Với những quyết sách đột phá mang tính chiến lược, Quảng Nam đã có sự thay đổi, phát triển ngày càng mạnh mẽ, tiệm cận ở mức khá so với cả nước, tạo nên thế và lực mới cho hướng đi trong tương lai...
Hạ tầng cho công nghiệp
Trong giai đoạn 2016 - 2020, kết cấu hạ tầng đã phát huy tác dụng tốt, phục vụ nhu cầu phát triển trong tỉnh và liên kết vùng, nhất là các tuyến đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đường Võ Chí Công, đường ĐT607…, cùng với một số cơ chế, chính sách của tỉnh về thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực, vốn đầu tư vào khu - cụm công nghiệp (CN).
Theo đó, có 13 khu CN và 55 cụm CN đã hoàn thành về quy hoạch, có chủ đầu tư hạ tầng và thu hút được nhiều nhà đầu tư thứ cấp; năng lực sản xuất ngành CN tiếp tục tăng; nhiều dự án hoàn thành đưa vào sản xuất tại Khu CN Tam Thăng, Khu CN Điện Nam - Điện Ngọc…
Nhiều nhà máy của Công ty CP Ô tô Trường Hải được mở rộng đầu tư tại Khu CN Bắc Chu Lai và các nhà máy thủy điện tiếp tục đi vào hoạt động… Trong tổng vốn đầu tư thì đầu tư cho ngành CN chế biến, chế tạo là cao nhất, hàng năm giao động từ hơn 17% đến 34%/tổng vốn đầu tư. Trong số các dự án FDI còn hiệu lực cũng chủ yếu tập trung đầu tư ở ngành CN chế biến chế tạo, dịch vụ du lịch.
Ngành CN được xác định là động lực chính trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, đóng góp lớn vào thu ngân sách của tỉnh.
Trong đó, ngành CN chế biến, chế tạo luôn giữ vai trò chủ đạo, là động lực chính dẫn dắt tăng trưởng của toàn ngành CN cũng như toàn nền kinh tế cho cả giai đoạn, với mức tăng trưởng ấn tượng của ngành CN chế biến, chế tạo vào những năm đầu nhiệm kỳ (2015- 2016: tăng 33,7%/năm).
Trong giai đoạn này giá trị sản xuất CN chủ yếu nhờ vào đóng góp lớn của các khu kinh tế, khu - cụm CN, tập trung vào các cơ sở sản xuất kinh doanh CN chủ lực, đặc biệt là ngành CN hỗ trợ cơ khí và dệt may được hình thành và phát triển với sự xuất hiện của các doanh nghiệp lớn tại Tổ hợp cơ khí & ô tô Chu Lai - Trường Hải và Dệt may tại Khu CN Tam Thăng; Khu CN Điện Nam - Điện Ngọc; Khu CN Thuận Yên; Khu CN Đông Quế Sơn....
Du lịch - ngành kinh tế mũi nhọn
Ngày 27.12.2016, Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 08- NQ/TU về phát triển du lịch Quảng Nam đến năm 2020, định hướng đến 2025. Trong giai đoạn 2016 - 2019 du lịch Quảng Nam đã có những bước phát triển ổn định, tác động lan tỏa đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội khác và được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Các điểm du lịch, các khu nghỉ dưỡng được đầu tư xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông phục vụ du lịch được chú trọng đầu tư nâng cấp, cải tạo, xây dựng mới nhằm kết nối du lịch của tỉnh với các tỉnh lân cận.
Cùng với việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa thế giới, các giá trị văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số kết hợp với các di tích lịch sử để phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí… nhằm mở rộng không gian du lịch và kéo dài thời gian lưu trú của du khách, góp phần tạo nên diện mạo mới cho du lịch Quảng Nam.
Theo đó, mạng lưới kinh doanh du lịch trên địa bàn tăng mạnh, đến năm 2020 toàn tỉnh có gần 1.200 cơ sở lưu trú gấp 1,7 lần so với năm 2015. Quy mô chất lượng khách sạn ngày càng được nâng lên, 127 khách sạn lớn hình thành đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Tổng lượt khách tham quan và lưu trú trên địa bàn trong giai đoạn 2016 - 2019 tăng nhanh gần 23 triệu lượt khách (tăng 14,4%/năm); trong đó khách quốc tế chiếm 59% (tăng17,6%/năm). Lượng khách du lịch lưu trú tăng mạnh, năm 2015 lượt khách lưu trú đạt gần 2,2 triệu lượt đến năm 2019 gần 3,6 triệu lượt (tăng 12,7%/năm); trong đó khách quốc tế gần 1,7 triệu lượt (tăng 25,4%/năm). Tổng doanh thu du lịch giai đoạn này tăng khá (tăng11,7%/năm), trong đó năm 2019 doanh thu du lịch trên địa bàn đạt hơn 3,6 nghìn tỷ đồng tăng 1,6 lần so với năm 2015.
Khẳng định vị thế Quảng Nam
Hai mươi lăm năm qua (1997 - 2021), tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của Quảng Nam đạt 9,2%/năm, chủ yếu nhờ vào sự đóng góp của ngành CN và dịch vụ du lịch.
Cụ thể: khu vực CN - xây dựng tăng bình quân hằng năm 13,7%/năm (năm thấp nhất - 1996 tăng 18,5% và năm có mức tăng trưởng cao nhất - 2021 là 34,7%) và khu vực dịch vụ tăng bình quân 9,5%/năm; riêng CN có mức tăng trưởng đột biến với con số 14,3%/năm (thấp nhất năm 1996 với 12,6%, cao nhất năm 2021 với 28,4%).
Kết quả đạt được nêu trên phải kể đến sự thành công của Khu kinh tế mở Chu Lai, các khu - cụm CN tập trung. Toàn tỉnh đã quy hoạch phát triển 13 khu CN tập trung với tổng diện tích hơn 6.000 ha, tỷ lệ lấp đầy các khu CN hơn 51% và có 55 cụm CN với diện tích 1.260ha đang triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng, với tỷ lệ lấp đầy đạt 65,1%.
Đến đầu năm 2020, cả tỉnh có khoảng 16,5 nghìn cơ sở CN, với tổng số lao động khoảng 126 nghìn (lao động trong các doanh nghiệp chiếm hơn 80%). CN luôn là ngành dẫn đầu về đóng góp vào tăng trưởng của nền kinh tế của tỉnh. Các sản phẩm CN có thương hiệu và là ưu thế của tỉnh như: ô tô các loại, kính nổi, chip điện tử, tấm thu năng lượng, may mặc, giày da, vật liệu xây dựng, thủy điện...
Bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của ngành CN, hoạt động du lịch có bước phát triển nhanh. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, mở rộng loại hình du lịch và nâng tầm liên kết vùng.
Quảng Nam đã trở thành một trung tâm du lịch của cả nước với lượng khách đến mỗi năm lên con số hàng triệu lượt, thu nhập xã hội hàng nghìn tỷ đồng, tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông, bảo tồn văn hóa, làng nghề, tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, trở thành hướng phát triển chủ đạo của nhiều địa phương.
Với những thành tựu đã đạt được trong 25 năm qua, vị thế của Quảng Nam đã có sự thay đổi, từ một tỉnh nghèo trở thành tỉnh phát triển tiệm cận ở mức khá so với cả nước, tạo nên thế và lực mới cho sự phát triển của tỉnh.
Tiếp tục phát huy tiềm năng và lợi thế so sánh; khắc phục những hạn chế, thách thức nội tại; cải thiện chất lượng, hiệu quả nền kinh tế, đẩy mạnh tái cơ cấu; điều chỉnh chiến lược phát triển vùng hài hòa, huy động nguồn lực tập trung triển khai các nhóm dự án lớn vùng Đông Nam, vùng Tây; tiếp tục thực hiện 3 đột phá chiến lược một cách mạnh mẽ,… sẽ bảo đảm triển khai thành công các mục tiêu phát triển trong giai đoạn mới theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII.
Đi cùng Covid-19
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 bùng phát đã ảnh hưởng một số ngành, lĩnh vực sản xuất... đã làm trì trệ hoạt động sản xuất kinh doanh; đặc biệt, hoạt động của khối doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đây cũng là nguyên nhân chủ yếu làm cho giá trị sản xuất CN năm 2020 tăng trưởng âm (-6%) so với năm trước. Đứng trước những khó khăn, thách thức mà dịch Covid-19 mang đến, bên cạnh các chính sách điều hành của Chính phủ, của địa phương, nhiều doanh nghiệp đã tìm ra hướng đi mới cho chính mình để tiếp tục ổn định sản xuất kinh doanh góp phần ổn định và nâng cao giá trị sản xuất của ngành CN trong tình hình khó khăn chung của toàn nền kinh tế.
Du lịch là ngành bị ảnh hưởng đầu tiên bởi đại dịch Covid-19 và được dự báo sẽ phục hồi sau cùng. Hai năm qua, ngành du lịch Quảng Nam đứng trước nguy cơ sụt giảm mạnh về lượng khách và doanh thu, nhiều doanh nghiệp ngành du lịch và khách sạn phải đóng cửa, cắt giảm nhân sự, bị ràng buộc và hạn chế trong hoạt động kinh doanh, năm 2020 đón khoảng 1,5 triệu lượt khách, năm 2021 đón khoảng 350.000 lượt khách.