Cần lấp "khoảng trống" trong phát triển công nghiệp

THÀNH CÔNG - QUỐC TUẤN 04/06/2022 18:24

(QNO) - Góp ý báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh Quảng Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 về chuyên đề phát triển ngành công nghiệp chiều nay 4.6, các chuyên gia cho rằng Quảng Nam đã đi đúng hướng và tạo được động lực lớn cho phát triển, nhưng vẫn còn nhiều "khoảng trống" trong phát triển công nghiệp.

Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề về phát triển công nghiệp trong hội nghị góp ý báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh chiều nay, 3.6. Ảnh: T.C
Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ phát biểu tại phiên thảo luận chuyên đề về phát triển công nghiệp trong hội nghị góp ý Báo cáo giữa kỳ Quy hoạch tỉnh chiều nay 3.6. Ảnh: T.C

Xây dựng khu công nghệ cao

Góp ý vào chuyên đề phát triển công nghiệp, Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ - Đại học Năng lượng quốc gia Moskva Liên bang Nga, Chủ tịch Viện Công nghệ VinIT cho hay, xu thế hiện nay là phát triển công nghiệp phải gắn với công nghệ cao mới có thể cạnh tranh với thế giới và tăng tính bền vững.

Do đó, quy hoạch nên có cái nhìn chiến lược, tập trung phát triển công nghiệp bền vững, xây dựng bằng được khu công nghệ cao cho Quảng Nam. Quan điểm vị giáo sư này đưa ra, nếu chỉ dùng nội lực, sẽ rất khó thành công để xây dựng khu công nghệ cao, phát triển lâu dài. Vì vậy, phải huy động sức mạnh tổng hợp, sử dụng nội lực sẵn có kết hợp với nguồn lực bên ngoài, là các tập đoàn khoa học công nghệ thế giới.

Ngành sản xuất công nghiệp ô tô đóng góp rất lớn ngân sách cho Quảng Nam.
Ngành công nghiệp sản xuất ô tô đóng góp rất lớn ngân sách cho Quảng Nam.
“Nếu muốn thu hút các tập đoàn công nghệ, các chuyên gia công nghệ, chúng ta cũng phải có công nghệ. Nhưng nếu nhìn lại, Quảng Nam chưa có công nghệ gì cả. Phải tìm kiếm công nghệ phù hợp đặc thù địa phương, lấy đó làm vốn để thu hút nhân lực công nghệ cao.

Chúng ta phải tận dụng tối đa lợi thế đặc thù, góp phần giải quyết nhiệm vụ chiến lược của địa phương, đất nước, tận dụng khoa học công nghệ tại chỗ và các nước trong khu vực" - Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cho biết.

Phiên họp chiều 3.6 tập trung vào các phương án phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ thương mại, nông lâm ngư nghiệp. Ảnh: T.C
Phiên họp chiều 4.6 tập trung vào các phương án phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ thương mại, nông lâm ngư nghiệp. Ảnh: T.C

Để thu hút được chuyên gia, cán bộ khoa học công nghệ, theo Giáo sư Nguyễn Quốc Sỹ cần có điều kiện làm việc, mức thu nhập hợp lý, tận dụng tối đa thế mạnh về biển, ẩm thực và du lịch. Ngoài ra, cũng tính đến xây dựng các tổ nhóm, phòng thí nghiệm hỗn hợp chuyên gia trong và ngoài nước triển khai các dự án và đào tạo cán bộ tại chỗ.

Cạnh đó xây dựng trường đại học khoa học công nghệ hoạt động trên nguyên tắc không vì lợi nhuận, đào tạo chuyên gia, cán bộ khoa học công nghệ cao cấp, đa ngành nghề, cung cấp lực lượng cán bộ khoa học công nghệ chất lượng cao về lâu dài cũng là một giải pháp.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho hay, tỉnh rất mong muốn công nghệ cao được đưa vào các lĩnh vực, đặc biệt là nguồn nhân lực để ứng dụng công nghệ cao. Trong đồ án quy hoạch sẽ đưa công nghiệp công nghệ cao, đồng thời sắp tới sẽ có đề án chuyên sâu công nghệ cao ở Quảng Nam, trong đó phân tích kỹ sẽ chọn lựa điểm mạnh là công nghệ gì, yếu tố cần và đủ để hình thành công nghiệp công nghệ cao.

