Bước chuyển công nghiệp ở Hiệp Đức

VĂN SỰ - THÀNH CÔNG 26/04/2022 06:43

Nhờ ưu tiên nguồn lực tài chính xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu, chú trọng cải thiện môi trường đầu tư để thu hút doanh nghiệp vào địa bàn..., những năm qua lĩnh vực sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Hiệp Đức có bước chuyển biến tích cực.

Nhờ thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, 270 công nhân của Công ty CP May mặc xuất khẩu Hưng Hoàng Phát có việc làm thường xuyên. Ảnh: C.S
Nhờ thị trường tiêu thụ sản phẩm ổn định, 270 công nhân của Công ty CP May mặc xuất khẩu Hưng Hoàng Phát có việc làm thường xuyên. Ảnh: C.S

Kết quả tích cực

Chúng tôi ghé thăm nhà máy may của Công ty CP May mặc xuất khẩu Hưng Hoàng Phát đóng tại Cụm công nghiệp (CCN) Việt An (xã Bình Lâm). Không khí lao động ở đây khá nhộn nhịp.

Nữ công nhân Trần Thị Kim Oanh chia sẻ: “Tôi vào làm việc tại nhà máy đã 4 năm. Mặc dù dịch Covid-19 ảnh hưởng rất lớn nhưng nhờ công ty có nhiều đơn hàng nên toàn bộ công nhân đều có việc làm ổn định. Mức lương hằng tháng của tôi từ 6 - 8 triệu đồng. Phía doanh nghiệp luôn chăm lo đầy đủ chế độ chính sách liên quan cho người lao động là điều rất đáng mừng”.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Hiệp Đức tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các ngành công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ. Cụ thể, đến năm 2025 cơ cấu kinh tế của Hiệp Đức là nông - lâm - thủy sản chiếm tỷ trọng 15%, công nghiệp - xây dựng 55%, thương mại - dịch vụ 30%... Năm 2022, Hiệp Đức phấn đấu giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng đạt 700 tỷ đồng, trong đó giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 385 tỷ đồng (tăng hơn 132 tỷ đồng so với năm 2021).

Ông Nguyễn Duy Hậu - Giám đốc Công ty CP May mặc xuất khẩu Hưng Hoàng Phát cho biết, năm 2017 đơn vị đầu tư 10 tỷ đồng xây dựng nhà máy may với quy mô lớn trên tổng diện tích 15.000m2 đất. Đây là dự án triển khai đầu tiên tại CCN Việt An.

Trong 5 năm qua, nhờ đơn hàng khá nhiều (chủ yếu xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Mỹ) nên 270 công nhân của công ty có việc làm thường xuyên, kể cả thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

“Công nhân của công ty phần lớn tập trung ở các xã Bình Lâm, Quế Thọ, Bình Sơn (Hiệp Đức), Bình Lãnh (Thăng Bình), Quế Minh, Quế An (Quế Sơn), Tiên Hà, Tiên Sơn (Tiên Phước). Hiện nay, thu nhập bình quân của công nhân từ 5 - 9 triệu đồng/người/tháng” - ông Hậu nói.

Ông Phan Quốc Vượng - chuyên viên Phòng Kinh tế & hạ tầng Hiệp Đức cho biết, trên địa bàn hiện quy hoạch 11 CCN với diện tích hơn 125,5ha. Trong đó 7 cụm có quy hoạch chi tiết, đã và đang đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu gồm Tân An, Quế Thọ, Quế Thọ 3, Gò Hoang, Sông Trà, Việt An, Bà Huỳnh với diện tích 102,6ha.

Tại 7 CCN này có tổng cộng 16 dự án đăng ký đầu tư với tổng nguồn vốn 1.656 tỷ đồng, đến nay 9 dự án đã đi vào hoạt động và 7 dự án đang tiến hành xây dựng. Tổng số lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp ở các CCN khoảng 1.135 người.

Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có gần 300 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN) quy mô vừa và nhỏ hoạt động hiệu quả với nhiều ngành nghề, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động.

“Năm 2021 giá trị sản xuất ngành công nghiệp - xây dựng của huyện đạt 535,12 tỷ đồng. Trong đó, riêng giá trị sản xuất CN-TTCN đạt 252,81 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 3% so với năm 2020” - ông Vượng cho hay.

Nỗ lực tạo đột phá

Ngoài 11 CCN đã được quy hoạch nêu trên, các đơn vị liên quan của huyện Hiệp Đức vừa tiến hành rà soát, kiểm tra thực tế và dự kiến trong thời gian tới sẽ đề nghị cấp có thẩm quyền bổ sung quy hoạch 5 cụm công nghiệp có tiềm năng (gồm Tân An 2, Quế Thọ 4, Sông Trà 2, Sông Trà 3, Hiệp Hòa 2) với diện tích khoảng 230ha.

Ảnh: C.S
Ảnh: C.S

Ông Nguyễn Văn Nam - Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức nói, thành quả đạt được trong phát triển CN-TTCN của địa phương là sự nỗ lực rất lớn từ nhiều phía. Tuy nhiên, để tạo đột phá mạnh mẽ trên lĩnh vực này, Hiệp Đức tập trung triển khai nhiều phần việc. Ngoài sự hỗ trợ của cấp trên, huyện sẽ linh hoạt huy động và lồng ghép nguồn vốn để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kỹ thuật tại các CCN theo quy hoạch.

Thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các cấp, ngành thực hiện tốt công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và thu hút doanh nghiệp. Quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy hình thành và phát triển các doanh nghiệp, dự án khởi nghiệp sáng tạo...

“Trong định hướng phát triển lĩnh vực CN-TTCN, huyện Hiệp Đức khuyến khích đầu tư nâng cao giá trị thu nhập trực tiếp cho người dân, phát triển các ngành nghề có giá trị gia tăng cao và phục vụ nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm nông - lâm nghiệp, sản xuất phân bón, chế biến thức ăn gia súc, may công nghiệp... Phấn đấu xây dựng Hiệp Đức trở thành trung tâm công nghiệp chế biến nông - lâm nghiệp của tỉnh” - ông Nguyễn Văn Nam nói.

Theo lãnh đạo huyện Hiệp Đức, hiện nay một số CCN do UBND huyện ủy quyền cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Tuy nhiên, nguồn kinh phí của huyện còn hạn hẹp nên không thể cân đối để đầu tư giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Do vậy, địa phương đề nghị các sở, ngành ở tỉnh quan tâm kêu gọi nhà đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN theo Chương trình xúc tiến đầu tư hoặc hỗ trợ kinh phí theo Nghị quyết số 34 (ngày 29.9.2021) của HĐND tỉnh về “Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025” để xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng đã đầu tư dở dang tại các CCN...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bước chuyển công nghiệp ở Hiệp Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO