“Tiềm năng phát triển ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) tại các địa phương trong cả nước rất lớn, nhất là khi phát triển công nghiệp văn hóa gắn với phát triển du lịch và nhiều ngành dịch vụ, dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo”.
Khẳng định trên là điều Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh - Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh tại Diễn đàn Phát triển địa phương năm 2022 với chủ đề “CNVH, du lịch và phát triển địa phương”, tổ chức tại TP.Hội An vào ngày 26/11.
Tiềm năng công nghiệp văn hóa
Ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh, tại Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 đã thể hiện nổi bật quan điểm nhất quán, xuyên suốt với văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.
“Trong nền kinh tế thị trường, CNVH là lĩnh vực biểu hiện tập trung của mối quan hệ giữa kinh tế và văn hóa; thể hiện là một ngành CNVH và hệ sinh thái văn hóa, tạo giá trị gia tăng trong hưởng thụ của người dân, sự tích hợp về đời sống vật chất và tinh thần, đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của các tầng lớp nhân dân.
Phát triển lĩnh vực này có ý nghĩa quan trọng giúp chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành những sản phẩm trên thị trường, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, lan tỏa sức mạnh mềm, di sản và đặc trưng văn hóa của mỗi địa phương, mỗi vùng kinh tế và quốc gia; làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, thực sự trở thành trụ cột năng động trong sự phát triển của nền kinh tế” - ông Nguyễn Xuân Thắng nhận định.
Tại diễn đàn, các đại biểu cho rằng ngành CNVH ở Việt Nam ra đời muộn hơn so với nhiều ngành công nghiệp khác, nhưng lại là ngành có nhiều dư địa phát triển.
Đặc biệt, phát triển CNVH gắn với phát triển du lịch và nhiều ngành dịch vụ kết nối cũng như dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo đang là hướng đi đúng đắn hiện nay. Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhiều địa phương đã thực hiện chiến lược phát triển CNVH của Chính phủ.
“Thời gian qua, Bộ VH-TT&DL đã cùng với các địa phương triển khai chiến lược này, bước đầu mang lại những hiệu quả. Theo thống kê, số liệu để ngành văn hóa đóng góp vào GDP giai đoạn 2018 - 2020 khoảng 3,61% tổng số GDP trong cả nước. Tuy đạt được những kết quả khá phấn khởi, nhưng nhìn tổng thể, chúng ta vẫn chưa đạt được như kỳ vọng” - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.
Với 3 vấn đề, bao gồm “Xử lý hài hòa mối quan hệ giữa giữ gìn, bảo tồn và phát huy, phát triển”, “Tăng cường nguồn lực đầu tư phát triển các ngành CNVH”, “Phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành CNVH”, diễn đàn ghi nhận nhiều ý kiến lẫn kinh nghiệm từ các chuyên gia quốc tế và nhà quản lý trong nước.
Tập trung lựa chọn ngành có lợi thế
Chia sẻ câu chuyện của Quảng Nam, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường cho rằng, điều kiện tự nhiên, con người và nền tảng văn hóa mà Quảng Nam có được chính là tiền đề quan trọng để phát triển du lịch bền vững, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.
Du lịch Quảng Nam cũng đã nhận được nhiều danh hiệu, giải thưởng do các tổ chức uy tín trên thế giới chứng nhận và trao hạng, góp phần đưa Quảng Nam trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của cả nước.
“Tuy nhiên, để du lịch phát triển bền vững, Quảng Nam phải tiếp tục tìm tòi, đổi mới, sáng tạo; không ngừng cải tiến, vận dụng có hiệu quả các giá trị, tinh hoa và thành tựu mới của khoa học, kỹ thuật, công nghệ.
Đồng thời xây dựng đa dạng hơn các sản phẩm, dịch vụ văn hóa; đẩy mạnh phát triển CNVH, hoàn thiện thị trường văn hóa, gắn liền với các sản phẩm du lịch nhằm phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống người dân; góp phần phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Quảng Nam nói riêng và của Việt Nam nói chung” - Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường nói.
Cùng với ý kiến từ các đại biểu trong nước, các chuyên gia đến từ Đại học Indiana Hoa Kỳ và Đại học RMIT cũng chia sẻ các chủ đề về phát triển kinh tế và công trình văn hóa, thách thức về sáng tạo trong phát triển CNVH. Kinh nghiệm một số địa phương cũng được nêu ra tại diễn đàn theo hướng đặt CNVH là một trong những điểm nhấn để phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng bền vững.
“Việt Nam có nguồn tài nguyên văn hóa hết sức phong phú và mục tiêu đặt ra là chúng ta phải phấn đấu để ngành CNVH đóng góp vào GDP cả nước năm 2030 là 7%. Do đó, thời gian tới phải tập trung để học tập kinh nghiệm của các quốc gia đã đi trước chúng ta về CNVH.
Trong đó cố gắng tận dụng cơ hội, kinh nghiệm, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, kinh tế số vào CNVH. Rà soát trong tổng số 12 ngành thuộc ngành CNVH để chọn điểm, nhận diện những ngành nào cần phải tập trung đẩy mạnh.
Không chỉ phát triển CNVH mà về chiều sâu sẽ phát triển văn hóa Việt Nam một cách toàn diện. Tập trung chọn lựa ngành CNVH đang có lợi thế như điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn và quảng cáo. Ngoài ra một số ngành khác cũng cần được ưu tiên, đặc biệt là du lịch về văn hóa, gắn kết giữa văn hóa và du lịch” - Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.
Diễn đàn Phát triển địa phương năm 2022 do Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam và Đại học Indiana (Hoa Kỳ) tổ chức, thu hút sự tham gia của hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế.
Dự diễn đàn có các đồng chí Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Nguyễn Văn Hùng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL; lãnh đạo các tỉnh thành trong cả nước. Về phía tỉnh Quảng Nam có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường, cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh.
Đây là diễn đàn thường niên cũng như kênh đối thoại về các vấn đề phát triển địa phương, cập nhật những thành tựu và khó khăn trong công tác lãnh đạo địa phương và hợp tác liên kết vùng; vì mục tiêu thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương, tạo động lực cho sự cất cánh phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn tới năm 2045.