Thẩm định chặt chẽ công nghệ dự án đầu tư

Ông Phạm Văn Liêm - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công thương cho hay, đối với công nghiệp, bên cạnh thu hút các lĩnh vực mới, nhiều tiềm năng, vẫn phải khuyến khích duy trì đầu tư vào ngành dệt may, da giày.

Trong bối cảnh hội nhập, Việt Nam ký nhiều hiệp định thương mại, nền kinh tế còn ở quy mô thấp, tỷ lệ lao động trình độ thấp nhiều, chuyển đổi cơ cấu lao động nông thôn sang lĩnh vực công nghiệp lớn, dư địa để phát triển dệt may, da giày đến 2030 còn rất tốt. Đây là ngành có lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn gần, nên phát triển và sẽ phải khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Ông Phạm Văn Liêm nhấn mạnh phải hết sức chú trọng thẩm định công nghệ các dự án đầu tư. Ảnh: T.C
Ông Phạm Văn Liêm cho rằng cần thẩm định công nghệ các dự án đầu tư. Ảnh: T.C

Ông Phạm Văn Liêm cho rằng, ngoài tập trung cơ khí chế tạo và công nghiệp phụ trợ, nên phát triển trung tâm điện khí, công nghiệp điện khí, do ngành này có đóng góp lớn cho ngân sách, kéo theo các doanh nghiệp hỗ trợ đi kèm. Ngoài ra để gắn kết, nâng cao giá trị của lĩnh vực nông lâm thủy sản, tỉnh nên phát triển trung tâm chế biến, cần có cơ chế tập trung khuyến khích doanh nghiệp hóa dược, chế biến các cây dược liệu, gỗ…

Thế mạnh vùng tây của tỉnh là còn diện tích khá rộng lớn, có thể hình thành vùng nguyên liệu dồi dào, tạo điều kiện phát triển chế biến dược liệu, thủy hải sản, gỗ…

Ngành dệt may, da giày được đánh giá còn dư địa khá lớn để phát triển. Ảnh: T.C
Ngành dệt may, da giày được đánh giá còn dư địa khá lớn để phát triển. Ảnh: T.C

"Tuy nhiên, bên cạnh tìm kiếm các đối tác uy tín, kéo nhà đầu tư, phải cẩn trọng thẩm định công nghệ đối với các dự án đầu tư. Công nghệ sai, tỉnh sẽ phải gánh hậu quả rất nặng. Chuyển đổi số cũng là vấn đề cần quan tâm vì đây là xu thế bắt buộc hiện nay” - ông Liêm nói.

Chu Lai trở thành khu kinh tế động lực

Theo liên danh tư vấn lập quy hoạch, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của Quảng Nam đóng góp lớn vào tăng trưởng và quy mô kinh tế của tỉnh trong giai đoạn 2011 - 2020, đóng góp 2,58 điểm % vào tăng trưởng nền kinh của tỉnh và là động lực chính thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa -hiện đại hóa

Từ tăng trưởng của ngành chế biến, chế tạo, cơ cấu công nghiệp Quảng Nam trong tổng GRDP nền kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá (năm 2020 đóng góp 21,1% trong GRDP toàn tỉnh, so với năm 2010 và 2015 tương ứng là 8,7% và 18,5%). Hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đầu tư, nâng cấp, mở rộng và từng bước hoàn thiện.

Trong mục tiêu phát triển công nghiệp giai đoạn tới, khu kinh tế mở Chu Lai sẽ trở thành khu kinh tế động lực của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước.
Trong mục tiêu phát triển công nghiệp giai đoạn tới, Chu Lai sẽ trở thành khu kinh tế động lực của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Ảnh: T.C

Thời gian qua, Quảng Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cho các doanh nghiệp; tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư và phát triển sản xuất.

Cơ chế chính sách đầu tư của Quảng Nam có nhiều thay đổi theo hướng thông thoáng, chính quyền tỉnh chủ động phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trong việc thu hút và thực hiện các công trình đầu tư công nghiệp trên địa bàn. Vị trí và vai trò của công nghiệp Quảng Nam trong Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung tiếp tục giữ vững và nâng cao.

Chuyển động lạc quan là một số nhóm ngành/sản phẩm công nghiệp chế biến, công nghiệp chế tạo phát triển theo hướng hiện đại, chuyên môn hóa cao, gắn với phát triển ổn định và bền vững. Chu Lai đang là khu vực phát triển năng động của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cần lấp "khoảng trống" trong phát triển công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO