khởi công xây dựng cơ sở tại Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được. Đến thời điểm này, công ty cũng đã thu hút hơn 500 lao động địa phương vào làm việc. Là doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc xuất khẩu, công ty quy sản phẩm thành giá trị cho mỗi công nhân với mức lương khoảng 15 USD/ngày. Với cách tính sản phẩm như vậy, mỗi lao động tại đây thu nhập không dưới 3 triệu đồng/tháng. Ông Thái Văn Đới - Giám đốc điều hành Công ty May Sài Gòn Xanh cho biết, nhờ sản xuất ổn định và các mặt hàng xuất khẩu đem lại lợi nhuận cao nên công ty đang mở rộng sản xuất. Công ty đang có kế hoạch thu hút thêm khoảng 1 nghìn lao động trong thời gian đến.

Thăng Bình đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển công nghiệp. Trong ảnh: Khánh thành công trình đường Bình Quý - Bình Phú.
Thăng Bình đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông thúc đẩy phát triển công nghiệp. Trong ảnh: Khánh thành công trình đường Bình Quý - Bình Phú.

Không khí lao động tại Công ty CP May Thăng Bình rất sôi động vào những ngày này. Hơn 400 lao động miệt mài với các công đoạn cắt, may, là, hoàn thiện sản phẩm. “Từ đầu năm 2015 đến nay, thu nhập của tôi ổn định ở mức 4 triệu đồng/tháng. Có nguồn thu nhập ổn định và công ty còn có cơ chế thưởng riêng nên công nhân chúng tôi rất yên tâm làm việc để đáp ứng các chỉ tiêu, kế hoạch từ nay đến cuối năm của công ty. Hy vọng nguồn hàng lớn lại đảm bảo chất lượng sẽ giúp chúng tôi được ghi nhận, tưởng thưởng vào cuối năm” - chị Nguyễn Thị Ái (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình) nói.
May mặc là một trong những ngành nghề công nghiệp phát triển mạnh ở Thăng Bình trong thời gian qua. Các lĩnh vực công nghiệp ở huyện tương đối toàn diện, rộng khắp. Có thể kể đến các ngành sản xuất vật liệu xây dựng như cát, sỏi, đá, ngói, gạch; chế biến thủy hải sản; cơ khí; đặc biệt là chế biến khoáng sản. Với thế mạnh có nhiều mỏ khoáng sản lớn như cát thủy tinh, ti tan, sắt, cao lanh… nhóm ngành chế biến khoáng sản của huyện phát triển mạnh trong thời gian qua.

Ngành may mặc phát triển mạnh ở huyện Thăng Bình.Ảnh: QUANG VIỆT
Ngành may mặc phát triển mạnh ở huyện Thăng Bình.Ảnh: QUANG VIỆT
Đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu phát triển
Theo Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp - thương mại và dịch vụ Thăng Bình, đến thời điểm này, ngoài 15 doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn, nhiều công ty, doanh nghiệp khác cũng đang liên hệ để tìm hiểu, khảo sát và xin đầu tư ngoài cụm công nghiệp. Công ty TNHH Hy Sung, Tập đoàn Hansea của Hàn Quốc là các ví dụ.
Ông Phan Phước Đồng - Giám đốc Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp - thương mại và dịch vụ Thăng Bình cho biết, sự ổn định sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp không chỉ giúp địa phương giải quyết việc làm mà còn đóng góp lớn vào ngân sách của huyện. Còn ông Nguyễn Văn Ngữ - Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình cho biết, trong thời gian qua, địa phương đã phối hợp chặt chẽ với Sở LĐ-TB&XH để thực hiện tối ưu nhiệm vụ đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn. Bởi vậy, đến thời điểm này, các lao động, nhất là công nhân ngành may mặc được thu hút vào làm việc ở các công ty may mặc tại các cụm công nghiệp đều đáp ứng tốt các nhu cầu công việc theo đơn đặt hàng khắt khe của thị trường ngoài nước.
Hiện tại, Trung tâm Dạy nghề huyện Thăng Bình đang khẩn trương bắt tay thực hiện đào tạo đa dạng các nghề dành cho lao động nông thôn trên địa bàn. Để khi hoàn thành khóa học, học viên có việc làm ổn định, huyện Thăng Bình đã phối hợp với các doanh nghiệp may như Công ty TNHH May Sài Gòn Xanh hay Công ty May Hòa Thọ, Công ty May Domex Quảng Nam, đảm bảo đầu ra cho học viên.

Theo quy hoạch phát triển công nghiệp của tỉnh, Thăng Bình có 10 cụm công nghiệp. Tính đến nay, đã có 4 cụm công nghiệp đi vào hoạt động sản xuất. Đó là các Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được, Kế Xuyên - Quán Gò, Nam Hà Lam và Bình An. Trong đó, Cụm công nghiệp Hà Lam - Chợ Được có diện tích lớn nhất (83ha), đang được xúc tiến nâng lên thành khu công nghiệp trọng điểm của huyện. Về lao động, tỷ lệ lao động là người dân Thăng Bình mới chỉ chiếm tỷ lệ 45%. Huyện đang tập trung đào tạo nghề để chuyển dịch mạnh mẽ hơn nữa cơ cấu lao động từ nông thôn sang hoạt động ở khu, cụm công nghiệp. Khi các cụm công nghiệp phát triển mạnh sẽ tạo sức lan tỏa, phát triển mạnh sang các ngành dịch vụ, thương mại, tạo sức bật mới cho nền kinh tế.

Phát triển chiều sâu

Ông Phan Công Vỹ - Phó Bí thư Huyện ủy Thăng Bình cho biết, nằm trong trục gắn kết phát triển với nhiều địa phương như TP.Tam Kỳ, TP.Hội An là tiền đề để huyện phát triển thêm một số ngành công nghiệp phụ trợ. Thăng Bình tập trung phát triển chế biến nông nghiệp “sạch” theo các chuỗi ngành hàng. Huyện kết nối với TP.Hội An và TP.Đà Nẵng để khai thông phát triển kinh tế biển, trong đó sản phẩm nổi bật nhất là du lịch - dịch vụ biển. Trong tầm nhìn dài hạn, Thăng Bình chú trọng xây dựng huyện công nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững. Theo đó, nông nghiệp với các chuỗi giá trị hàng hóa và các sản phẩm ngư nghiệp sẽ được đầu tư chế biến sâu, phục vụ cho các đô thị và các chuỗi du lịch biển trong vùng duyên hải miền Trung. Đó sẽ là hướng đi chủ đạo của huyện trong thời gian đến. Để thực hiện điều này, huyện chú trọng và có hướng khắc phục các tác động xấu của biến đổi khí hậu.
Theo UBND huyện Thăng Bình, để phát triển công nghiệp, từ nay đến năm 2020, Thăng Bình tập trung nâng cấp và hoàn chỉnh hạ tầng các cụm công nghiệp. Huyện khuyến khích chuyển hướng một số cụm công nghiệp trên địa bàn từ sản xuất đa ngành sang chuyên ngành. Định hướng này sẽ giúp hạn chế việc triển khai các ngành manh mún, nhỏ lẻ. Hơn nữa, mô hình các khu công nghiệp chuyên ngành phù hợp với quy mô sản xuất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, tạo được sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng chuỗi cung ứng. Điều đó giúp địa phương hình thành chuỗi sản xuất thống nhất, tạo ra các sản phẩm chuyên nghiệp, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và tiến tới xuất khẩu.

Theo định hướng, các ngành nghề trong các cụm công nghiệp sẽ được sắp xếp, điều chỉnh hợp lý hơn trong thời gian đến. Huyện chủ động dành đất chủ yếu cho ngành công nghiệp chế biến nông lâm, thủy sản và công nghiệp nhẹ sản xuất hàng tiêu dùng. Ngành công nghiệp có thể gây tác động xấu đến môi trường sẽ hạn chế hoạt động. Từ nay đến năm 2020, từ các nguồn lực cộng với sự hỗ trợ của tỉnh và trung ương, Thăng Bình phấn đấu hình thành, phát triển cụm công nghiệp với các chuyên ngành cơ khí, chuyên ngành dệt may, da giày, cụm ngành thủy tinh, tạo tác động lan tỏa phát triển theo chuỗi trong liên kết công nghiệp.

NGUYỄN QUANG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công nghiệp Thăng Bình: Phát triển theo chiều sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO