Công nghiệp vật liệu xây dựng: Phát triển theo hướng bền vững

CÔNG TÚ 15/08/2013 08:18

Vật liệu xây dựng là một trong những ngành chủ lực trong định hướng chiến lược phát triển công nghiệp Quảng Nam. Tuy nhiên, do chưa có quy hoạch và chính sách cụ thể, nên thời gian qua, công nghiệp vật liệu xây dựng của tỉnh còn dàn trải, manh mún.

Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ (Nam Giang) đang trong giai đoạn xây dựng.
Nhà máy xi măng Thạnh Mỹ (Nam Giang) đang trong giai đoạn xây dựng.

Thiếu định hướng

Vật liệu xây dựng (VLXD) là “lương thực” của ngành xây dựng, thường chiếm đến 60% giá trị trong chi phí xây dựng công trình. Những năm qua, Quảng Nam đã nỗ lực đầu tư phát triển công nghiệp VLXD. Toàn tỉnh hiện có 35 cơ sở sản xuất vật liệu xây, 6 cơ sở vật liệu lợp, 21 cơ sở đá xây dựng, 12 cơ sở cát xây dựng, 3 cơ sở gạch ốp lát, 3 cơ sở kính xây dựng. Các cơ sở sản xuất VLXD như gạch ốp lát, sứ vệ sinh đã hình thành; ngành vật liệu xi măng đang được đầu tư xây dựng tại Nam Giang với công suất 3.300 tấn clinke/ngày, dây chuyền đồng bộ từ công đoạn nghiền đến đóng bao, sản xuất xi măng công suất 1.235.000 tấn xi măng/năm.

Tuy nhiên, theo ông Thái Hoàng Vũ - Phó Giám đốc Sở Xây dựng, mặc dù tài nguyên khoáng sản làm VLXD khá phong phú và đa dạng song công tác điều tra thăm dò, đánh giá nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD chưa được triển khai đầy đủ và rộng khắp; đánh giá trữ lượng, chất lượng chưa chính xác cao. Với ưu thế về vị trí địa lý thuận lợi và nguồn tài nguyên khoáng sản, nhưng ngành công nghiệp sản xuất VLXD địa phương chưa được quy hoạch định hướng phát triển hợp lý. Do kêu gọi đầu tư sản xuất VLXD ồ ạt, không có chiến lược dẫn đến sản xuất tràn lan, không đảm bảo nguồn nguyên liệu, chất lượng sản phẩm không cao. Hậu quả của cách làm này là môi trường bị ô nhiễm, mất đất nông nghiệp.

Theo ông Lê Tú - Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quảng Nam, phần lớn các sản phẩm VLXD của tỉnh có giá trị gia tăng thấp, chưa đa dạng hóa mặt hàng và mở rộng thị trường bên ngoài. Lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật chưa tương xứng với yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành công nghiệp VLXD. Còn TS. Trần Văn Huynh, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng - Chủ tịch Hội VLXD Việt Nam đánh giá: “Khai thác tài nguyên khoáng sản làm VLXD ở Quảng Nam còn nhiều bất cập. Cấp mỏ cho đơn vị, cá nhân chưa đúng đối tượng, không đủ năng lực; thủ tục cấp còn phiền hà, thời hạn cấp mỏ quá ngắn cộng thêm việc khai thác đa số theo công nghệ lạc hậu đã gây ô nhiễm môi trường, lãng phí thất thoát tài nguyên”.

Phát triển bền vững

TS. Trần Văn Huynh cho rằng, dựa vào lợi thế hiện có, Quảng Nam cần tập trung xây dựng quy hoạch phát triển sản xuất kinh doanh VLXD theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Quy hoạch phải mang tính khoa học, khách quan, hiện thực, chống duy ý chí; cần gắn chặt lợi ích của địa phương với lợi ích toàn vùng, lợi ích toàn xã hội, lợi ích trước mắt với lợi ích lâu dài. Cạnh đó, các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất VLXD cần ứng dụng công nghệ tiên tiến, kỹ thuật hiện đại để sử dụng hiệu quả tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Sản xuất gạch tuynel ở Công ty CP Đất Quảng.
Sản xuất gạch tuynel ở Công ty CP Đất Quảng.

Ở một khía cạnh khác, ông Thái Hoàng Vũ đề xuất các sở ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý về nguồn tài nguyên khoáng sản làm VLXD. Nhanh chóng có chính sách nhằm hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung để tiết kiệm đất sét, than (2 tài nguyên không tái tạo) và giảm thải ô nhiễm môi trường. Mặt khác, sản xuất VLXD không nung sẽ sử dụng phế thải của các ngành công nghiệp như tro bay, xỉ của các ngành công nghiệp luyện kim, cán thép, phế thải công nghiệp đá…, sử dụng ít năng lượng, góp phần bảo vệ môi trường.

Là địa phương thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất VLXD vào đầu tư, trên địa bàn Đại Lộc có 8 nhà máy sản xuất gạch ngói tuynel (công suất 180 triệu viên/năm), 1 nhà máy gạch men (24 triệu m2/năm), 1 nhà máy sản xuất tấm lợp fibro xi măng (2,4 triệu tấn/năm). Sau khi xem xét nguồn nguyên liệu hiện có và năng lực sản xuất của các nhà máy tuynel, cuối năm 2007, huyện có chủ trương không tiếp nhận thêm dự án sản xuất VLXD bằng đất sét, nhưng khuyến khích dự án sản xuất VLXD không nung vào đầu tư. Ông Lê Tấn Ngọc, Trưởng phòng Kinh tế - hạ tầng Đại Lộc đề xuất, không phát triển thêm nhà máy, không mở rộng quy mô sản xuất của các cơ sở gạch tuynel hiện có tại địa phương. Cần xúc tiến xây dựng chương trình, đề án phát triển VLXD của tỉnh đến năm 2020, tính đến năm 2025 trên cơ sở nguồn nguyên liệu hiện có, công nghệ sản xuất và thị hiếu tiêu dùng trình phê duyệt để các địa phương có cơ sở quản lý, phát triển ngành liên quan phù hợp quy hoạch chung của tỉnh. Còn theo ông Nguyễn Tâm - Giám đốc Công ty CP Đất Quảng (đang đầu tư nhà máy tại Đại Lộc), cần thiết phải quản lý chặt chẽ việc khai thác nguồn tài nguyên, bảo đảm cho sự đầu tư phát triển của doanh nghiệp, lợi ích Nhà nước và tránh xâm hại đến môi trường. “Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển gạch không nung, bảo đảm doanh nghiệp đầu tư sản xuất kinh doanh có hiệu quả” - ông Tâm kiến nghị.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Công nghiệp vật liệu xây dựng: Phát triển theo hướng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO